Góc nhìn 365: Nhân rộng 'di sản liên vùng'
Việc quần thể vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà vừa được UNESCO vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới đã đánh dấu một cột mốc mới trong đời sống di sản tại Việt Nam.
Theo đó, lần đầu tiên, chúng ta có một Di sản vật thể thế giới theo hình thức "liên vùng", trải rộng phạm vi diện tích trên 2 địa phương - và tất nhiên, được xây dựng hồ sơ đề cử từ cả 2 bên. Để rồi, từ thành công này, sức lan tỏa của di sản cũng được đặt kỳ vọng rất lớn, khi nó gắn với 2 tỉnh thành năng động và phát triển nhất vùng duyên hải phía Bắc.
Vậy trong tương lai, chúng ta có thể "nhân rộng" mô hình di sản liên vùng này?
Câu trả lời là hoàn toàn có thể - khi trên thực tế, chính tỉnh Quảng Ninh là địa phương đang chủ trì xây dựng một hồ sơ di sản liên vùng khác để trình UNESCO: Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử.
Đáng nói, câu chuyện này cũng khá giống với trường hợp của quần thể vịnh Hạ Long - Cát Bà vừa qua, khi phía làm hồ sơ "tận dụng" các tiềm năng và danh hiệu hiện có. Từ ý tưởng đề cử danh hiệu Di sản thế giới cho quần thể Yên Tử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, việc mở rộng hồ sơ sang vùng Tây Yên Tử (Bắc Giang) và Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương) đã giúp nó bao quát được hơn 70 di tích gắn với thiền phái này - trong đó bao gồm chùa Vĩnh Nghiêm, nơi có kho mộc bản, thư tịch do thiền sư Thiền phái Trúc Lâm tổ chức san khắc ở nhiều giai đoạn khác nhau và từng nhận danh hiệu Di sản Tư liệu thế giới năm 2012.
Một câu chuyện khác: Nhiều năm trước, đã có những ý kiến nhắc tới việc tỉnh Thanh Hóa nên làm hồ sơ đề cử danh hiệu Di sản thế giới cho hang Con Moong (huyện Thạch Thành), nơi có nhiều di chỉ khảo cổ học quan trọng về người tiền sử. Đáng nói, dù nằm trên địa bàn Thanh Hóa, di sản này về bản chất lại là một phần của quần thể các hang động mang dấu tích người xưa thuộc vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) như Hang Lai, Hang Bố Giáo, mái đá Mộc Long. Bởi vậy, theo các chuyên gia, trong trường hợp thực hiện, hồ sơ cần mở rộng để bao trùm toàn bộ vườn Quốc gia Cúc Phương, và tính tới các ưu thế về đa dạng sinh học của khu vực này.
Rồi, ở trường hợp tương tự, 2 tỉnh Tuyên Quang và Bắc Kạn cũng đang lên kế hoạch xây dựng hồ sơ "ứng thí" cho khu Di sản thiên nhiên Ba Bể - Na Hang với hi vọng kết hợp các ưu thế của hồ Ba Bể - một trong các hồ nước ngọt lớn nhất thế giới được hình thành trên núi đá vôi - và quần thể khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang với trên 21.000 ha rừng đặc dụng và hàng ngàn loại động thực vật quý hiếm.
***
Không khó để nhìn ra bản chất của những mô hình di sản liên vùng kể trên: vốn thuộc cùng một khu vực địa chất trong quá trình kiến tạo của thiên nhiên, hoặc cùng một vùng văn hóa - lịch sử trong quá khứ, khi địa giới hành chính chưa có sự phân chia như bây giờ. Hoặc, ở một số trường hợp, khi bao quát một diện tích lớn, bản thân các khu vực di sản "thành viên" lại có cộng hưởng những nét độc đáo riêng, để đem về một giá trị vượt trội cho quần thể.
Và theo cách nhìn ấy, ngoài chuyện danh hiệu, rõ ràng mô hình di sản liên vùng cũng là sự mở rộng không gian tiềm năng để phát triển du lịch cho các địa phương sở hữu - thậm chí mở rộng cơ hội kết nối để tổ chức các chương trình du lịch, khám phá theo tính chất "dài hơi", hoặc vấn đề trao đổi, hỗ trợ nhau trong lĩnh vực bảo tồn.
Nếu được nghiên cứu và khảo sát kĩ, chắc chắn trên toàn quốc sẽ có không ít những di sản nên được kết nối theo cách ấy - dù để "ứng thí" trước UNESCO hay để có sự đồng bộ và khoa học trong quản lý, khai thác. Câu chuyện còn lại là việc vượt qua tâm lý cục bộ, cũng như tính khoa học và bài bản trong sự kết nối này.