Góc nhìn 365: Du lịch nhìn từ sân bay
Tuần vừa qua, du lịch Việt Nam lần nữa trở thành vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận. Cụ thể, dù đã mở cửa đón khách từ tháng 3 năm 2022, sớm hơn so với rất nhiều nước, nhưng tính đến nay, số lượt khách quốc tế đến Việt Nam vẫn còn cách xa với kỳ vọng đặt ra.
Hai năm vừa qua thế giới lao đao vì dịch bệnh. Việc hạn chế đi lại, nhập cảnh đã tác động rất lớn đến ngành du lịch, Và lẽ ra, việc Việt Nam mở cửa sớm hậu Covid-19 so với nhiều nước trên thế giới phải tạo lợi thế trong cuộc đua hút khách quốc tế.
Vậy mà, nhìn qua các nước láng giềng như Thái Lan, Singapore, chúng ta vẫn phải đang "toát mồ hôi" đuổi theo họ trong lĩnh vực du lịch.
Vấn đề nằm ở đâu?
Đã có nhiều vấn đề được đem ra bàn luận, trong đó có chính sách visa, nặng lực quảng bá du lịch, và thậm chí là thái độ của nhân viên sân bay…
Thú thật, là một người rất thích đi đó đi đây, nhưng mỗi lần lên kế hoạch đi du lịch, tôi lại đâm nản ngang vì nghĩ tới cảnh phải đến sân bay. Với du khách đi một mình, hành lý gọn nhẹ, việc di chuyển bằng xe máy luôn là lựa chọn tối ưu để tiết kiệm. Nhưng chuyến từ sân bay về nhà, muốn bắt xe máy phải di chuyển khá xa. Ngại di chuyển thì có thể gửi xe tại bãi giữ xe của sân bay, nhưng thực tế ít người sẵn sàng gửi xe máy ở đây trong suốt chuyến đi vì giá thành không rẻ.
Bắt xe ô tô cũng gian nan không kém. Thường hành khách phải di chuyển với đống hành lý lỉnh kỉnh của mình đợi chờ trong cái nóng cả đêm lẫn ngày rất thường trực ở miền Nam để đón xe. Đón được xe rồi thì phải chờ một lúc chen chúc trong hàng xe xếp hàng chờ ra khỏi sân bay.
Hiện tại sân bay Tân Sơn Nhất vẫn còn nằm gần ở trung tâm thành phố. Chứ một mai, nếu bay quốc tế phải đi xa hơn - tới sân bay Long Thành - mỗi lần đi máy bay chắc cũng "Một mình lưỡng lự canh chày/ Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh".
Mất thời gian di chuyển đi đi về về sân bay đã đành, khâu thủ tục ở sân bay chúng ta cũng còn rất chậm nếu so với nhiều nước trên thế giới.
Một yếu tố được nhiều người nhắc đến đó là thái độ của nhân viên sân bay thiếu vắng sự niềm nở, thậm chí nhiều khi còn gắt gỏng với khách. Hành khách trong nước thấy vậy thì thôi còn "thể tất" cho. Chứ du khách nước ngoài thì…
Còn nhớ hồi trước dịch, khi đang chờ quá cảnh ở một sân bay của Singapore, khi thấy vợ chồng tôi chụp hình kỷ niệm, một nhân viên mặc đồng phục của sân bay, lịch sự tự động đến ngỏ lời chụp giúp chúng tôi. Một hành động rất nhỏ, nhưng gây được thiện cảm với chúng tôi đến giờ.
Đối với du khách từ nước ngoài đến Việt Nam, thì nhân viên sân bay chính là "đại sứ du lịch" đầu tiên mà họ tiếp xúc. Một cử chỉ thân thiện, tác phong phục vụ chuyên nghiệp, mau lẹ chính là những ấn tượng đầu tiên của họ về đất nước chúng ta. Du khách đem sự bực bội bước ra khỏi sân bay thì còn tâm trạng đâu mà tận hưởng chuyến đi.
Du lịch Việt Nam muốn thu hút du khách cho bằng bạn bằng bè trong khu vực thì còn nhiều vấn đề phải cải thiện. Nhưng trước nhất, sân bay, nơi gây ấn tượng đầu tiên với du khách quốc tế, phải tốt cái đã.