'Tiến về Hà Nội' - sự 'tiên đoán' của Văn Cao
Dự báo chính là một năng lượng trong sáng tạo văn nghệ, nhất là ở những bậc tài danh. Với thiên tính dự báo trong sáng tạo âm nhạc của mình, ngay từ năm 1948, khi nghe tin ta đang chuyển từ phòng ngự, cầm cự để rồi sang tổng phản công ở chợ Đại (Hà Đông, nay thuộc Hà Nội), Văn Cao đã viết hành khúc Tiến về Hà Nội.
Hành khúc Tiến về Hà Nội sau khi viết xong, Văn Cao đã chia sẻ với Bùi Xuân Phái, Tạ Tỵ, Tử Phác và tất cả cùng hát vang lên ở chính nơi Văn Cao sáng tác. Ngay sau đó, hành khúc đã lan truyền lên Việt Bắc, ở các chiến khu phía Bắc. Nhưng lúc đó, cũng có người cho rằng, Văn Cao "lạc quan tếu". Song 6 năm sau, khi ta về tiếp quản Thủ đô, Tiến về Hà Nội đã vang lên như một giấc mơ trở thành hiện thực.
Tiến về Hà Nội của Văn Cao đã tiên đoán rằng sự kiện ấy sẽ xảy ra như thế. Và quả nhiên, lời tiên đoán ấy đã đúng như hiện thực diễn ra. Cứ xem những thước phim mà đạo diễn Carmen cùng đoàn làm phim của ông quay về ngày lịch sử này thì thấy hiện lên giai điệu "Tiến về Hà Nội" của Văn Cao.
Trùng trùng quân đi như sóng
Lớp lớp đoàn quân tiến về
Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng
Cờ ngày nào tung bay trên phố
Hành khúc được viết ở điệu thức sol trưởng, nhưng nét trữ tình của đoạn đầu đã được Văn Cao gửi vào một biến âm mi giáng rơi đúng vào ca từ "đầu hàng". Phải chăng, đấy đúng là tinh thần "mã thượng" của người Việt Nam: khi kẻ thù đã chịu đầu hàng thì lượng thứ.
Đoạn nhắc lại cũng với hơi thở ấy, nhưng nốt biến âm lại rơi vào ca từ "trở về" để diễn tả cảm xúc của những người lính khi trở về, nhất là với Trung đoàn Thủ Đô, trung đoàn đã vây hãm quân Pháp tại Hà Nội từ đêm 19/12/1946 trong thế trận "trùng độc chiến" (trong đánh ra, ngoài đánh vào) đầy sáng tạo của chiến tranh nhân dân:
Trùng trùng say trong câu hát
Lấp lánh lưỡi lê sáng ngời
Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về
Cả cuộc đời tươi vui về đây.
Âm nhạc bước sang đoạn phát triển như những giai điệu hoan ca mê đắm:
Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về
Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào
Chảy dòng sương sớm long lanh
Chúng ta ươm lại hoa
Sắc hương phai ngày xa
Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu
Những bông hoa ngày mai
Đón tương lai vào tay
Những xuân đời mỉm cười vui hát lên
Hoan ca vẫn da diết trở lại không dứt:
Khi đoàn quân tiến về là đêm tan dần
Như mùa xuân xuống cành đường nghe gió về
Hà Nội bừng "Tiến quân ca".
Không chỉ ở Tiến quân ca, Tiến về Hà Nội, giai điệu Văn Cao mang chứa tính dự báo. Ngay trong năm Cách mạng Tháng Tám thành công, Văn Cao đã dự báo về sự lớn mạnh của đội quân cách mạng qua Không quân Việt Nam và Bài ca chiến sĩ Hải quân, những quân chủng mà phải tới khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, chúng ta mới thành lập. Dự báo của văn nghệ chỉ có thể chia sẻ, song hành cùng những tầm nhìn chính trị uyên bác.
Ngày ấy, để chuẩn bị cho sự kiện tiếp quản Thủ đô, không chỉ riêng lực lượng ở chiến khu Việt Bắc mà cả lực lượng ở trong thành phố cũng phải bí mật, âm thầm chuẩn bị bao công việc. Biết đâu những người chuẩn bị đã thuộc Tiến về Hà Nội từ trước và họ đã lặng lẽ để những gì Văn Cao đã viết trong hành khúc sẽ trở thành hiện thực mà họ đã dày công chuẩn bị. Có thể lắm chứ.
Tiến về Hà Nội được hát tưng bừng ở Thủ đô ngày 10/10/1954. Năm 1984, kỷ niệm 30 năm giải phóng Thủ đô, nghe "Tiến về Hà Nội" vang lên cùng những bài hát mới sáng tác năm đó, tôi có viết tặng Văn Cao bài thơ mang tên Người dự cảm:
Đôi khi giữa những điều khó tin
Lại ẩn náu một niềm tin phải nói
Ngày ấy chưa ai nghĩ sẽ có Điện Biên
Ông đã viết "Tiến về Hà Nội"
*
Ngày ấy
Bóng giặc còn đè nặng phố phường
Người ra đi Hà Nội sau lưng
Phố phường bầm đỏ vết
Cuộc trường kỳ đang hồi ác liệt.
Phải hy vọng thế nào
Mới có bài ca dự cảm hát.
*
Người nhạc sĩ với chòm râu cước
Lặng im bên dương cầm
Cặp mắt sáng về ký ức
Những thăng trầm nênh nổi ánh lên.
*
Và âm thanh đóa hoa nở sớm
Khiến suốt đời ta cứ ngạc nhiên.
Năm nay, năm Giáp Thìn 2024, kỷ niệm 70 năm tiếp quản Thủ đô, Tiến về Hà Nội sẽ lại vang lên ấn tượng như màn trình diễn ở Nhà Hát lớn Hà Nội đêm 20/8/2023, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Văn Cao.