Chữ và nghĩa: Cưới vợ không cheo, mười heo cũng mất
"Mười con heo" (tức mười con lợn), ngày xưa (và cả bây giờ nữa) là một tài sản lớn. Vậy mà chuyện ai đó lấy vợ sẽ khó được yên tâm, không được trọn vẹn, thậm chí hôn nhân không có giá trị, nếu không nộp cheo kèm theo.
"Cheo" là "khoản tiền hoặc hiện vật mà người con trai phải nộp cho làng của người con gái khi cưới, theo tục lệ cũ" (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020).
Trong bài ca dao Tát nước đầu đình, chàng trai nọ (nhân cớ "bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen") đã ngỏ ý, nếu cô nào nhặt được "cho anh xin" anh sẽ đền bù thật xứng đáng. Anh không chỉ giúp em "một thúng xôi vò, một con lợn béo, một vò rượu tăm, đôi chiếu em nằm, đôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo" mà còn giúp cho em (cái này mới quan trọng): "quan tám tiền cheo" (quan: đơn vị tiền tệ thời phong kiến xưa, thường rất có giá trị)…
"Tiền cheo" quan trọng thế sao? Nguyễn Đức Dương (trong Từ điển tục ngữ Việt, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2010) đã giải thích câu tục ngữ "Cưới vợ không cheo mười heo cũng mất" là "Cưới vợ mà không nộp cheo cho làng thì cả mười con heo (làm lễ vật dẫn cưới) cũng có cơ bị mất hết".
Tiền cheo phải đem nộp cho làng của cô dâu. Nếu cô dâu là người cùng làng thì gọi là cheo nội. Cô dâu ở xa (khác làng) thì gọi là cheo ngoại.
Cheo phải đóng bao nhiêu (tiền, có thể quy ra gạo, rượu, thịt, bánh trái…) tùy theo định mức từng nơi. Nhưng dù thế nào, cheo ngoại bao giờ cũng cao hơn cheo nội.
Có những làng, ngoài tiền ra còn có quy định bổ sung: Chú rể (hoặc gia đình chú rể) phải chịu trách nhiệm lát một đoạn đường làng (bằng gạch) để giúp cho giao thông đường sá trong thôn tốt hơn và làm đẹp cảnh quan nơi ở. Nhà có nghèo mấy thì nghèo chứ chuyện nộp cheo là bất di bất dịch.
Xưa, "phép vua còn thua lệ làng". Lệ làng bắt phải nộp cheo. Dù đám cưới nhà nọ có linh đình đến mấy (giết gà, mổ lợn, mổ trâu, mâm cao cỗ đầy…) mà không nộp cheo cho đủ thì coi như làng chưa thừa nhận cuộc hôn nhân của đôi trai gái nọ là chính đáng. (Ngày xưa không có thủ tục cô dâu chú rể ra ủy ban xã làm giấy đăng ký kết hôn, một chứng chỉ pháp lý quan trọng).
Làng không thừa nhận hôn thú thì sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Cô dâu không được thừa nhận là "công dân" của làng, không được làng bảo vệ, không được hưởng các chế độ theo hương ước, và nếu gia đình có chuyện gì (hiếu, hỷ, hoặc mừng nhà mới, mừng thọ…) làng sẽ không cử đại diện đến dự cũng như không phân công người chung tay lo liệu sự kiện.
Cùng với tục ngữ này, còn tồn tại một số biến thể đồng nghĩa: "Cưới vợ không cheo như cù nèo không mấu" (Cù nèo là "đoạn cây có móc ở một đầu, dùng để móc lấy vật ở cao hoặc ở xa". Nếu cù nèo không có móc (mấu) thì khác gì cây sào, không làm gì được). Hoặc "Cưới vợ không cheo tiền gieo xuống bể"/ "Cưới vợ không cheo tiền gieo xuống ngòi" (không nộp cheo khi cưới vợ thì bao nhiêu tiền bạc chi ra làm đình đám cũng vô ích, khác nào tiền ném xuống bể, xuống ngòi, xuống giếng).
Đấy là câu chuyện từ thuở xa xưa. Bây giờ, chuyện nộp cheo cho các làng ở nông thôn của chú rể, nhà trai đã gần như không còn nữa. Chúng ta tìm hiểu để biết một luật lệ cưới xin đang trôi dần về quá khứ.
Nếu anh không chịu nộp cheo
Chuyện chúng mình sẽ "phăng teo" với làng