Chuyên gia Đoàn Minh Xương: 'Cần trọng dụng nguồn lực cầu thủ Việt kiều'

Bóng đá Việt Nam đã đón nhận rất nhiều cầu thủ Việt kiều, ngoại binh nhập tịch trong hơn 20 năm qua. Dù thế, không mấy gương mặt thành công ở mọi cấp độ. "Đánh thức" và sử dụng nguồn lực này vẫn là câu chuyện dài cùng những thách thức lớn.

Rất thẳng thắn và tâm huyết, chuyên gia Đoàn Minh Xương đã chia sẻ góc nhìn của mình: "Trước hết, nói về quan điểm, tôi ủng hộ việc sử dụng nguồn cầu thủ "ngoại lực".  Song ở đây mình cũng phải đưa ra một quy cách "chuẩn" về việc sử dụng nguồn lực này. Cụ thể hơn, chúng ta nên ưu tiên cho những cầu thủ Việt kiều, có "dòng máu" Việt. Đó là nguồn lực cần thiết, đặc biệt trong giai đoạn bóng đá Việt Nam có dấu hiệu "đứt gãy" lực lượng.

Tuy nhiên, thực tế nguồn lực này cũng không phải quá dồi dào hay có được chất lượng quá cao. Trong khi đó, muốn phát huy nguồn lực này thì chúng ta phải tạo điều kiện thuận lợi nhất để các cầu thủ Việt kiều trở về cống hiến. Bóng đá Việt Nam phải có những chính sách cụ thể để mời gọi, mở đường cho nguồn "ngoại lực" này. Nói gì thì nói, vấn đề còn liên quan đến nhiều thứ, trong đó cả quyền lợi cho các cầu thủ Việt kiều.

* Vậy sau hơn 20 năm từ ngày mở đường cho những cầu thủ Việt kiều, nhập tịch lên đội tuyển Việt Nam, đâu là những tổng kết của ông về vấn đề này?

-Nhìn lại sẽ thấy, đã có không ít cầu thủ Việt kiều về nước chơi bóng nhưng để có được một chỗ đứng ở CLB họ phải thực sự xuất sắc,bởi trước đây quy định cầu thủ Việt kiều chỉ được tính là 1 ngoại binh, bây giờ mới được tính như nội binh. Do đó, các CLB đều ưu tiên lấy cầu thủ ngoại, tầm quan trọng vô cùng lớn trong hệ thống chiến thuật. Có được vị trí ở CLB đã khó, đường đến ĐTQG càng gian nan hơn. Các cầu thủ ngoại nhập tịch Việt Nam càng không nằm trong chính sách gọi lên đội tuyển, bởi chúng ta luôn coi trọng tính bản sắc. Đấy là lý do chính chưa hấp dẫn được các Việt kiều đẳng cấp "hồi cố hương". 23 năm phát triển bóng đá chuyên nghiệp, chỉ có thể kể ra những gương mặt "hiếm hoi" gốc Việt thành công như Đặng Văn Lâm, Mạc Hồng Quân, Nguyễn Filip.

* Theo ông, những chính sách đã có phần thông thoáng gần đây sẽ giúp các cầu thủ Việt kiều rộng đường hơn để được trở về cống hiến nếu như họ có "tâm nguyện"?

- Thực tế, nhiều năm qua, đã có không ít cầu thủ mang dòng máu Việt trong mình muốn được trở về, khát khao cống hiến cho đội tuyển Việt Nam. Vấn đề cốt lõi của VFF cùng các cơ quan chức năng là phải làm sao để các thủ tục đơn giản hơn, cơ chế điều chỉnh thông thoáng nhất nhằm "khơi thông", không lãng phí dòng chảy nhiều "phù sa" này.

Từ chính sách thu hút nhân tài bóng đá Việt Nam ở nước ngoài của VFF, thời gian sắpđến, chắc chắn các CLB sẽ quan tâm tới nguồn lực này. Mặt khác, những cầu thủ Việt kiều có đẳng cấp thực sự cũng có thể an tâm về nước khi thu nhập ở V-League hiện nay (lương, thưởng, phí chuyển nhượng) đã có chuyển biến tích cực.

Bóng đá Việt Nam đang có nguồn cầu thủ Việt kiều mặc dù chưa dồi dào nhưng nếu biết cách tận dụng, các đội tuyển của chúng ta sẽ được hưởng lợi rất nhiều. Bài toán đặt ra cho chúng ta là làm cách nào để chọn ra những cầu thủ phù hợp và tạo điều kiện giúp họ trở về nước, cống hiến tài năng cho các đội tuyển.

Chuyên gia Đoàn Minh Xương: “Cần khơi thông, đánh thức, trọng dụng nguồn lực cầu thủ Việt kiều” - Ảnh 1.

Đội tuyển Việt Nam muốn nâng cao trình độ thì cần có thêm thật nhiều cầu thủ Việt kiều từ châu Âu như Nguyễn Filip. Ảnh: Hoàng Linh

Một khi lượng cầu thủ gốc Việt rải đều khắp các CLB, lại có chất lượng và được đào tạo ở môi trường bóng đá tính chuyên nghiệp cao, chắc chắn sẽ góp phần nâng tầm V-League, tạo hấp lực để kéo khán giả lẫn nhà tài trợ ủng hộ. Từ đó, sẽ giúp đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam có nhiều điều kiện để bổ sung lực lượng có chiều sâu.

Tóm lại, nguồn lực từ cầu thủ Việt kiều rất có tiềm năng, cần được đánh thức. Nếu các nhân tố này phát triển cũng sẽ góp phần mở ra nguồn lực lượng mới cho mặt trận các ĐTQG. Tuy vậy, chúng ta vẫn cần những cầu thủ thuộc dạng "tinh hoa" trở về, thay vì trình độ chỉ làng nhàng, tính cầu tiến hay khát vọng lại không cao.

*Nhìn lại đã có những cầu thủ Việt kiều trở về để thi đấu ở V-League nhưng rồi không thể phát triển đúng như mong muốn, theo ông đâu là những "rào cản" khiến họ không thể vượt qua?

- Đúng là sẽ khó khăn cho cả đôi bên nếu cầu thủ Việt kiều không vượt qua được những bất đồng về ngôn ngữ, thời tiết, khí hậu và cả văn hóa ứng xử, giao tiếp. Chúng ta có được sự cống hiến rất thành công của thủ môn Đặng Văn Lâm, cũng phải nhờ đến một thời gian dài, Lâm thi đấu cho các CLB tại Việt Nam, cho U19, thậm chí còn từng được HAGL đưa sang Lào.

Lý giải cho điều này, sẽ có rất nhiều nguyên nhân được nêu ra. Sự khác biệt về văn hóa, con người, cả không khí ăn tập, lối chơi và cách vận hành của các đội bóng Việt Nam. Nhiều cầu thủ Việt kiều thậm chí còn chưa "rành" tiếng Việt dẫn đến việc hòa nhập rất khó khăn. Với tâm lý đôi khi chưa coi trọng môi trường V-League và cho đây chỉ là một giải đấu ít mang tính cạnh tranh, nhiều cầu thủ đã không thể phát triển bởi chuyên môn của họ thậm chí còn không đáp ứng nổi yêu cầu của các CLB trong nước, bởi như đã nói, không phải cầu thủ Việt kiều nào trở về cũng đều có năng lực xuất sắc.

Trước khi trở về Việt Nam, họ ăn tập và sinh sống ở những môi trường có nền bóng đá phát triển hơn nên khi "hồi hương", họ có tham vọng thi đấu cho các cấp độ đội tuyển Việt Nam, chứ không phải trui rèn tại các CLB để rồi từng bước đi lên. Chính vì thế, hầu hết những cái tên kể trên đều có xuất phát điểm ở các CLB không mấy thuận lợi. Thậm chí, nhiều nhân tố đã sớm từ bỏ những ý định ban đầu. Chưa hết, các đội bóng tại V-League thường quan tâm đến các ngoại binh chất lượng nhiềuhơn. Họ còn phải chú trọng việc tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ. Thực tế, cơ hội cho các cầu thủ Việt kiều không phải là không có nhưng bóng đá Việt Nam giờ đây tính cạnh tranh rất cao.

* Đã từng có những tranh luận rằng có nên đưa các ngoại binh nhập tịch lên đội tuyển Việt Nam, đâu là quan điểm của ông về điều này?

- Riêng với việc có nên dùng cầu thủ nhập tịch hay không, theo tôi chúng ta đừng nên lạm dụng điều này. Nói cách khác, việc tiến hành nhập tịch cho những ngoại binh rồi tạo cơ hội cho họ khoác áo đội tuyển Việt Nam chỉ giải quyết phần "ngọn" theo kiểu "đi tắt đón đầu" chứ không giải quyết triệt để phần "gốc" của bóng đá nước nhà được.

Cần nhắc lại một điều, đội tuyển Việt Nam nếu không có bản sắc sẽ không còn là ĐTQG đúng nghĩa. Thế nhưng để có được những tiền đạo tốt, bóng đá Việt Nam phải thay đổi tư duy mang nặng tính thành tích như hiện nay của các CLB trong nước. Thay vì sử dụng cầu thủ ngoại một cách tràn lan để có kết quả tốt như hiện nay, các đội bóng cần tạo cơ hội cọ xát cho các cầu thủ nội để họ nâng cao trình độ thi đấu của mình. Cùng với đó, cần có sự công bằng trong chế độ đãi ngộ để tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cầu thủ. Có như vậy bóng đá Việt Nam mới mong có được những cầu thủ chất lượng do chính mình tạo ra, tránh tình trạng thiếu hụt lực lượng chất lượng cao như hiện nay.

Bóng đá Việt Nam phải chăm bẵm, vun xới được phần "gốc" để phát triển. Nền tảng vững chắc phải được dựng xây từ đào tạo trẻ, bóng đá học đường, bóng đá phong trào cùng với cơ sở vật chất, áp dụng tiến bộ khoa học, dinh dưỡng, y tế trong ăn uống, tập luyện, thi đấu. Khi cái "gốc" vững mới nói đến chuyện "mở đường" cho những khát vọng lớn chứ "đi tắt đón dầu" với cầu thủ nhập tịch chỉ mới "hớt váng" mà thôi.

* Xin được cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Như tôi đã nói, sử dụng được nguồn "ngoại lực" là điều nên làm với bóng đá Việt Nam. Với cầu thủ Việt kiều thì tôi hoàn toàn ủng hộ. Rõ ràng đây là nguồn lực khá lớn nhưng lâu nay vì những rào cản khác nhau, nên chúng ta chưa thể có được điều kiện tốt nhất để sử dụng. Trong dòng chảy hội nhập, xu thế chung của thể thao, bóng đá của các nước vẫn tận dụng nguồn lực nhập tịch. Vậy nên, bóng đá Việt Nam, phải làm sao để không lãng phí nguồn lực Việt kiều nữa. Đó là nguồn "trầm tích" quý giá cần được khơi thông.


Link gốc: TTVH