Bảo hộ bản quyền điện ảnh Việt Nam (kỳ 2 và hết): Chế tài 'mạnh tay' xử lý vi phạm
Đạo diễn - nhà sản xuất Võ Thanh Hoà cho rằng: Chúng ta đang gặp nhiều thách thức như điện ảnh non trẻ, việc tìm đường xuất ngoại khó khăn, nhưng bất cập hơn cả là xử lý vi phạm bản quyền điện ảnh còn rất hạn chế.
Bảo hộ bản quyền trong điện ảnh trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết trong môi trường internet toàn cầu hiện nay. Ông Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL - đã thẳng thắn tại cuộc hội thảo về bảo hộ bản quyền điện ảnh vừa diễn ra ở Đà Lạt trong khuôn khổ LHP Việt Nam lần thứ XXIII: "Sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ, kỹ thuật số đã đưa đến công cụ sáng tạo mới... Môi trường số đã và đang đặt ra nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan".
Trước nhưng thách thức như vậy, các nhà quản lý, nghệ sĩ, chuyên gia… đã cùng đề xuất nhiều giải pháp "mạnh tay" nhằm ngăn chặn vấn nạn xâm phạm bản quyền điện ảnh.
Cần công cụ pháp lý mạnh mẽ
Theo ông Trang Thanh Phương - đại diện Sở Văn hoá và Thể thao TP.HCM - khi quyền tác giả bị xâm phạm, biện pháp bảo vệ đầu tiên được áp dụng là tự vệ. Trước hết, biện pháp này tôn trọng quyền tự định đoạt của chủ thể. Hơn nữa, mặc dù không có sự can thiệp của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng biện pháp này có thể giúp nhanh chóng ngăn chặn hành vi, chấm dứt hành vi xâm phạm.
Tuy nhiên, không phải lúc nào những lời "kêu cứu" của những người sở hữu tác phẩm điện ảnh đã ngăn chặn được hành vi vi phạm. Chính đạo diễn Lương Đình Dũng đã than thở, dù biết phim bị xâm phạm, anh và ê-kíp cũng đành bỏ cuộc vì sau 24h mà hành vi xâm phạm tràn lan trên mạng không bị ngăn chặn thì mọi biện pháp sau đó đều chỉ là vô ích. Anh cũng đề xuất giải pháp để bảo hộ bản quyền trong điện ảnh là Cục Bản quyền Tác giả có thể thành lập đường dây nóng và xử lý kịp thời các khiếu nại trong thời gian sớm nhất, có thể là trong vòng một ngày chứ không phải kéo dài nhiều ngày như hiện nay.
Ths Phạm Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền Tác giả, Bộ VH,TT&DL - cho biết, trên thực tế với hàng trăm website khai thác, sử dụng phim tại Việt Nam, trong đó phần lớn tác phẩm bị sử dụng trái phép thì có thể thấy số lượng tác phẩm điện ảnh bị vi phạm quyền tác giả sẽ rất lớn.
Biện pháp được bà Phạm Thị Kim Oanh đưa ra là áp dụng công nghệ trong bảo vệ quyền sở hữu, đưa thông tin quản lý quyền hoặc áp dụng các biện pháp công nghệ khác nhau nhằm ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, có thể yêu cầu tổ chức cá nhân có hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi vi phạm; gỡ bỏ và xoá nội dung vi phạm trên môi trường mạng viễn thông, mạng internet; đồng thời xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại.
Chủ thể bị vi phạm cũng có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật. Biện pháp mạnh tay hơn nữa là có thể khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình.
Áp dụng công nghệ trong bảo hộ bản quyền điện ảnh
Theo phân tích của đạo diễn - nhà sản xuất Võ Thanh Hoà, hành vi vi phạm bản quyền điện ảnh gây ảnh hưởng nặng nề đến những ê kíp làm phim, gây thất thu không nhỏ cho ngành điện ảnh. Thủ thuật của các đối tượng này là thường sử dụng các trang web bằng tên miền quốc tế, sau khi bị nhận ra sẽ thay đổi tên miền để gây khó khăn trong vấn đề giải quyết vi phạm bản quyền.
"Cộng với việc chúng ta còn chưa có giải pháp thiết thực trong sử dụng biện pháp mềm để ngăn chặn bài toán "cung - cầu", bởi thực tế hơn một nửa những người sử dụng internet hiện nay đã và đang sử dụng các trang web phim lậu để xem phim nên khó cắt đứt chuỗi vì nhu cầu xem phim lậu hầu như lúc nào cũng có. Lý do cho việc vi phạm bản quyền có xu hướng tăng trên các nền tảng mạng ở Việt Nam đó chính là vì các chế tài chưa đủ sức răn đe, thủ tục còn rườm rà…" - Võ Thanh Hoà bày tỏ.
Vì thế, anh đề xuất cần thêm những chính sách mạnh mẽ đối với cá nhân vi phạm; đồng thời song song với đó áp dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào trong quá trình "kiểm soát" bản quyền cũng vô cùng quan trọng, đặc biệt là trong thời đại số hiện nay.
Trên thực tế, trên nền tảng YouTube hiện nay xuất hiện rất nhiều hành vi vi phạm bản quyền trong lĩnh vực điện ảnh. Theo chuyên gia Đỗ Thị Bích Ngọc (Ban pháp chế - Sconnect Việt Nam), chính sách thông báo - gỡ bỏ của YouTube quy định cụ thể: Yêu cầu gỡ bỏ vi phạm bản quyền là yêu cầu pháp lý nhằm gỡ bỏ nội dung khỏi YouTube theo cáo buộc vi phạm bản quyền. YouTube sử dụng cả hệ thống tự động và nhân viên đánh giá để xem xét yêu cầu gỡ bỏ do vi phạm bản quyền. Trong đó, hệ thống tự động sử dụng "công nghệ học máy", hệ thống này được huấn luyện liên tục dựa trên dữ liệu từ trước đó của nhân viên đánh giá. Về mặt lý thuyết, cơ chế thông báo - xoá gỡ là chính sách hỗ trợ đắc lực cho nhà sáng tạo trong bảo vệ quyền tác phẩm của mình khi đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội như YouTube. Thủ tục yêu cầu chặn/ gỡ nội dung video của các nền tảng như YouTube cũng đơn giản và nhanh chóng.
Tại cuộc Hội thảo, luật sư Nguyễn Ngọc Hân của Công ty Thủ Đô Multimedia cũng giới thiệu giải pháp ngăn chặn vi phạm bản quyền bằng công nghệ Sigma Multi-DRM. Theo phân tích của luật sư Nguyễn Ngọc Hân, các hình thức vi phạm bản quyền hiện nay ngày nay nhanh và mới, vượt qua các quy định của pháp luật. Vì thế, cần áp dụng công nghệ trong việc "tự vệ" bảo vệ tác quyền tác phẩm của mình.
Cụ thể, cần mã hoá để bảo vệ, quản lý tài sản sở hữu trí tuệ nói chung cũng như các tác phẩm âm nhạc, điện ảnh… nói riêng trước khi phân phối và phát hành. Đồng thời chủ sở hữu cũng cần gắn mã bản quyền để truy vết cho nội dung khi phân phối cho từng đối tác. Việc phát hành, phổ biến cũng cần áp dụng chu trình phân phối nghiêm ngặt theo các quy chuẩn quốc tế.