Góc nhìn 365: Sức nặng của những triển lãm 'tri ân'
Đã thành thông lệ, trong dịp Ngày thương binh liệt sĩ 27/7 này, nhiều cuộc triển lãm, trưng bày vẫn được tổ chức tại các địa phương để tri ân và tôn vinh tấm gương chiến đấu, hy sinh trong quá khứ.
Đơn cử, tại Hà Nội, cuộc trưng bày Mầm xanh trên đá đang được tổ chức tại di tích Nhà tù Hỏa Lò. Như tên gọi, nó gắn với câu chuyện về những thanh thiếu niên đã cống hiến và hy sinh cho độc lập dân tộc từ độ tuổi còn rất trẻ. Họ là Đội quân báo thiếu niên Bát Sắt thời chống Pháp, là các lứa học sinh sinh viên tại Hà Nội trước 1954 và tại miền Nam trước 1975.
Điểm nổi bật ở cuộc trưng bày là cách tiếp cận khá sống động. Bên cạnh những hiện vật và tư liệu, người xem còn được trực tiếp giao lưu với những nhân chứng sống - và đặc biệt, xem một số hoạt cảnh được dàn dựng để phụ trợ cho nội dung trưng bày.
Không diễn ra theo kiểu "sân khấu hóa" mà bố trí ngay cạnh người xem, trong không gian đặc biệt của Hỏa Lò, du khách tới đây như được quay lại những năm tháng lịch sử, gắn với phong trào biểu tình, bãi khóa của học sinh Hà Nội, hay cuộc đấu tranh đòi hòa bình và phong trào "Hát cho đồng bào tôi nghe" của sinh viên miền Nam.
Hoặc, trực tiếp gắn với không gian của Hỏa Lò, câu chuyện tại cuộc trưng bày đã đưa khán giả trở về giai đoạn trước 1954, khi học sinh Hà Nội tổ chức các đoàn đại diện đi thăm những chiến sĩ cách mạng bị địch giam tại đây. Họ chơi đàn, biểu diễn bài Tiến quân ca trong xà lim tử hình - rồi đến lượt mình, nhiều học sinh kháng chiến cũng giữ vững khí tiết khi bị địch bắt và tra xét…
***
Chọn cách tiếp cận riêng về thế hệ thanh niên, với diễn giải sinh động cùng không gian mở rộng từ Hỏa Lò tới nhiều câu chuyện khác trong lịch sử, cuộc trưng bày cho thấy sự đầu tư khá công phu để có bản sắc riêng. Rộng hơn, trong các dịp 27/7 trước đó, phía quản lý di tích này cũng đã có những chuyên đề trưng bày gây tiếng vang như Lời tri ân hay Cung trầm tháng 7.
Trong bối cảnh di tích Hỏa Lò đang trở thành điểm đến có sức hút tương đối cao với du khách trong nước và quốc tế, những nỗ lực này có thể là gợi ý tích cực cho các triển lãm vẫn diễn ra trong dịp 27/7 hàng năm. Thực tế, bên cạnh những tác động tích cực mà hệ thống triển lãm này mang lại, nhiều điểm cần hoàn thiện ở một số cuộc trưng bày vẫn được các chuyên gia chỉ ra: Đơn điệu về tư liệu, thiếu những diễn giải sinh động, cách tiếp cận có phần cứng nhắc.
Chẳng hạn, GS Nguyễn Văn Huy (nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam) từng lấy ví dụ về chất lượng thẩm mỹ không cao tại những mẫu tượng minh họa vẫn được bày trong một số di tích - nhà tù cũ khi nói về sự hy sinh của những chiến sĩ cách mạng.Theo ông, cách minh họa cũ này hoàn toàn có thể được thay thế bằng công nghệ mới, với những hình ảnh 3D sinh động kèm thuyết minh, hay những thước phim tư liệu (hoặc phục dựng).
Tương tự, trong nhiều trưng bày, di vật của các chiến sĩ cách mạng thường được bày khá phong phú nhưng lại thiếu giải pháp khai thác sâu, khiến người xem bị ngợp và không làm chủ được tình huống. Như ví dụ của ông Huy, thay vì bày cùng cả nhóm hiện vật, một chiếc mũ sắt có vết đạn xuyên thủng của các chiến sĩ nên được bày riêng với những giải pháp thiết kế và chiếu sáng đặc biệt, để người xem dừng chân, tự suy nghĩ và có cảm xúc của riêng mình.
Thậm chí, thay vì chỉ trông đợi vào những cán bộ bảo tàng, những cuộc trưng bày, triển lãm này hoàn toàn có thể mở rộng để thu hút sự tham gia từ cộng đồng - trong đó có những người là nhân chứng sống hoặc chủ nhân của các hiện vật quý.
Khi mà những triển lãm "tri ân" đã luôn bao hàm sự thiêng liêng, cũng như dễ khơi gợi cảm xúc từ khán giả, điều còn lại chỉ là cách lựa chọn, tiếp cận và dẫn dắt để chúng thêm phần phong phú, nhân văn và sống động…