Chào tuần mới: Để di sản 'phát triển bền vững'
Chúng ta bước sang tuần mới đầu tháng 7 với một sự kiện quan trọng: Hội nghị quốc tế "Phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam" (do Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và tỉnh Ninh Bình tổ chức) đang diễn ra tại tỉnh Ninh Bình. Đặc biệt, phiên thảo luận chính của hội nghị sẽ bắt đầu vào hôm nay, 3/7.
Cần nhắc lại, năm 2023 này cũng chính là cột mốc đánh dấu 30 năm kể từ khi Việt Nam được UNESCO công nhận danh hiệu Di sản Thế giới đầu tiên, với trường hợp của quần thể di tích cố đô Huế (1993).
Trong 3 thập niên kể từ đó, Việt Nam đã liên tục có thêm những danh hiệu cấp thế giới (và khu vực) khác cho mọi loại hình liên quan tới di sản. Để rồi, đến bây giờ, chúng ta đang sở hữu 57 khu di sản, khu dự trữ sinh quyển, công viên địa chất, thành phố sáng tạo… được UNESCO công nhận.
Đáng nói, khoảng thời gian ấy cũng gắn với những thay đổi theo hướng tích cực trong nhận thức của cộng đồng quanh những danh hiệu quốc tế mà hệ thống di sản nhận về. Đặc biệt, nếu trước đây có những thời điểm di sản tưởng chừng bị coi nhẹ so với các lĩnh vực khác thì bây giờ, không ít địa phương đã coi những di sản được UNESCO vinh danh là mũi nhọn phát triển kinh tế du lịch của địa phương.
Không nói đâu xa, ngay tại Ninh Bình - nơi đang tổ chức hội nghị - quần thể danh thắng Tràng An (nhận danh hiệu Di sản Thế giới từ năm 2014) đã trở thành hạt nhân để địa phương này phát triển ngành công nghiệp không khói những năm qua và thu hẹp dần ngành sản xuất xi măng truyền thống (vốn là "kẻ thù" của môi trường). Hoặc, với những tỉnh vùng cao như Hà Giang, Cao Bằng, Đắk Nông, hệ thống các công viên địa chất toàn cầu được UNESCO công nhận cũng đang được coi là động lực để những địa phương vốn khó khăn này phát triển về du lịch…
Chắc chắn, con số 57 danh hiệu của UNESCO tại Việt Nam sẽ còn tăng thêm, khi mà rất nhiều địa phương hoặc đơn vị sở hữu đang chủ động đề xuất lập hồ sơ cho hệ thống di sản của mình. Và đặt trong bối cảnh ấy, việc tìm những hướng đi bền vững và hợp lý cho những di sản này cũng đang được đặt ra như một nhu cầu cấp thiết.
Bởi, cũng phải nói thêm, trong những năm qua, bên cạnh các mặt tích cực, việc khai thác các Di sản Thế giới của UNESCO tại Việt Nam cũng chưa phải hoàn hảo. Bên cạnh vấn đề về kinh nghiệm và quản lý, đó còn là câu chuyện gắn với chiến lược khai thác - khi mà ở một số trường hợp, các di sản này được đặt lên vai "gánh nặng" khai thác du lịch nhưng lại thiếu những giải pháp hợp lý để bảo tồn và phát triển lâu dài.
Thực tế, việc xây dựng những mô hình bảo tồn và phát triển bền vững cho các di sản thế giới tại Việt Nam cũng từng được nhắc tới trong những năm vừa qua. Nhưng đây là một bài toán khá phức tạp - khi mà mỗi loại hình di sản luôn cần những cách tiếp cận riêng vừa để phát huy hết tiềm năng, vừa bảo tồn được những giá trị cốt lõi.
Thậm chí, cùng là một loại hình di sản, mỗi trường hợp cụ thể tại các địa phương cũng đều cần tới những quy hoạch phát triển riêng, dựa trên sức chứa, độ "nhạy cảm" của tài nguyên hay phân khúc khách hàng hướng tới trong phát triển du lịch.
Như những thông tin được đưa ra, hội nghị tại Ninh Bình sẽ gắn với việc phát huy các danh hiệu UNESCO tại Việt Nam theo hướng phục vụ phát triển bền vững. Cụ thể, đó là những vấn đề như các khuyến nghị cần thiết về bảo tồn, đề xuất giải pháp huy động nguồn lực và sự tham gia của người dân; chia sẻ và tham khảo từ kinh nghiệm quốc tế.
Hy vọng, từ những gì nhận về, tư duy về cách tiếp cận và khai thác các di sản thế giới tại Việt Nam sẽ dần được mở rộng- trước khi chuyển đổi thành các kế hoạch hành động cụ thể. Bởi, đó là điều tất yếu sau một giai đoạn bùng nổ của các danh hiệu trong những năm qua.