Sống chậm Cuối tuần: Biến đổi khí hậu, biến đổi tiếng Việt, và thơ

Trong những ngày nắng nóng bất thường như thế này, người ta hay nói về biến đổi khí hậu. Từ biến đổi khí hậu lại, tôi chợt nhớ tới biến đổi… tiếng Việt. Dù biến đổi tiếng Việt chưa gây nguy hiểm gì quá đáng, nhưng cũng nên để tâm xem xét.

1. Tôi nhớ, ngày còn nhỏ tôi là một học sinh viết không sai chính tả. Vậy mà bây giờ, khi ở tuổi 77, có một số chữ Việt tôi lại không biết viết thế nào cho phải, chứ chưa hẳn cho đúng. Chẳng hạn, ngay cái đầu đề cho quyển sách đang viết mang tên Dấu tận đáy mùa Thu. Khi tôi gửi một trích đoạn cho một tờ báo, tòa soạn báo ấy nhắn là, lẽ ra tôi nên viết "Giấu tận đáy mùa Thu" mới đúng… chính tả. Vậy "dấu" hay "giấu" là đúng? Thực tình, tôi không biết.

Chữ quốc ngữ của mình, sau mấy trăm năm, vẫn còn những khoảng trống, những "kẻ hở" có thể hiểu sao cũng được. Có thời viết chữ "z" thay cho chữ "d", vẫn ổn, người ta vẫn hiểu. Nhưng nói đó là chữ "chuẩn" thì không ai dám quyết.

Sống chậm Cuối tuần: Biến đổi khí hậu, biến đổi tiếng Việt, và thơ - Ảnh 1.

Chương trình “Vua tiếng Việt” mùa 2

Vậy đó. Không chỉ ngữ pháp Việt mới là "bão táp", mà chữ viết Việt cũng còn những chỗ mơ hồ, chưa kể nào là từ Hán Việt, nào là từ "thuần Việt" nhiều khi rối vào nhau, rất khó phân định.

Bây giờ, chương trình Vua Tiếng Việt trên tivi đang được nhiều người xem và gây ra nhiều tranh cãi. Riêng tôi thấy, chương trình này nói chỉ đơn thuần giải trí cũng không hẳn, nhưng nói đơn thuần cung cấp kiến thức về tiếng Việt lại càng không phải. Nó cứ "lửng lơ con cá vàng" thế nào ấy. Nhiều câu hỏi về tiếng Việt cứ như câu đố, nhưng khi giải ra thì cũng vậy thôi, chẳng làm cho người xem thêm được chút kiến thức hay hiểu biết bổ sung gì về Tiếng Việt. Ngay cả lời giải của những chuyên gia ngồi ghế tư vấn cũng chưa thật ổn.

Tiếng Việt, người ta nói nó khó, nhưng tôi nghe còn nhiều thứ tiếng khó hơn, như tiếng Đức chẳng hạn, dù tôi không biết Tiếng Đức. Nhưng có một điều về tiếng Đức khiến tôi rất hâm mộ nước Đức, đó là sinh viên người nước ngoài khi muốn xuất ngoại học đại học hay trên đại học ở Đức, thì nếu muốn được miễn hoàn toàn học phí, họ phải học để biết tiếng Đức. Biết đến một cấp độ nhất định thì sẽ được chọn, được chấp nhận sang Đức học, và cái này mới quan trọng nhất: được miễn hoàn toàn học phí.

Sống chậm Cuối tuần: Biến đổi khí hậu, biến đổi tiếng Việt, và thơ - Ảnh 2.

Nhưng nếu anh chị sang Đức học mà chỉ biết tiếng Anh, chỉ học được qua tiếng Anh, thì phải đóng học phí đầy đủ.

Người Đức, lãnh đạo nước Đức quả thật đã có cách trân trọng ngôn ngữ dân tộc Đức một cách khiến thế giới vừa khâm phục vừa ham học… tiếng Đức. Để có lợi cho mình, nếu mình có nguyện vọng sang học tập tại Đức.

Việt Nam mình thì chưa làm được chuyện ấy, chứ nếu làm được, thì tiếng Việt "lên ngôi Vua" và được công nhận là một ngôn ngữ mang tính quốc tế ngay.  

2. Nhưng, với tiếng Việt, vẫn có cách tôn vinh khác, không tốn tiền mà vẫn được việc. Đó là tôn vinh ngôn ngữ trong thơ Tiếng Việt.

Tôi bảo đảm, chữ Việt trong thơ Việt, thơ thứ thiệt, vẫn vô cùng trong trẻo. Dù là thơ siêu thực hay thơ tượng trưng, vẫn trong trẻo.

Có lẽ nên từ thơ ca mà đánh giá độ trong sáng của ngôn ngữ. Dĩ nhiên, phải là thơ ca thứ thiệt. "Khí hậu thơ ca Việt" cũng có thể biến đổi, nhưng ngôn ngữ thơ ca Việt thì mãi mãi trong sáng. Kể cả khi ngôn ngữ thơ "mờ" nhất, nó vẫn trong sáng. Người ta nói, thơ Puskin hay Essenin làm ngôn ngữ Nga trong sáng hơn. Tôi nghĩ đúng như vậy. Không một nhà thơ chân chính nào làm ngôn ngữ mẹ đẻ của mình tối tăm đi. Mọi sáng tạo ngôn ngữ đều với mục đích khiến ngôn ngữ giàu có hơn, mới mẻ hơn, đồng thời trong sáng hơn. 

Sống chậm Cuối tuần: Biến đổi khí hậu, biến đổi tiếng Việt, và thơ - Ảnh 3.

Nhà thơ Tế Hanh

Có một thứ tài nguyên mà không "nhóm lợi ích" nào muốn khai thác, đó là ngôn ngữ. Vì vậy, chỉ có chúng ta tự làm nghèo nàn ngôn ngữ dân tộc mình, chứ không phải các nhóm lợi ích. Họ chỉ lo khai thác những tài nguyên bán được, càng nhiều tiền càng tốt. Còn "tài nguyên ngôn ngữ" thì chả biết bán cho ai, chẳng thu được đồng nào.

Cũng xin nói, chẳng nhà thơ chân chính nào làm thơ vì tiền cả, dù họ sử dụng và sáng tạo ngôn ngữ khi sáng tác. Nhưng cũng đừng vì thế mà… quỵt tiền nhuận bút của các nhà thơ, khi in thơ họ. Nhuận bút thơ bây giờ, ai cũng biết, rất "hẻo lánh". Nhưng đó vẫn là tiền trả cho lao động nghệ thuật.

Đã có thời đói khổ, tôi thu nhập được đồng bạc lẻ nào đều là từ nhuận bút thơ. Người ta nói " Chả ai sống vì thơ, chỉ chết cho thơ thôi", còn tôi, ngược lại, tôi sống vì thơ mà cũng nhờ thơ. Dù sống khổ, nhưng vẫn rất thanh thản. Hóa ra, những người hô hào "chết cho thơ" lại thường là những người sống lâu hơn thơ họ rất nhiều. Có người bị ung thư, tưởng "đi" rồi, lại vẫn sống khỏe. Chỉ có thơ họ, mới in ra đã "cáo phó" ngay. Tự nhiên chết, chẳng biết đau bệnh gì.

Tôi lại nhớ Bích Khê. Ông chỉ sống đến 30 tuổi. Nhưng ở thời điểm 2023 này thơ ông đã sống 87 năm. Và còn hứa hẹn sẽ sống lâu hơn nữa.

Có một nhà thơ lớn quê Quảng Ngãi đồng hương với tôi, là nhà thơ Tế Hanh, thơ ông cứ hồn nhiên chân thành như thế mà sống, còn ông thì sống tới 4/5 thế kỷ (ông qua đời năm 2009, thọ 89 tuổi). Dù sinh thời khi còn sống và viết, Tế Hanh cũng phải sống khá nghèo túng. Nhưng thơ Tế Hanh đúng là "của để dành", nó bình thản sống, không cần "PR" hay quảng cáo, vẫn cứ sống.

… Dân chài lưới, làn da ngăm rám nắng

Cả thân hình nồng thở vị xa xăm

Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm

Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ

Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ

Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi

Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!

                             (Trích "Quê hương" – Tế Hanh)

Lấy những bài thơ có sức sống bền bỉ như thế, soi ra, tìm hiểu về ngôn ngữ thơ của chúng, có khi là một đề tài rất hấp dẫn đấy. Khí hậu biến đổi, ngôn ngữ biến đổi, thì thơ cũng biến đổi. Nhưng nếu là thơ hay, thơ đích thực, thơ có sức sống lâu bền, thì chính ngôn ngữ thơ ấy lại có cốt lõi mà những ai muốn tìm hiểu tiếng Việt không nên bỏ qua.

Nhà thơ Thanh Thảo

Link gốc: TTVH