Chùa Đầu Nai tại Cà Mau được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh

Việc công nhận chùa Đầu Nai là di tích lịch sử cấp tỉnh thể hiện sự tôn vinh không chỉ là giá trị tôn giáo và văn hóa mà còn những đóng góp lớn trong lịch sử địa phương và sự duy trì tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân tộc Khmer mà ngôi chùa mang lại.

Ngày 15/12/2023, lễ tổ chức đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh chùa Đầu Nai đã diễn ra tại ấp 2, xã Tân Lộc Bắc, huyện Thái Bình, tỉnh Cà Mau dưới sự tổ chức của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với UBND huyện. 

Chùa Đầu Nai tại Cà Mau được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh - Ảnh 1.

Đại diện Sở VH,TT&DL tỉnh Cà Mau trao Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh chùa Đầu Nai cho đại diện lãnh đạo UBND huyện Thới Bình và trụ trì chùa. Ảnh: Hồng Lĩnh

Đây không chỉ là địa điểm tôn giáo, văn hóa đậm đà, đặc sắc mà còn gắn liền với lịch sử thăng trầm tại địa phương. Trước đó, vào tháng 5, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ký quyết định công nhận ngôi chùa này trở thành di tích lịch sử cấp tỉnh.

Chùa Đầu Nai - Seraychumbotumenchey là ngôi chùa Khmer đầu tiên tại tỉnh Cà Mau được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ XVII với mục đích sinh hoạt tôn giáo, dạy chữ cho Phật tử và dân làng. Chùa do đại đức Tà Hêl thuộc hệ phái Nam Tông Khmer sáng lập và đã trải qua 24 đời trụ trì. Ban đầu, chùa có tên là chùa Cổ Cò - Om Boc Oc và tọa lạc tại xã Tân Phú, huyện Thới Bình.

Chùa Đầu Nai tại Cà Mau được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh - Ảnh 2.

Tăng xá chùa Đầu Nai

Vào năm 1830, do địa hình không phù hợp cho việc tín ngưỡng tâm linh cũng như không bảo vệ được phật tử, không vận động được các gia đình phật tử bám đất, bám vườn, ban quản trị chùa quyết định dời chùa về ấp 2, xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình cho đến ngày nay. 

Chùa mang tên Seraychumbotumenchey với ý nghĩa là "hoa sen hội tụ đắc thắng". Còn tên gọi dân gian "chùa Đầu Nai" được đặt theo con kênh nằm ở trước cổng chùa.

Trong thời chiến, do nằm trong khu vực giải phóng, chùa Đầu Nai đã trở thành một cơ sở sinh hoạt cách mạng sôi nổi của người dân địa phương. Từ đây, nhiều nhà sư yêu nước đã tích cực hoạt động cách mạng, góp phần lớn vào phong trào giải phóng và hết mình cho nhiệm vụ đấu tranh vì hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước. 

Đây cũng là mái nhà che chở, chăm sóc, hỗ trợ cho các cán bộ, chiến sĩ trong thời kỳ khó khăn của các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Chùa Đầu Nai tại Cà Mau được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh - Ảnh 3.

Giảng đường tại chùa Đầu Nai

Chùa Đầu Nai đã có nhiều sự hư hại khi trải qua nhiều thăng trầm lịch sử với sự đốt phá của giặc. Cho đến năm 1997, chùa được trùng tu và xây dựng lại như ngày nay. Với tổng diện tích khoảng 3 héc-ta, chùa Đầu Nai gồm có các công trình chính như cổng chính, chánh điện, salaten (nhà hội, giảng đường), nhà ăn, nhà tăng (tăng xá, nhà thờ phật, cây cổ thụ). Ngoài ra, còn có pachha (lò hỏa táng) và một số công trình phụ khác như tháp nước, nhà bếp,...

Mỗi năm, nhiều lễ hội định kỳ được chọn tổ chức tại khuôn viên chùa như lễ dâng áo cà sa (lễ dâng Y Kathina); lễ đặt cơm vắt (Phua-chum-bon) hay lễ Phật đản (Bon Visaka Bochesa). 

Ngoài những lễ hội tôn giáo, các lễ hội dân gian cũng được diễn ra trong chùa một cách sôi nổi, tiêu biểu là Chol Chhnam Thmay, lễ cúng Trăng (Ok Om Bok), lễ cúng ông bà (Sen Dolta). Các hoạt động này không chỉ có những tín đồ phật giáo mà nhận được sự tham gia nhiệt tình của hầu hết người dân trong và ngoài địa phương.

Không chỉ trong những ngày lễ hội, tinh thần cộng đồng vẫn được chùa Đầu Nai duy trì trong đời sống thường ngày. Không chỉ là địa điểm văn hóa tôn giáo đặc sắc, chùa còn là nơi họp dân để bàn những vấn đề có liên quan như: Tu sửa chùa, tổ chức các ngày hội, giải quyết những bất hòa, mâu thuẫn của cá nhân, tập thể sống trong xóm giềng. 

Có thể thấy, chùa Đầu Nai thực sự là là biểu tượng tinh thần đoàn kết của đồng bào dân tộc Khmer cũng như là cầu nối giúp thể hiện sự đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo tại địa phương.

Trà My

Link gốc: TTVH