Thủ tướng phát lệnh khởi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và cao tốc Cao Lãnh - An Hữu
Sáng 25/6, tại huyện Hoài Đức (Hà Nội), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự và phát lệnh khởi công dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (giai đoạn 1).
Lễ khởi công được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa 7 điểm cầu, gồm: Hoài Đức, Thanh Oai, Sóc Sơn, Thường Tín (Hà Nội) cùng các địa phương Bắc Ninh, Hưng Yên và Đồng Tháp.
Dự lễ khởi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô ở điểm cầu Hoài Đức cùng Thủ tướng có Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.
Dự lễ khởi công hai dự án quan trọng này tại các điểm cầu có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Đồng Tháp cùng đại diện nhân dân các địa phương trong khu vực.
Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án quan trọng quốc gia đầu tiên triển khai thực hiện theo Luật đầu tư với phương thức đối tác công tư. Đây là dự án có tính chất liên vùng đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết số 15 ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội; Nghị quyết số 30 ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Dự án đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 56 ngày 16/6/2022; Chính phủ ban hành Nghị quyết số 106 ngày 18/8/2022 để triển khai thực hiện. Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài hơn 112 km đi qua thành phố Hà Nội và 2 tỉnh, Hưng Yên, Bắc Ninh với tổng mức đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng.
Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) - An Hữu (tỉnh Tiền Giang) với chiều dài hơn 27 km có tổng mức đầu tư gần 6.000 tỷ đồng, được thực hiện theo hình thức đầu tư công.
Báo cáo về tình hình triển khai dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, ngay sau khi dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được phê duyệt chủ trương đầu tư, thành phố Hà Nội cùng các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh đã tập trung thực hiện nhiệm vụ với nhiều giải pháp sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn. Với quyết tâm và sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân, đến nay, công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến đã hoàn thành trên 80%, trong đó Hà Nội đạt trên 84% (cao hơn mức kế hoạch đề ra là 70%), dự án được khởi công đúng thời hạn.
Đạt được kết quả này, thành phố Hà Nội đã phát huy vai trò người đứng đầu, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân; tăng cường phân cấp, ủy quyền cho cơ sở; tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập. Bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 3 tỉnh, thành phố là sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cơ quan Trung ương, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các địa phương.
Tổng Công ty xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam Vinaconex là đơn vị được lựa chọn thực hiện gói thầu có chiều dài khoảng 23 km (từ Km13 + 17,92 đến Km 36 + 166,74) - Gói thầu số 09/TP2 - XL, đoạn qua địa bàn huyện Đan Phượng và huyện Hoài Đức. Đây cũng là một trong 4 gói thầu xây lắp của dự án đường song hành ở Hà Nội, giá trị trúng thầu là 1.816 tỷ đồng; thời gian thực hiện 1.080 ngày.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam Vinaconex Đào Ngọc Thanh cam kết sẽ huy động tối đa nhân sự, tài chính, trang thiết bị và áp dụng các biện pháp thi công hiện đại nhất để triển khai dự án, đảm bảo chất lượng, mỹ quan, an toàn và vượt tiến độ. Công trình dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng vào năm 2025, chào mừng Đại hội đại biểu lần thứ XVIII Đảng bộ thành phố Hà Nội, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông là 1 trong 3 đột phá chiến lược của Đảng Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Với hạ tầng giao thông mục tiêu đã được Quốc hội thông qua đến năm 2030 cả nước phải có ít nhất 5.000 km cao tốc; năm 2025 là 3.000 km. Với việc khởi công đường Vành đai 4, cùng với các dự án đã và đang triển khai, thi công vừa qua, nếu tập trung triển khai đúng tiến độ, kế hoạch đến năm 2025 chúng ta sẽ có trên 3.000 km cao tốc vào năm 2025, cơ bản đạt được mục tiêu đề ra.
Với dự án đường Vành đai 4, Thủ tướng đánh giá, Quốc hội vừa thông qua chủ trương thực hiện được 1 năm nhưng thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên đã đạt trên 80% công tác giải phóng mặt bằng để đủ điều kiện khởi công là một sự cố gắng rất lớ.
Thủ tướng đề nghị cấp ủy đảng, UBND các tỉnh, thành phố triển khai công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật bảo đảm bàn giao 100% diện tích mặt bằng trong quý III năm 2023 (chậm nhất trước ngày 31/12/2023). Trong đó, các địa phương đặc biệt quan tâm đến công tác tái định cư, hỗ trợ ổn định sản xuất để người dân có nơi ở mới, công việc mới, sinh kế mới ít nhất bằng và tốt hơn nơi cũ. Đây là quan điểm xuyên suốt của Đảng.
Thủ tướng mong muốn người dân có đất thu hồi để phục vụ dự án tiếp tục ủng hộ chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, tạo điều kiện cho các địa phương, đơn vị thi công dự án hiệu quả, an toàn, kịp thời, chất lượng, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật. Bên cạnh đó, các nhà tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát tăng cường nâng cao trách nhiệm thương xuyên kiểm tra giám sát bảo đảm an toàn, chất lượng, tiến độ. Mỗi cá nhân liên quan tham gia dự án cần nâng cao ý thức trách nhiệm với công việc, đổi mới tư duy sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, góp phần triển khai các dự án thành phần đúng tiến độ, chất lượng, không lãng phí, không tiêu cực.
Thủ tướng nhấn mạnh, đầu tư hạ tầng giao thông không chỉ là nhiệm vụ của riêng bộ, ngành, địa phương nào, mà là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của tất cả các địa phương, bộ, ngành vì lợi ích thiết thực của chính các địa phương và đất nước.
Thủ tướng chỉ rõ, để triển khai thành công các dự án thì 2 vấn đề có tính chất quan trọng là: Bố trí nguồn lực đầy đủ và mặt bằng đủ điều kiện thi công. Bên cạnh đó phải thực hiện nghiêm túc 6 yêu cầu là: Phải bảo đảm chất lượng; đảm tiến độ và an toàn, kỹ thuật, mỹ thuật, môi trường vệ sinh và an toàn lao động; không được đội vốn bất hợp lý, không chia nhỏ gói thầu; chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm từ khâu xây dựng dự án, phê duyệt, thi công, giám sát, kiểm tra, nghiệm thu… Quan trọng là phải bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân, doanh nghiệp; kịp thời khen thưởng khi làm tốt và xử lý nghiêm sai phạm khi làm không tốt.