Người Đông Sơn (Kỳ 16): Những khối tượng tập thể Đông Sơn tiêu biểu

Để tiếp mạch câu chuyện về nghệ thuật tạo tượng tập thể trên cán dao găm, tuần này tôi muốn dành cho độc giả một bất ngờ lớn khi hé lộ về một số khối tượng tập thể tiêu biểu mà tôi đã có điều kiện nghiên cứu.

1. Khối tượng tập thể khá hiếm hoi trong nghệ thuật đúc đồng Đông Sơn. "Tượng tập thể Đông Sơn" ở đây nhằm phân biệt với những tượng Đông Sơn đơn và đôi như tôi đã trình bày trong nhiều loạt bài trước đây. Số lượng người của khối tượng thường từ 3 trở lên và mỗi tượng có một diện mạo và chức năng riêng trong tập thể đó, chứ không phải là một dãy copy giống nhau.

Hiện tại tôi mới chỉ gom được tư liệu của 8 nhóm tượng tập thể Đông Sơn: 2 trên đốc cán dao găm (1 của CQK California, Mỹ và 1 ở cửa  hàng Lê Công Kiều, TP.HM), 2 trên móc thắt lưng (Đặng Collection và nhà hàng Trống Đông Sơn, Hà Nội), 1 vật treo hình nhà (sưu tập CQK), 1 dàn vũ công khối hộp (sưu tập Phạm, Paris, Pháp), 1 khánh thầy cúng (sưu tập Mai Sĩ Tất Thắng). Quả là một con số khá khiêm tốn, so với các hình tập thể người Đông Sơn được trang trí bằng nghệ thuật khắc vạch trên mặt phẳng lòng khuôn.

 'Người Đông Sơn vẽ và nặn về người Đông Sơn' (Kỳ 16): Những khối tượng tập thể Đông Sơn tiêu biểu - Ảnh 1.

Các góc khác nhau của chiếc khóa thắt lưng có 3 nhạc công Đông Sơn: Người thổi khèn, người thổi sáo và người gõ xênh. Sưu tập Đặng (Hà Nội)

Như đã nói ở những bài trước, cư dân văn hóa Điền mới là chủ nhân những tác phẩm đúc đồng tập thể, khi họ dựng cả một lễ hội gồm cả trăm tượng người trong những tư thế, tiểu cảnh khác nhau trên một mâm đồng rộng chưa đầy 1m2 dùng làm nắp đậy đồ dáng trống đồng. Nội dung tượng tập thể Đông Sơn thường quy mô nhỏ, khối tượng lớn nhất tôi thấy được chỉ là một diện tích hình vuông mỗi chiều khoảng 9cm, với số người mới chỉ tới con số 8.

"Ngôi nhà với đặc trưng Đông Sơn rõ rệt, chỉ nhỏ chưa bằng một bao thuốc lá, chứa 3 nhạc công và 5 người hành lễ bên trong, có thể được coi như phát hiện lớn nhất của tôi trong gần 50 năm khai quật và nghiên cứu về văn hóa Đông Sơn" - TS Nguyễn Việt.

2. Nội dung đầu tiên tôi muốn "rì rầm" hôm nay là những khối tượng thể hiện các nhóm nhạc công. Đây là một nội dung tôi đã trình bày đâu đó cả trên báo chí lẫn trên một số diễn đàn khoa học.

Bắt đầu với tôi là một mặt khóa thắt lưng trong sưu tập Đặng Sơn năm 2001. Hiện vật không lớn, chỉ dài 7cm cả phần móc. Bản mặt khóa hình tròn, đường kính 5cm, trên đó trình bày một dàn nhạc công gồm 3 người ngồi: 1 người thổi khèn bầu, 1 người thổi sáo ngang và người còn lại 2 tay cầm xênh gõ nhịp. Đáng tiếc hiện vật bị gỉ quá nặng không cho phép nhìn rõ trang phục của các nhạc công. Tôi đã công bố phát hiện này trên tạp chí Heritage và sau đó trên tạp chí Nghiên cứu Mỹ thuật.

Một nhóm tượng nhạc công khác được thể hiện gồm 3 người đánh trống ở một diện tích chừng 9cm2 phía đầu một ngôi nhà có móc treo và một nhóm người làm lễ rót rượu ở bên trong - mà tôi sẽ dành riêng một bài để kể lể sau này. Đây là một ngôi nhà Đông Sơn 3D duy nhất mà tôi thấy. Chủ nhân là chủ sưu tập CQK (California, Mỹ) đã mời tôi sang tới 4 lần, mỗi lần 1 tháng để nghiên cứu sưu tập này. Và ngôi nhà với đặc trưng Đông Sơn rõ rệt, chỉ nhỏ chưa bằng một bao thuốc lá, chứa 3 nhạc công và 5 người hành lễ bên trong, có thể được coi như phát hiện lớn nhất của tôi trong gần 50 năm khai quật và nghiên cứu về văn hóa Đông Sơn. 

 'Người Đông Sơn vẽ và nặn về người Đông Sơn' (Kỳ 16): Những khối tượng tập thể Đông Sơn tiêu biểu - Ảnh 3.

Toàn cảnh ngôi nhà Đông Sơn chỉ nhỏ bằng bao diêm trên lòng bàn tay tác giả (hình trái). Cụm 3 người nhạc công đánh trống ở đầu nhà, phần sân không có mái che (hình phải)

Trong khuôn khổ bài báo này, tôi sẽ chỉ nói đến nhóm 3 người đánh trống. Ngồi phía đầu nhà, nơi không có mái che, tương tự phần sân trời của ngôi nhà, là 2 người đánh trống đồng. Điều đặc biệt thú vị là mỗi người đánh trống đồng ngồi ở một dàn cao làm bằng tre hay cây gỗ, tạo dáng như lan can ở 2 bên sân trời vậy. Kiểu ngồi thấy rõ là một chân thõng xuống đất một chân ghếch lên sàn. Một tay bám cột, tay kia vung cao giộng trống bằng một chiếc dùi ngắn.

Dù đầu người đánh trống chỉ to bằng hạt ngô nhưng vẫn thấy cái miệng mở to như đang hát. Hai chiếc trống đồng đặt ở giữa sàn, kê trên một bệ thoát âm. Phía bên trong, nơi có một cột đầu hồi bên trên đậu con chim cú mèo, là vị trí của nhạc công gõ chiếc trống da đai gỗ tương tự trống trường hay trống lễ hội ngày nay. Chiếc trống này được treo nằm ngang, người đánh trống ngồi bệt dưới đất. Không có nhạc cụ hơi (khèn, sáo…) nào ở đây, mà chỉ có bộ gõ với 2 trống đồng để đứng và 1 trống da treo nằm. Dường như họ là một bộ phận của nghi lễ nào đó để phục vụ nhịp điệu cho 4 người đang làm lễ múc rượu bên trong.

3. Khối tượng độc đáo nhất trong các khối tượng Đông Sơn có lẽ là khối tượng 8 ca nhạc công mà tôi được tận tay nghiên cứu tại Paris năm 2008. Khối tượng này vốn thuộc sưu tập Pham. Đó là một vật treo với móc treo ở chính giữa bên trên chiếc trống da đặt ở trung tâm khối tượng. Tôi đã chụp hàng trăm bức hình và giới thiệu trên tạp chíHeritage Nghiên cứu Mỹ thuật trước khi dành vị trí trang trọng trong cuốn sách của tôi Hà Nội thờitiền Thăng Long, NXB Hà Nội, 2010, trang 469.

 'Người Đông Sơn vẽ và nặn về người Đông Sơn' (Kỳ 16): Những khối tượng tập thể Đông Sơn tiêu biểu - Ảnh 4.

Khối tượng 8 ca, nhạc công trên khán đài. Người đánh trống da ở giữa, 2 người thổi khèn sáo đứng ở 2 góc đối diện, còn lại là những người đứng hát chống nạnh, tay bắt sau lưng. Sưu tập Phạm (Paris)

 Khi in sách xong, tôi có mang theo trong chuyến điền dã ở Thanh Hóa. Sau khi được xem các hình này,một nhà sưu tầm địa phương đã giúp tôi tìm đến tận nơi người dân phát hiện nó từ trong lòng đất - vườn một nhà dân ở Làng Vực, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Theo lời mô tả của người trực tiếp phát hiện thì khối tượng này nằm bên trái một đầu lâu người bên trong một trống đồng. Chủ nhân ngôi mộ rất giàu có khi được chôn theo khá nhiều thạp, âu, chậu đồng và nhiều vũ khí khác kèm theo.

Dàn nhạc ca công được bố trí trên một "khán đài" hình hộp vuông rộng mỗi chiều 9cm, cao 3cm. Xung quanh là các băng trang trí chấm rải và hình tròn có tâm ở giữa. Chính giữa khán đài là cột trống, bên trên có chiếc trống da nằm ngang. Tại đó có người nhạc công thủ nhịp đánh trống. Quanh rìa khán đài là 7 người còn lại được xếp sắp như sau: Ở 2 góc đối diện là 2 người thổi khèn, ở một góc nữa là 1 người thổi sáo. 4 người còn lại đứng hát trong tư thế 2 tay chống nạnh, bàn tay bắt sau lưng, tất cả quay mặt vào trong nơi chiếc trống da ở chính giữa. Nhờ độ bảo quản tốt, có thể thấy rõ các ca nhạc công đều là nam, đóng khố ngắn, đầu quấn khăn.Nghệ nhân đã khéo tạo trên mặt họ chiếc miệng mở to đều như đang hát. Để tạo trọng lực phân bố đều khi treo, các khối tượng riêng lẻ không bố trí đều mà ít nhiều xiên lệch.

Như vậy ta có thể thấy: Ở tiêu bản thứ nhất, trên mặt khóa thắt lưng chỉ có 3 nhạc công dùng bộ nhạc cụ hơi (khèn, sáo) và đôi xênh gõ phách. Trong ngôi nhà Đông Sơn, cả 3 nhạc công chỉ dùng bộ gõ. Còn ở khối hộp hình khán đài, ta thấy nhạc cụ hơi là chính trong tiếng trống da giữ nhịp ở trung tâm. Dàn nhạc Đông Sơn cả trên các khối tượng lẫn hình khắc vạch 2D có vẻ đã hình thành ổn định với chiếc khèn và trống da, trống đồng trong các lễ nghi tâm linh.

Theo lời mô tả của người trực tiếp phát hiện thì khối tượng này nằm bên trái một đầu lâu người bên trong một trống đồng. Chủ nhân ngôi mộ rất giàu có khi được chôn theo khá nhiều thạp, âu, chậu đồng và nhiều vũ khí khác kèm theo.

(Còn tiếp)

TS Nguyễn Việt

Link gốc: TTVH