Coi lực lượng sáng tác trẻ như những 'start-up'
Góp một cách nhìn khác, nghĩ khác về những nhà văn trẻ tại hội thảo "Nâng cao chất lượng sáng tác trẻ", PGS-TS Phạm Xuân Thạch, Trưởng khoa Văn học, trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) gây chú ý khi chia sẻ, "hãy nhìn lớp nhà văn này như những người bắt đầu sự nghiệp và ở khía cạnh ấy, tôi muốn coi họ như những start-up, mà để có thể thành công cần có một hệ sinh thái khởi nghiệp, như chúng ta vẫn thường nói".
Tuổi trẻ "chiếm thế thượng phong"
"Đa số cây bút trẻ được trang bị kiến thức tốt, tuy say mê sáng tác, viết ngày, viết đêm, một số nổi lên như những tiềm năng, thế rồi bỗng nhiên họ ngừng sáng tác, rời khỏi văn đàn nhẹ nhàng như lúc họ đến".
Đó là thực tế được nhà thơ Trần Hữu Việt, Trưởng ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam nêu tại hội thảo.
Cũng cần công bằng mà nói, theo nhà thơ Trần Hữu Việt, "vẫn có những nhà văn viết muộn, thành danh muộn, càng viết càng hay, "gừng càng già càng cay", nhưng về cơ bản, những sáng tác mang tính bước ngoặt làm nên tên tuổi của người viết thì tuổi trẻ thường chiếm thế thượng phong".
Minh chứng rõ nhất cho điều này có thể nhìn lại lịch sử văn học Việt Nam trong thế kỷ 20 với các trường hợp Chế Lan Viên viết Điêu tàn năm 16 tuổi; Nguyên Hồng in Bỉ vỏ năm 18 tuổi; Vũ Trọng Phụng viết Giông tố, Số đỏ năm 24 tuổi. Cũng năm 24 tuổi Nam Cao viết Chí Phèo; Nguyễn Tuân viết Vang bóng một thời năm 28 tuổi; còn Hoài Thanh viết Thi nhân Việt Nam khi vừa vào tuổi 30;… Đây đều là những danh tác một thời của văn học nước nhà.
Liên hệ gần, có thể gọi ra những cái tên đã từng tạo nên những hiện tượng trên văn đàn như Đỗ Chu viết Ao làng, Hương cỏ mật, Mùa cá bột khi 18 tuổi; Trần Đăng Khoa, thần đồng thơ xuất bản Từ góc sân nhà em, sau đó là Góc sân và khoảng trời khi mới 10 tuổi. Gần hơn nữa là Phan Thị Vàng Anh in Khi người ta còn trẻ năm 25 tuổi, Hội chợ năm 28 tuổi hay Nguyễn Ngọc Tư in Ngọn đèn không tắt năm 25 tuổi, Cánh đồng bất tận năm 29 tuổi.
Trong khi đó trên văn đàn hiện nay, cũng có thể kể đến nhiều cây bút trẻ nổi bật, tuy tuổi đời dưới 35 nhưng họ sở hữu "gia tài" ấn tượng. Đó là Đinh Phương có 6 tập truyện ngắn và tiểu thuyết, đạt giải thưởng Tác giả trẻ Hội Nhà văn Việt Nam 2021, giải Nhì cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội; Lý Hữu Lương có 4 tập sách gồm thơ, trường ca, bút ký, đạt giải thưởng Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam, 2021.
Đó còn là Văn Thành Lê có 13 đầu sách gồm tập truyện ngắn, tản văn, thơ, chân dung văn học; Lữ Thị Mai có 10 đầu sách gồm thơ, trường ca, truyện ngắn, tản văn, đạt nhiều giải thưởng văn chương; Lê Quang Trạng (25 tuổi) là hội viên trẻ nhất của Hội Nhà văn Việt Nam, có 4 tập thơ và truyện ngắn, đạt nhiều giải thưởng văn chương, v.v…
Đặc biệt phải kể đến Nguyễn Bình, 20 tuổi, sinh viên đang học ngành Thiên văn học ở Mỹ đã dịch kiệt tác Truyện Kiều sang tiếng Anh và được những nhà văn, dịch giả tên tuổi của Mỹ đánh giá cao. Hay Trang Nguyễn, 21 tuổi viết tác phẩm Chang hoang dã - Gấu được nhiều nhà xuất bản trên thế giới mua bản quyền và phát hành trên toàn cầu. Trường hợp này có thể gọi là một "thương vụ" ấn tượng về "xuất khẩu văn học".
Rõ ràng văn học trẻ hiện nay không thiếu những tác giả nổi bật thế nhưng nhìn một cách tổng thể cả về số lượng, lẫn chất lượng sáng tác vẫn còn những hạn chế nhất định.
Nhà thơ Trần Hữu Việt cho biết, tỷ lệ hội viên trẻ trong Hội Nhà văn Việt Nam nếu tính đến tuổi 40 chỉ xấp xỉ 4%, còn nếu tính từ 35 tuổi trở xuống thì chỉ được khoảng 1,7%. Đây là một con số quá thấp và đã duy trì trong nhiều năm.
Nên chăng, có một chính sách ở tầm quốc gia về hệ thống các cuộc thi và giải thưởng văn chương?
Sự trân trọng của xã hội
Trong khi đó, ở góc độ của những người viết trẻ, ông Việt cho biết, họ cũng có những mong muốn không khác mấy với mong muốn của thế hệ trước. Đó là được giao lưu, trao đổi trải nghiệm với các bạn viết như một chất xúc tác cho sáng tác, được học hỏi về nghề nghiệp từ các thế hệ đi trước, được đào tạo nâng cao kiến văn…
Những người viết trẻ cũng mong muốn được thường xuyên tạo điều kiện đi thực tế thâm nhập với đời sống, tham gia các trại sáng tác; được hỗ trợ in ấn, xuất bản và giới thiệu quảng bá tác phẩm. Bên cạnh đó, có thêm những giải thưởng văn học phù hợp để họ được nhìn nhận đánh giá, được tiếp thêm năng lượng, niềm tin gắn bó lâu dài với nghề viết.
Từ những mong muốn này, ông Việt cho rằng, để nâng cao chất lượng sáng tác văn học trước hết phải chú trọng vào đào tạo. "Những người viết trẻ trong thời đại ngày nay cần được tạo điều kiện đến những trường đại học tốt nhất, những trung tâm văn học thế giới, hoặc ở mức thấp hơn, tới những cộng đồng văn chương ở đẳng cấp cao. Đến những nơi như vậy để những cây bút trẻ thu lượm, tích lũy, học hỏi, làm giàu tri thức, hiểu biết và nâng tầm, hướng tới những cuộc chinh phục đỉnh cao văn chương trong tương lai".
Sản phẩm của người viết là những cuốn sách. "Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các cây bút trẻ xuất bản tác phẩm, có thể thông qua đặt hàng những đề tài cụ thể, những dự án về chấn hưng văn hóa, quảng bá văn hóa để người viết trẻ tham gia. Nhà nước cần xây dựng những thiết chế phù hợp để khuyến khích các cây bút trẻ, tạo sự quan tâm, trân trọng của toàn xã hội với hoạt động văn chương, để người viết trẻ thấy mình cần phải xứng đáng với sự quan tâm đó để được cống hiến" - ông Việt nói.
Ở khía cạnh này, ông Việt cho rằng cần phải tạo ra một "hệ sinh thái" về văn chương. "Nơi đó văn hóa đọc, những cuốn sách cần phải được tôn vinh. Nơi đó, những người viết văn cũng nhận được sự trân trọng tự nhiên của xã hội" - ông nói.
"Hệ sinh thái khởi nghiệp"
Coi lớp nhà văn trẻ như những start-up, để có thể thành công cần có một hệ sinh thái khởi nghiệp, theo ông Thạch, có thể hình dung một hệ sinh thái khởi nghiệp là một mạng lưới liên kết bao gồm các tác nhân và mối quan hệ giữa các tác nhân mà trung tâm, hạt nhân là tác nhân khởi nghiệp (cá nhân hoặc nhóm).
Cụ thể, một hệ sinh thái khởi nghiệp phải bao gồm các tác nhân: Tác nhân khởi nghiệp, sở hữu ý tưởng khởi nghiệp và triển khai dự án khởi nghiệp; Những thiết chế đầu tư mang tính đặc thù bởi tính rủi ro cao của các dự án khởi nghiệp; Những tác nhân hỗ trợ tác nhân khởi nghiệp trong việc huấn luyện các kỹ năng cần thiết để triển khai dự án khởi nghiệp; Những thiết chế đại học, nghiên cứu, nơi ươm mầm cho các ý tưởng khoa học và công nghệ, thúc đẩy sự tiến triển của tri thức và làm xuất phát của các ý tưởng khởi nghiệp.
Ở đây, Nếu đối chiếu mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp với đời sống văn học, có thể thấy những tác nhân khởi nghiệp chính là các nhà văn. Từ quan điểm này, nhà nghiên cứu Phạm Xuân Thạch cho rằng, một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng trong việc hỗ trợ sáng tác của nhà văn là phải giúp họ có một nền tảng triết mỹ, tư tưởng, nhận thức xã hội vững vàng.
"Nếu như trong lĩnh vực kinh tế, đại học là vườn ươm những ý tưởng khoa học và công nghệ thì trong sáng tác, đại học cũng chính là vườn ươm những ý tưởng nghệ thuật. Chính từ những kiến thức về nhân văn, xã hội luôn được thử thách và tìm kiếm những chân trời mới trong môi trường đại học mà những tư tưởng nghệ thuật có thể nảy sinh" - ông Thạch phân tích.
Điều này cho thấy, bên cạnh mô hình đào tạo viết văn trong những trường chuyên nghiệp thì việc khuyến khích và đào tạo viết văn ở những trường đa ngành là hoàn toàn khả thi, thậm chí cần phải là một mô hình tồn tại song song với mô hình truyền thống. Từ đây, cần tính đến sự đa dạng hoá các loại hình đào tạo sáng tác văn học, như là một tiến trình đào tạo ban đầu và đào tạo thường xuyên.
Ông Thạch cũng làm rõ thêm, trong thế giới khởi nghiệp, được giới thiệu ý tưởng khởi nghiệp để có thể kết nối với nhà đầu tư là một vấn đề vô cùng quan trọng. Đối với văn học, đây chính là vai trò của các cuộc thi và giải thưởng văn học để có thể phát hiện những ý tưởng nghệ thuật và những cá nhân có năng lực sáng tác. Vậy mà đây lại là một trong những khâu yếu của đời sống văn học hiện nay. Nên chăng, có một chính sách ở tầm quốc gia về hệ thống các cuộc thi và giải thưởng văn chương?
Mặt khác, "nếu như các nhà văn chuyên nghiệp được thụ hưởng hệ thống hỗ trợ sáng tác và đặt hàng sáng tác thì các tác giả trẻ gần như không được thụ hưởng tất cả những chính sách này. Theo tôi, nên có chính sách hỗ trợ các dự án của các nhà văn bắt đầu sáng tác. Sự tài trợ có thể thực hiện dưới hình thức học bổng sáng tác hoặc hỗ trợ sáng tác, hỗ trợ xuất bản. Đây là một cách tạo cú hích đối với sáng tác của các nhà văn bắt đầu sự nghiệp" - ông Thạch đề xuất.