Chào tuần mới: Lan tỏa môn lịch sử
Sáng 30/9, tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM đã diễn ra Đại hội Hội Khoa học lịch sử TP.HCM lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 và Ngày hội sử học lần thứ XIII.
Trong khuôn khổ của ngày hội sử học, buổi báo cáo chuyên đề Dạy học lịch sử trong bối cảnh đổi mới căn bản toàn diện giáo dục một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của môn học này trong giáo dục và đời sống.
Kể từ tháng 8/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo lịch sử trở thành môn học bắt buộc ở bậc trung học phổ thông, trước đó lịch sử là môn tự chọn trong nhóm các môn khoa học xã hội.
Quan tâm hơn đến việc truyền đạt kiến thức lịch sử, đặc biệt là lịch sử dân tộc, cho lớp trẻ ngay từ trên ghế nhà trường là chuyện cần thiết. Có thể thấy, giới trẻ ngày nay tự tin bước ra, giao lưu với thế giới nhiều hơn thế hệ trước. Trang bị kiến thực lịch sử nước nhà, hun đúc thêm lòng tự hào, củng cố "tấm hộ chiếu văn hóa" để càng khẳng định bản sắc cá nhân trong hội nhập quốc tế. Lịch sử không chỉ là nhân vật, sự kiện quá khứ, chính lịch sử đang tiếp tục hình thành hàng ngày, hàng giờ trong đời sống đương thời của mỗi người.
Trong giáo dục đã thế, trong văn học, nghệ thuật, lịch sử nước nhà cũng cần khẳng định vị thế của mình. Thực tế cho thấy, có nhiều người nói chuyện thời Tần, thời Hán… làu làu, nhưng có khi lại rất mù mờ lịch sử quê nhà. Tuy lịch sử trong văn học nghệ thuật không thể thay thế chính sử, nhưng cũng không thể phủ nhận, nhiều khi, lịch sử trong văn học nghệ thuật góp phần gợi trí tò mò, tìm hiểu chính sử.
Lại nhớ, trước đó vài ngày, sáng 27/9, Hội Sân khấu TP.HCM đã diễn ra buổi tọa đàm Vai trò của cải lương tuồng cổ TP.HCM từ 1975 đến nay. Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến của các nghệ sĩ cho rằng tuồng có tích Tàu được ưa chuộng hơn tuồng có tích ta, bởi cái nhìn đa dạng hơn, trong khi tuồng khai thác yếu tố lịch sử nước ta vẫn còn một chiều.
Vì vậy mà, làm sao để người trẻ quan tâm hơn đến lịch sử nước nhà quả không dễ, mà việc giáo dục lịch sử như môn học bắt buộc chỉ là bước đầu. Dạy làm sao, khơi gợi làm sao để các bạn học sinh tìm hiểu, hứng thú, để từ bắt buộc đến tự nguyện, thì cần cả khoa học, nghệ thuật lẫn tâm lý, tình cảm.