Bí mật về 'nàng thơ' đặc biệt của Picasso
Từng gây nhiều tranh cãi về phụ nữ nhưng Picasso (1881 - 1973) trong mắt người mẫu Sylvette lại là người đàn ông tuyệt vời. Nàng thơ từng mở ra "kỷ nguyên tóc đuôi ngựa" của danh họa mới đây đã có những chia sẻ đặc biệt về quãng thời gian làm mẫu và cận kề thiên tài này.
"Giọng ông ấy rất nặng nhưng tôi không dám hỏi: Ông nói gì cơ? Vì thế nhiều khi chúng tôi ngồi im như thể đang cùng suy ngẫm. Ta học được rất nhiều khi không nói gì. Và giờ tôi vẫn cảm thấy ông luôn bên tôi một cách thần bí" - Sylvette David, người sau này được biết đến với cái tên Lydia Corbett, kể.
Cuộc gặp tình cờ
Vào mùa Xuân năm 1954, một cô gái 19 tuổi tên Sylvette David đang ngồi với bạn trên bức tường ở thị trấn nhỏ Vallauris thuộc vùng Provence. Một người đàn ông thấp, dáng điệu vui vẻ nhoài người ra ngoài cửa sổ xưởng vẽ gần đó, trên tay cầm một bức chân dung vẽ cô. Người đàn ông đó là Pablo Picasso, khi đó 73 tuổi.
"Đó là một lời mời" - Sylvette David, người giờ đây là mẫu vẽ cuối cùng còn sống của Picasso, kể - "Tôi nghĩ ông ấy hẳn đã theo dõi tôi. Hồi đó, tôi rất nhút nhát và không bao giờ cười, bởi tôi không biết gì về cuộc sống".
Bà đã chấp nhận lời mời và nó thay đổi cuộc đời bà. Trong suốt 3 tháng sau lần gặp đó, Picasso đã tạo ra khoảng 60 tác phẩm bao gồm vẽ, tranh và điêu khắc về người mẫu thường được gọi là "cô gái tóc đuôi ngựa" - loạt tác phẩm tập trung nhất mà ông từng tạo ra với một người mẫu.
Bản thân Sylvette cũng là một nghệ sĩ, hiện đang sống trong căn nhà nhỏ ở một làng rìa Dartmoor. Để tới đó, phải đi qua một cổng vòm để vào khu vườn nở rộ hải quỳ Nhật và bìm bìm vàng. Bên trong, bà phủ kín tường với những bức tranh của mình và trên khắp kệ tủ là những món đồ gốm. Bà giờ đã 89 tuổi, nói với một chút âm sắc Pháp, tết dài mái tóc từng buộc đuôi ngựa.
Sylvette sinh ra ở Paris. Bố bà là một nhà buôn nghệ thuật người Pháp. Mẹ bà là họa sĩ triển lãm người Anh. Bà không có nhiều học vấn chính quy. Khi Đức chiếm đóng Paris, Sylvette và mẹ trốn lên núi. Phải lên 8 tuổi bà mới tới trường và sau đó được gửi đi học nội trú.
"Tôi gặp gỡ nhiều người đáng mến. Nhưng người tôi mến nhất là Toby" - bà kể. Toby ở đây là Toby Jellinek, một bạn học, nghệ sĩ điêu khắc và nhà sản xuất nội thất. Họ trở thành người yêu rồi kết hôn với nhau. Khi bà rời Summerhill, Toby theo bà tới Vallauris, nơi mẹ Lydia đang sống ly thân với chồng và cũng là nơi Picasso có xưởng vẽ.
Và chuyện bắt đầu như vậy.
"Tôi gặp Picasso lần cuối vào năm 1965 khi đang đi cùng con gái Isabel. Ông ấy bị điếc nặng, nhưng vẫn thật ngọt ngào. Ông ngồi trên xe lăn và con gái tôi xoay ông vòng vòng. Rồi tôi không bao giờ gặp lại ông" – Sylvette.
Một Picasso rất khác
Mỗi ngày Sylvette sẽ tới xưởng vẽ và ngồi làm mẫu khoảng 2 tới 3 tiếng khi Picasso làm việc. Họ hiếm khi trao đổi. Picasso, như bà nói, thích yên lặng, và bà thì quá nhút nhát để bắt chuyện. Ông đơn giản là làm việc và hút thuốc. "Ông ấy có một kim tự tháp xếp bằng hộp thuốc rỗng trên sàn. Như sắp đặt vậy!" - bà cười - "Ông biết về sắp đặt trước khi bất kỳ ai biết từ đó! Ông ấy cũng rất khỏe mạnh, cạo râu sạch sẽ, rất đẹp trai, mắt đen và da nâu bóng".
Đôi khi Toby tới xưởng vẽ và trò chuyện với Picasso. Toby làm vài món cắt gấp kim loại theo thông số kỹ thuật của Picasso và được trả tiền. "Ông ấy nói: Tôi có thể trả cô như người mẫu, Nhưng tôi nói: Không, không. Tôi thích làm việc cho ông". Tôi nghĩ nếu ông ấy trả tiền cho tôi, tôi sẽ phải cởi đồ và tôi không muốn cám dỗ ông theo bất cứ cách nào" - bà kể.
Rồi Sylvette kể thêm: "Ông ấy từng vẽ một bức tôi để lộ ngực, theo trí tưởng tượng của ông. Ông nói: Tôi hi vọng cô không phiền. Tôi nói: Không, nó đẹp lắm. Nhưng tôi biết ông nghĩ có lẽ tôi ngại làm mẫu khỏa thân cho ông! Giờ tôi ước là mình đã làm vậy vì, như thế tôi sẽ có một bức tranh đáng yêu để ngắm".
Picasso, theo bà, là "một bí ẩn. Khi tôi nghe tất cả những chuyện rằng ông đối xử tệ với phụ nữ, tôi chưa bao giờ thấy khía cạnh đó. Tôi rất nhút nhát và ông không bao giờ chạm vào tôi hay làm gì tương tự. Ông không bao giờ khiến tôi sợ hãi".
Khi lên 8, Sylvette từng bị một người bạn của mẹ lạm dụng: "Thật khủng khiếp. Tôi không bao giờ quên điều đó. Giờ tôi đã quên hắn, nhưng nó vẫn khiến tôi sợ đàn ông. Tôi nghĩ là dường như Picasso cảm nhận thấy tôi từng bị tổn thương. Đó là lý do tại sao ông rất tử tế với tôi".
Tóm lại, không có gì đáng sợ khi làm việc với họa sĩ thiên tài này. Ở ông, dưới mắt bà, chỉ có sự vui tươi "như một cậu trai". Bà nhớ có lần ông vẽ một con nhện lên sàn. "Và khi quay lại, ông quên mất nó và nhảy dựng lên hét: Ối". Ông đã làm những trò đùa như vậy, xem tôi phản ứng sao, vì tôi luôn quá nghiêm nghị" - Sylvette cười - "Hoặc một ngày nọ, ông cho tôi xem phòng ngủ của ông - có một cái ghế, một cái giường kim loại, một cửa sổ. Trông như phòng ngủ của Van Gogh ở Arles. Và ông nhảy lên nhảy xuống trên giường, và tôi đã nghĩ, trời, tôi không tới đây để nhảy trên giường!"
Bà làm mẫu cho Picasso vào thời điểm ông đã chia tay Francoise Gilot - người tình lâu năm và là mẹ của 2 con ông, Claude và Paloma. Ông chưa ổn định trong mối quan hệ với Jaqueline Roque, người khi đó đang làm ở xưởng gốm ở Vallauris và sau này sẽ là vợ ông.
Sylvette từng có mặt trong ngày Gilot và tụi trẻ tới thăm ông: "Ông hẳn đã rất buồn. Ông tặng tôi một bức tranh, một bức vẽ và một cuốn sách. Khi tôi nói: Cảm ơn món quà của ông. Ông nói: "Ồ, cảm ơn cô đã ở đây khi tôi gặp vấn đề với con cái và Gilot".
Cuối năm đó, khi Picasso triển lãm loạt tác phẩm về Sylvette ở Paris, bà lập tức thành người nổi tiếng. Bà xuất hiện trên tạp chí Paris Match, và Life công bố kỷ nguyên mới trong nghệ thuật của Picasso, "kỷ nguyên tóc đuôi ngựa" của ông. Tại LHP Cannes, nơi "Toby và tôi thường đi và nhìn các diễn viên", bà tình cờ gặp ngôi sao Brigitte Bardot, người đã nhanh chóng nhuộm tóc vàng và buộc tóc đuôi ngựa sau đó.
Những lời cầu hôn cũng bay tới tới tấp tới Sylvette, cả ở những nơi xa như Colombia. "Tôi phải xé hết chúng đi bởi Toby tội nghiệp rất ghen tuông". Có cả những lời mời từ Hollywood nhưng bà đều từ chối, "vì tôi không muốn bị ép phải ngủ với đạo diễn".
Sylvette đã đưa bức vẽ Picasso tặng mình cho bố, người thay mặt cô bán đi. Năm 1958, bức vẽ được bán cho một người đàn ông Mỹ với giá 10.000 bảng (khoảng 300.000 bảng theo thời giá ngày nay). Bà cũng kiếm được một khoản nhỏ từ làm mẫu cho các tạp chí thời trang. Nhưng Toby bị lao không thể làm việc và tiền cạn dần. Họ chỉ đủ tiền để mua một căn hộ ở Paris.
"Người đàn ông mua tranh nói với tôi: Khi tôi chết cô có thể lấy lại nó. Nhưng ông ta hẳn đã già yếu và quên mất tôi. Những người quanh ông đã lấy bức vẽ và bán cho ai đó ở Anh" - bà cười - "Bức tranh giờ có giá vài triệu USD. Thật không thể tin được!"
Sylvette cũng thấy thật kỳ lạ khi tranh Picasso vẽ bà giờ ở trong các bảo tàng và bộ sưu tập khắp thế giới. Năm 2014, thị trấn Kunsthalle ở Bremen (Đức) đã tổ chức triển lãm hơn 50 bức vẽ, tranh, điêu khắc kim loại và đồ gốm Picasso làm về bà. "Cả thị trấn toàn Sylvette, trên xe buýt, mọi nơi!" - bà nhớ lại - "Trong khách sạn có một bức chân dung lớn, và họ đặt cho tôi một phòng rất đẹp. Tôi rất hạnh phúc". Tuy vậy, bà chưa bao giờ được mời tới xem tượng bán thân khổng lồ về bà mà Picasso thiết kế và được xây dựng vào năm 1968 tại New York.
Sylvette và Toby có một con chung trước khi ly hôn vào những năm 1960. Ông sau đó cưới bạn thân của bà. Còn bà đi bước nữa với Rawdon Corbett, một công chức. Họ có 2 con nhưng cũng ly dị vào thập niên 1990.
Từ "nàng thơ" trở thành họa sĩ
Khi còn nhỏ, Sylvette được bố cổ vũ vẽ tranh. Đến giờ, dù thị lực giảm sút, nhưng bà nói sẽ vẫn vẽ bất cứ khi nào có cảm hứng. Đó là những bức tranh táo bạo chịu ảnh hưởng của Picasso và Chagall, tranh tự họa, hình ảnh tôn giáo: "Sáng tác của tôi được truyền cảm hứng từ Chúa, nhất là khi đã có tuổi. Điều đó thật may mắn, bởi nếu không có lẽ tôi sẽ cô đơn. Niềm tin giúp tôi rất nhiều để sống hòa bình và tĩnh lặng".
Và đầu tháng 10 này, Sylvette sẽ tổ chức một triển lãm tranh cùng con gái, Alice, một nhà điêu khắc gốm.