Ánh sáng dịu dàng của ký ức văn hóa

Nhà máy đèn Bờ Hồ là tên gọi dân dã của nhà máy điện đầu tiên tại Hà Nội, được được khởi công xây dựng tại phố Françis Garnier (nay là phố Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội) ngày 6/12/1892, gồm 2 tổ máy phát điện 1 chiều với tổng công suất 500kW. Bởi thế một ngày cuối năm vừa qua, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) đã tổ chức hội thảo Tiếp dòng di sản 130 năm Nhà máy đèn Bờ Hồ. Gợi lại một ký ức về ánh sáng kinh kỳ "thuở ấy xanh lơ" (thơ Phan Vũ), những câu chuyện văn hóa xung quanh ánh điện được điểm lại, từ thơ văn cho đến nhạc họa.

Đèn điện là sản phẩm góp phần làm thay đổi mau chóng cảnh quan Hà Nội ngay từ lúc được người Pháp xây dựng nhà máy và hệ thống truyền tải. Ánh sáng kinh kỳ đã trở thành một cụm từ, một ký ức đậm nét trong truyền thông và báo chí, trở thành một biểu tượng hoa mỹ trong thi ca và âm nhạc. Trải suốt 130 từ lúc Nhà máy đèn Bờ Hồ được xây dựng, ánh đèn sáng là một thuộc tính định vị đô thị, giúp kéo dài thời gian hoạt động sống trong ngày của cư dân, điều khác hẳn với nông thôn trước kia, màn đêm đồng nghĩa nhịp sống như ngưng lại.

Ánh sáng dịu dàng của ký ức văn hóa - Ảnh 1.

Bưu ảnh nhà máy đèn Bờ Hồ 1902

Nhà máy điện ra đời vài năm thì hệ thống tàu điện cũng được thiết lập ở Hà Nội, và đèn điện cùng tàu điện mau chóng trở thành cặp bài trùng biến đổi khung cảnh phố phường. Bài ca dao được những người hát xẩm hát ở các bến tàu điện đã ghi nhận ngay những điều này:

Thằng Tây nghĩ lắm cũng tài

Nghĩ ra đèn điện thắp hoài năm canh

Thằng Tây nghĩ lắm cũng sành

Nghĩ ra tàu điện chạy quanh phố phường

"Tài" và "sành" là những từ tán tụng tiện nghi hiện đại, điều khiến cho Hà Nội thú vị hơn rất nhiều với bình dân. Hai chị em Liên và An trong truyện ngắn Hai đứa trẻ (1938) của Thạch Lam giữ một ký ức đậm nét về Hà Nội cũng là bởi ánh sáng ấy của những chuyển động đoàn tàu hỏa đi qua phố huyện buổi tối: "Kỷ niệm nhớ lại không rõ rệt, chỉ là một vùng sáng rực và lấp lánh. Hà Nội nhiều đèn quá!". Hành vi ngóng đợi chuyến tàu là một cái cớ sống lại những khoái cảm non dại: "Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo. Con tàu như đã đem một chút thế giới khác đi qua".

Ánh sáng dịu dàng của ký ức văn hóa - Ảnh 2.

Di tích cột điện năm 1929 ở làng Cự Đà

Ký ức ánh điện sáng thành phố với Bờ Hồ vào thời điểm trước và sau Cách mạng tháng Tám bộc lộ hai trạng thái tương phản. 

Khi những trận bom Đồng minh ném xuống Hà Nội, Nguyễn Tuân tả cảnh báo động quanh Bờ Hồ với những "ánh sáng đỏ và xanh hoa lý nhà thủy tạ chảy xuống hồ tù hãm như những ống điện néon có kèm những con tiện ngòng ngoèo màu sơn đỏ da chu" tắt ngấm khi tiếng còi vang lên. Cũng cảnh tượng ấy, Trần Đăng trong Một lần tới thủ đô tháng 1/1946 lại như đồng giọng với Thạch Lam về "một thành phố đầy ánh sáng và len dạ": "Cho tới đầu phố Hàng Ngang thì đèn thành phố bật sáng. Và cùng với đèn thành phố, một cảnh tượng tưng bừng cũng sáng bật lên…Ánh sáng rực rỡ, ấm cúng lạ thường, trong không khí lạnh dưới trời không trăng sao, và lòng người như phấn khởi hẳn lên. Không ai bảo ai, tất cả mọi người đua nhau ra đường. Nước Hồ Gươm rung làn ánh sáng như giục giã. Chút sương mờ trước mắt như đợi chờ".

Chỉ non một năm sau, ánh điện phụt tắt khi Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, để rồi những người đi kháng chiến như Nguyễn Tuân tiếp tục giữ một mối nhớ nhung không nguôi về phố phường Hà Nội.

Ánh sáng dịu dàng của ký ức văn hóa - Ảnh 4.

Hình ảnh cột điện trên đường Nam Bộ (nay là phố Lê Duẩn), Hà Nội năm 1973

Sau năm 1954, nếu những người di cư giữ mối hoài niệm về Hà Nội thông qua "ánh đèn giăng mắc muôn nơi" như trong bài hát Hướng về Hà Nội của Hoàng Dương (dù tác giả ở lại) thì những người ở lại lần lượt trưng bày một Hà Nội rực ánh đèn đan xen tâm trạng, từ gửi người ra đi với "Đường phố lóa ánh đèn, gửi lòng tôi nhớ tới người em" (Gửi người em gái miền Nam - Đoàn Chuẩn và Từ Linh, 1956) đến khung cảnh lý tưởng hóa của "Hồ Gươm hôm nay chiều về Thu, làn nước xanh xanh lặng lờ trôi, lung linh ánh đèn, muôn sắc màu soi tháp Rùa, êm êm chiều dần buông" (Chiều Hồ Gươm - Trần Thụ, 1956). Những ngôi nhà tập thể "cao, cao mãi" sẽ chỉ ý nghĩa khi chúng được hoàn thiện bằng ánh điện: "Từ bao mái nhà đèn hoa sáng ngời, bầu trời thêm vào muôn vì sao sáng" (Những ánh sao đêm - Phan Huỳnh Điểu, 1962).

Ánh sáng dịu dàng của ký ức văn hóa - Ảnh 4.

Cột đèn thời Pháp ở Yên Phụ, ảnh chụp 2017

Khoảng thời gian mười năm thanh bình đã kịp để lại một mỹ cảm mới về ánh đèn điện cùng một thế hệ tuổi trẻ lớn lên tiếp nối thế hệ tiền chiến. Ánh đèn trở thành ký hiệu hòa bình, mang nét lãng mạn cố hữu của con người Hà Nội.

Ôi những hàng ô-rô ta vẫn xén

Làm vui mắt mỗi người đi kháng chiến

Từ ánh nê-ông pha biếc buổi chiều

Đến khóm hoa trong hơi mưa màu tím

Gáy sách cũ xếp chồng như kỷ niệm

Lá thiếp mừng đám cưới mát trên tay…

(Bằng Việt - Trở lại trái tim mình, 1967)

Ánh đèn nê-ông gợi cảm giác tân kỳ, khác với ánh đèn sợi đốt quen thuộc, là ánh sáng của những ngọn đèn đường, nơi hò hẹn của thanh xuân. Chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ ngay lập tức đặt chúng vào những mục tiêu đối kháng. Người công nhân điện được phóng chiếu thành người hùng thời đại, nhất là trong hoàn cảnh bom đạn: "Ơi cô gái ơi! Lúa lên xanh tươi trên đồng lúa, khi bom vừa rơi và khói bay trong nắng. Anh công nhân điện vẫn sáng trong đêm" (Bài ca Hà Nội – Vũ Thanh, 1967), "Có phải không anh, anh tô đẹp tờ tranh cho trái tim Tổ quốc" (Thái Cơ - Khi thành phố lên đèn, 1972).

Giữ cho ánh đèn sáng Hồ Gươm, giữ cho tiếng loa truyền về tin thắng trận là những hành vi có tính biểu tượng cho sự trụ vững của Hà Nội trong cuộc chiến tranh.

Cho đến những năm 1980, trước khi nhà máy thủy điện Hòa Bình cùng nhiều nhà máy điện lớn khác ra đời chấm dứt cảnh thiếu điện, ký ức về ánh đèn Hà Nội đọng lại một vẻ thương khó: "Ánh đèn vàng ngoại ô, đưa em về phố vắng. Ôi nhớ Hồ Gươm soi đêm Hà Nội…" (Nguyễn Tiến - Chiều mưa Hà Nội). Ánh đèn vàng sáng mùa Đông cùng quạt điện mùa hè làm dịu sự khắc khổ, nhọc nhằn, làm mềm hóa đời sống. Có thể nói không cường điệu, ánh điện Bờ Hồ từ cuối thế kỷ 19 đã là thành tố quan trọng bậc nhất tạo dựng và bồi đắp một ý niệm đô thị hiện đại mang tính văn hóa cho Hà Nội.

Ánh sáng dịu dàng của ký ức văn hóa - Ảnh 7.

Quảng cáo đèn điện Hà Nội thập niên 1920

Ánh sáng dịu dàng của ký ức văn hóa - Ảnh 7.

Thông báo về đăng ký thắp đèn điện ở Hà Nội, (Khai hóa nhật báo, 20/12/1921)

Ánh sáng dịu dàng của ký ức văn hóa - Ảnh 8.

Bìa tập nhạc “Bài ca Hà Nội”

Ánh sáng dịu dàng của ký ức văn hóa - Ảnh 8.

“Hà Nội đêm giải phóng” - tranh bột màu của Lê Thanh Đức, 1954

Ánh sáng dịu dàng của ký ức văn hóa - Ảnh 11.

Hồ Gươm đêm giao thừa, tranh sơn mài của Nguyễn Tư Nghiêm, 1957

Ánh sáng dịu dàng của ký ức văn hóa - Ảnh 12.

“Bảo vệ thủ đô, bảo vệ dòng điện” - tranh cổ động của Đỗ Mạnh Cường, 1967

Ánh sáng dịu dàng của ký ức văn hóa - Ảnh 13.

Hình ảnh cột điện trong tranh Bùi Xuân Phái

Ánh sáng dịu dàng của ký ức văn hóa - Ảnh 13.

“Để có nhiều điện cho chủ nghĩa xã hội”, tranh cổ động của Phan Hòa Phi, 1982

Nguyễn Trương Quý - Xuân Quý Mão

Link gốc: TTVH