20 năm Ngày mất nhạc sĩ Trần Hoàn - 'một cánh chim hải âu nơi đầu sóng'
Trong âm nhạc, nhiều nhạc sĩ được ví như những cánh chim, nhạc sĩ Trần Hoàn là một trong số đó. Nhà văn Tô Vũ đánh giá Trần Hoàn là một "Cánh chim hải âu nơi đầu sóng", bay liệng trong đại ngàn tân nhạc Việt Nam.
Cách đây 20 năm, ngày 23/11/2003, "cánh chim hải âu" Trần Hoàn đã mãi mãi đi xa, để lại những "đường bay đẹp" như chính những giai điệu của ông gửi lại cuộc đời.
Hiếm có một nghệ sĩ lớn nào mà sức sáng tạo và ngọn lửa tâm hồn được nuôi dưỡng bền bỉ từ tuổi thanh xuân đến hơi thở cuối cùng như nhạc sĩ Trần Hoàn. Công chúng âm nhạc ngưỡng mộ ông, một nhạc sĩ tài hoa với hàng loạt tác phẩm nổi tiếng đã đi vào lòng người.
Nhạc sĩ Trần Hoàn tên thật là Nguyễn Tăng Hích, sinh ngày 27/12/1928 tại Hải Lăng, Quảng Trị. Từ thiếu thời ông đã say mê âm nhạc. Khi được vào học Trường Lycée Khải Định, ngoài học văn hóa, ông đã mầy mò học thêm về nhạc lý. Ngay khi mới biết chút ít về âm nhạc, ông đã hưởng ứng phong trào sáng tác tân nhạc trong nhà trường.
Nhạc sĩ Trần Hoàn thuộc thế hệ thanh niên lớn lên trong khí thế hào hùng của Cách mạng, nên trong kháng chiến chống Pháp gian khổ, nhạc sĩ đã có những sáng tác âm nhạc lan tỏa trong đời sống bộ đội và đồng bào lúc đó như: Lời người ra đi, Con trâu kháng chiến, Bà ba, Sơn nữ ca. Rồi tiếp đó là những bài ca: Kể chuyện người Cộng sản, Xin mời anh chị về thăm Hải Phòng, Bài ca Bạch Long Vĩ.
Trần Hoàn coi việc sáng tác như một trách nhiệm, một nghĩa cử đối với cuộc đời, sự trả ơn với cách mạng và cũng là một vũ khí sắc bén trên mặt trận văn hoá nghệ thuật. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết liệt, ông được phân công vào chiến trường Trị Thiên. Bên cạnh công việc của Đoàn tuyên truyền liên khu 4 và Ban tuyên huấn khu ủy Trị Thiên - Huế, hàng loạt ca khúc của ông với bút danh Hồ Thuận An đã ra đời. Đó là những ca khúc: Chiều trên Gio Cam giải phóng, Nắng chiều về qua Đông Hà, Tiến về Thành Huế, Cam Lộ, Lời ru trên nương…
Điều dễ nhận thấy ở Trần Hoàn là bất kỳ ở đâu, ở cương vị nào, thời điểm nào, ông cũng dành nhiều tâm huyết cho việc sáng tác ca khúc Với trách nhiệm của một người chiến sĩ-nghệ sĩ, nhạc sĩ Trần Hoàn đã có mặt trên mọi miền Tổ quốc, trong chiến tranh cũng như khi hòa bình. Với sức sáng tạo dồi dào, Trần Hoàn đã dành tặng nhiều ca khúc cho những vùng đất, miền quê ông từng đi qua. Nhưng những giai điệu và ca từ đẹp nhất, xúc động nhất, Trần Hoàn vẫn dành cho một dải Bình-Trị-Thiên ruột thịt. .
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam khẳng định: "Nếu nói đúng ra thì đây là 2 con người song hành, là 2 con người trong 1 con người. Đó là 1 người nghệ sĩ lãng mạn, tài hoa, và 1 chiến sĩ, 1 cán bộ cách mạng trung kiên… Âm nhạc của ông không chỉ là 1 màu. Ông có thể sử dụng rất nhiều những ngôn ngữ âm nhạc để nói, và nói đúng với đối tượng. Ở đây tôi muốn nói tới là sự tiếp cận cuộc sống, cũng như là việc chắt lọc từ những chất liệu, từ những tinh túy nhất của cuộc sống để ông gửi gắm tình cảm. Nên khi nghe những bài hát của ông, mọi người thấy rất thân thương, thấy gần gũi với mình".
Nhạc sĩ Trần Hoàn thực sự là một người nghệ sĩ-chiến sĩ. Người chiến sĩ ấy, khi Tổ quốc gọi, ông lên đường, có mặt nơi chiến trường, trong tay có cả cây súng và cây bút, cây đàn. Người nghệ sĩ ấy, khi nhân dân và nghệ thuật yêu cầu, ông ôm đàn cất tiếng hát say mê. Có khác chăng là ông đã hát với một tâm hồn của một nghệ sĩ lớn. Ông đã hàng trăm, hàng nghìn lần hát cùng đồng đội, công nhân, nông dân, cùng các ca sĩ, nghệ sĩ thân yêu của mình trên các nẻo đường, các mặt trận. Những bài hát thấm đẫm chất dân ca, thấm đẫm tình nước non và trào dâng khí thế cách mạng.
Trong cuộc đời sáng tác của mình, có một mảng đề tài mà ông dành nhiều tình cảm và cũng hết sức thành công, đó là những ca khúc viết về Bác Hồ. Những ca khúc như Lời Bác dặn trước lúc đi xa, Thăm bến nhà Rồng, Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm, Cảm xúc từ Làng Sen hay Lời Bác là lời nước non, đã lay động lòng người, đi vào cuộc sống một cách tự nhiên, nhuần nhụy. Trong đó, ca khúc Thăm bến nhà Rồng mang âm hưởng dân ca, trữ tình đã được thể hiện thành công qua giọng ca của ca sĩ, nghệ sĩ ưu tú Thái Bảo.
Ca sĩ, Nghệ sĩ ưu tú Thái Bảo rất xúc động khi nói về nhạc sĩ Trần Hoàn: "Bài hát Thăm bến nhà Rồng thật sự là điều rất may mắn với tôi. Bởi vì, tôi có 1 cuộc thi đơn ca chuyên nghiệp toàn quốc năm 1990, chủ đề thi là ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác. Lúc đó tôi đã đến gặp nhạc sĩ Trần Hoàn đặt vấn đề. Chú có nói rằng, khi hát, khi nhận bài này về thì cháu phải lưu ý, đó là không hát đặc sệt tiếng Nam Bộ quá, mình chỉ hát da diết thôi. Ví dụ như là: Ai về Thủ Thiêm, ai qua Bến Nghé, ai xuôi, ai ngược, nhớ ghé bến nhà Rồng.
Đó là kỷ niệm, là cái duyên mà tôi đến với nhạc sĩ Trần Hoàn là bài hát Thăm bến nhà Rồng. Đối với nhạc sĩ Trần Hoàn là như thế, là đơn giản, là mộc mạc, là chân thành, không có gì là phô trương, không có gì hào nhoáng. Xin cảm ơn nhạc sĩ Trần Hoàn, ông đã có nhiều và rất nhiều những ca khúc để lại cho đời, cho các ca sĩ, các nghệ sĩ như chúng tôi. Những ca khúc đó sẽ song hành với tôi suốt cuộc đời này".
Sáng tác của nhạc sĩ Trần Hoàn rất phong phú, đa dạng trên nhiều lĩnh vực, thể loại. Ông để lại cho nền âm nhạc nước nhà một tài sản vô cùng quý báu của một nhạc sĩ tài ba. Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật mà Đảng, Nhà nước trao tặng là sự ghi nhận cho những đóng góp đó.
Tuy đã đi xa, nhưng những giai điệu giản dị, ngọt ngào, thấm đẫm tình người của ông vẫn còn mãi với thời gian, với cuộc đời. Và người yêu nhạc chắc chắn vẫn sẽ nghe, vẫn sẽ hát những bài hát của ông với tình thương yêu và kính trọng người nghệ sĩ tài hoa - nhạc sĩ Trần Hoàn.