Ngẫm ngợi cuối tuần: Đi khánh thành lớp học
1. Đi khánh thành lớp học của nhóm thiện nguyện "Chung tay vì trẻ em vùng cao" của Hà Nội tôi không nhớ bao nhiêu lần, vì có năm 3 lần (làm được đến 3 lớp), còn lại là năm một lần. Trong 9 năm chúng tôi làm được 17 điểm trường cho Đồng Văn, Mèo Vạc ở Hà Giang và một điểm ở Bắc Kạn.
Nhưng lần khánh thành này là lần đặc biệt. Đó là lớp học xây, tường rào sân chơi xếp đá theo lối làm người Mông. Ngôi lớp có bản sắc văn hóa của vùng miền rõ rệt.
Đi lần này đặc biệt có cô Thủy, cựu hiệu trưởng trường THCS Nghĩa Tân, người đầu tiên đã góp 10 triệu vào quỹ, "nổ đề-pa" cho chuỗi 9 năm xây lớp cho trẻ em vùng sâu, xa trên núi đến bây giờ. Cô ngồi lặng lẽ trên xe, rất kiệm lời nên ít người biết.
Sang năm 2024, nếu có được điểm trường thứ 18, chúng tôi muốn làm cuộc tổng kết 10 năm leo núi, gặp gỡ với đại diện trường Nghĩa Tân, các thầy cô giáo, các bản có điểm trường cùng các nhà hảo tâm tài trợ. Tại cuộc vui gặp gỡ, tôi sẽ vẽ biểu trưng cho nhóm để kỉ niệm một hành trình ý nghĩa. Báo Thể thao và Văn hóa là thành phần quan trọng trong cuộc gặp này, vì đã tạo ra một cái nền nhỏ thiện nguyện cho nhóm từ thiện tìm đất gieo hạt.
2. Tìa Cu Si (xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang), tiếng Mông có nghĩa là bãi phân dê, hoặc đống phân dê. Hôm nay không thấy một con dê nào, cũng như Hà Nội đến phố Hàng Trống chẳng còn thấy dấu vết tranh Hàng Trống.
Không có dê nên không có phân dê. Cái tên đó là chỉ dấu một thời đây là bãi chăn dê của Mèo Vạc. Có nghĩa đây từng là làng bản đông đúc. Từ lúc hiểu Tìa Cu Si là bãi phân dê tôi thấy phấn chấn hẳn lên. Những tên đất khi giải được nghĩa nó, nó cho ta hiểu thêm lịch sử vùng đất ấy, thấy lòng ấm áp biết bao.
Trên đường quay về, đoàn chúng tôi ghé thăm một ngôi chùa mới xây cất xong trên khoảng đất rộng phong quang vài mẫu. Sư trụ trì mong muốn sẽ mở mang thêm đất chùa cho khuôn viên đẹp và mong đạo tràng phát triển.
Tôi lại chạnh nghĩ trên núi cao kia, tìm được một mặt bằng trăm mét xây lớp học sân chơi sao mà khó thế. Tìm đã khó, thuyết phục được người ta chuyển đất xây trường còn khó hơn, dù đó là quyền lợi của con em họ. Dầu vậy, chúng tôi vẫn thầm bảo nhau, mình ít tiền xây "chùa" lớp học. Còn người nhiều tiền thì xây chùa làm du lịch tâm linh! Chỉ chút tiền thừa khi xây chùa cũng làm được bao nhiêu lớp học.
Nhưng chúng tôi vẫn lạc quan. Từ nguồn vốn ban đầu 10 triệu đồng và những đóng góp nhỏ của cả những bé học sinh cùng những nghĩa cử thiện nguyện khắp nước với một số doanh nghiệp chúng tôi đã gom được thành quả không nhỏ trong 9 năm làm được 17 điểm trường. Tổng diện tích: 1269,78m2 (chưa bao gồm sân chơi). Tổng kinh phí: 3.232.898.500 đồng. Tổng số phòng học: 37 phòng. Tổng số học sinh: khoảng 3875 học sinh.
Cũng đáng kể lắm chứ!