Chuyện ông Tuấn và HLV nội cho đội tuyển Việt Nam

HLV Hoàng Anh Tuấn từng thay mặt HLV Troussier cầm quân ở ASIAD 19, cũng quá quen với những thử thách trên đấu trường châu Á, nhưng dẫn quân dự VCK U23 châu Á lần này thì khác. Ông Tuấn không "đi thay" cho ông Troussier mà ngược lại, ông gánh một trách nhiệm không nhỏ trong việc giữ cho con tàu bóng đá Việt Nam đừng chệch hướng quá xa.

Có thể là hoàn cảnh đưa đẩy, nhưng thực tế mà nói thì ngay ở thời điểm này việc chọn HLV nước ngoài đang là một bài toán khó cho VFF. Hơn 6 năm qua, chúng ta chỉ có 2 HLV ngoại và một cực kỳ thành công, một thì hoàn toàn ngược lại, rất thất vọng.

Trường hợp của HLV Troussier gần giống như HLV Falko Goetz hồi năm 2011. Tức là khi chúng ta giao đội tuyển cho HLV có bằng cấp "xịn", lý lịch hoành tráng, tưởng là để tiến thêm một bước và nối dài chu kỳ thành công trước đó thì lại ngã rất đau. Choáng váng và bế tắc.

Như hồi sa thải Falko Goetz xong, thì bóng đá Việt Nam lao thẳng xuống tận đáy. Điều đáng nói là đội ngũ mà HLV người Đức này huấn luyện tại SEA Games 2011 lại là những người sau này sở hữu đến 7 danh hiệu Quả bóng Vàng. Tức là tài năng thì vẫn có, nhưng chỉ vì chọn sai người hết lần này đến lần khác, trong đó có 2 đời HLV nội (Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc) mà mọi thứ trôi tuột khỏi tầm tay của VFF.

Bài học đắt giá hơn 10 năm trước nhất định không thể lặp lại và đó có thể là lý do mà VFF phải xác định gần như ngay lập tức, là vẫn phải ưu tiên chọn HLV nước ngoài chứ chưa thể quay về HLV nội. Trong trường hợp chưa chọn được thì mới dùng đến HLV nội, nhưng vẫn là theo hình thức tạm quyền. Nghĩa là cánh cửa để HLV Việt Nam dẫn dắt các đội tuyển quốc gia vẫn rất xa vời.

Không chỉ là bài học trong quá khứ, mà quan trọng nhất là HLV nội vẫn được cho rằng có tỷ lệ thành công quá thấp nếu so sánh với HLV ngoại. Điều này khiến cho việc chọn HLV nội trở thành phương án quá mạo hiểm, đặc biệt là trong giai đoạn mà đội tuyển Việt Nam đang ở tình trạng dễ bị tổn thương.

Hơn nữa, cho dù có sa sút dưới thời HLV Troussier nhưng mặt bằng chung thì trình độ của bóng đá Việt Nam vẫn đang cao hơn giai đoạn 2012 - 2017,  thời điểm mà VFF trao quyền cho 3 HLV nội chỉ trong vòng có 5 năm.  Nói cách khác, đây là lúc mà chúng ta tin là vẫn có thể nâng tầm đội tuyển nhờ thế hệ cầu thủ tốt nhất từng có vẫn còn đang ở tuổi chơi bóng đỉnh cao.

Chuyện ông Tuấn và chuyện HLV nội - Ảnh 1.

Ông Hoàng Anh Tuấn chỉ được bổ nhiệm chính thức để dẫn dắt ĐT U23 Việt Nam do ông Troussier bị sa thải. Ảnh: Hoàng Linh

Nhưng không lẽ HLV nội sẽ mãi không có cơ hội? Không lẽ cứ phải đợi bóng đá Việt xuống đến tận đáy thì mới cho HLV nội thử vận may?

Có một vài chi tiết khá thú vị. Chức vô địch AFF Cup đầu tiên của đội tuyển Malaysia hồi năm 2010 đó là nhờ công của HLV nội. Trước và sau đó, tại SEA Games 2009, 2011, U23 Malaysia đoạt những chiếc HCV SEA Games đầu tiên của mình cũng là công của HLV nội. Đến lượt Indonesia cũng thế, họ kết thúc 30 năm chờ đợi HCV SEA Games 32 cũng là nhờ HLV nội dẫn dắt đội U22 trong khi nhà cầm quân Shin Tae Yong thì lại chẳng có thành tích nào cả. Với Thái Lan, họ có nhiều HLV nội đem về vinh quang cho đội tuyển quốc gia như Chanvit, Kiatisuk…

Quay lại với bóng đá Việt Nam, bảo HLV nội không có khả năng cầm đội tuyển đôi khi là do cảm giác. Từ khi V-League bắt đầu sử dụng HLV ngoại đến nay thì chỉ có 3 CLB từng vô địch quốc gia với chuyên gia nước ngoài (HAGL, GĐTLA, Hà Nội FC). Trong 25 danh hiệu vô địch thì V-League từ 2011 đến nay, chỉ có 5 lần thuộc về HLV ngoại. Ngay mùa này, đội đang có khả năng nhất để vô địch là Nam Định hiện do ông Vũ Hồng Việt, cựu HLV đội U18 Việt Nam.

Không chỉ thế, chúng ta có HLV Mai Đức Chung là nhà cầm quân giàu thành tích nhất lịch sử bóng đá Việt Nam, khi ông đưa đội nữ giành vé dự World Cup, giúp U23 Việt Nam đoạt Cúp Merdeka 2008. Năm 2010, trong vai trò thay thế HLV Calisto, ông Phan Thanh Hùng đưa đội Olympic vào vòng 2 ASIAD. HLV Nguyễn Hữu Thắng cũng đưa đội tuyển Việt Nam vào bán kết AFF Cup 2016. Còn ở cấp độ CLB, HLV Mai Đức Chung  cùng Bình Dương vào bán kết AFC Cup 2009, thành tích này được lặp năm 2019 khi HLV Chu Đình Nghiêm dẫn dắt Hà Nội FC.

Phải chăng là chúng ta chưa đủ niềm tin và từ đó, không có một kế hoạch cụ thể để giao quyền cho HLV nội. Có một thực tế là từ khi VFFbắt đầu tuyển chọn chuyên gia nước ngoài dẫn dắt các đội tuyển (từ năm 1995) thì đến nay, số thời gian cầm quân chính thức của HLV nội quá ít. Người nhiều nhất là ông Nguyễn Hữu Thắng từ đầu năm 2016 đến giữa năm 2017, tức là chỉ 1 năm rưỡi. Như vậy là gần 30 năm, chỉ có khoảng 4 năm là đội tuyển được giao toàn quyền cho HLV nội, và với chừng đó thời gian thì liệu có đủ để kết luận là không thể thành công với HLV nội hay không? 


Long Khang

Link gốc: TTVH