Chuyện 'Hà Nội đất lành chim đậu'
Nâng cao ý thức bảo tồn chim hoang dã, bảo vệ môi trường sống, từ đó phục hồi sinh cảnh đã bị mai một để sống hòa hợp với thiên nhiên và đóng góp cho thành phố - đó là tâm niệm của những người thực hiện triển lãm ảnh Hà Nội đất lành chim đậu, đang diễn ra tại vườn hoa Lý Thái Tổ, Hà Nội.
1. Từ hơn 300 tấm ảnh được gửi về, triển lãm chọn ra 35 bức ảnh chụp chim hoang dã của 18 tác giả để trưng bày. Họ đều là thành viên của chi hội Nghiên cứu và bảo tồn Chim hoang dã Việt Nam, trong đó có những người đã cầm máy khá lâu năm.
Như chia sẻ từ các tác giả ảnh, trên địa bàn Hà Nội có rất nhiều nơi thu hút các loài chim định cư và di cư. Đơn cử, tính riêng bãi giữa sông Hồng đoạn chảy qua thành phố đã có gần 200 loài chim di cư và hơn 40 loài chim định cư sinh sống. Ngoài ra, đó là các khu vực vườn Bách Thảo (đường Hoàng Hoa Thám), cánh đồng Yên Mỹ (Thanh Trì), khu Thúy Lĩnh (Hoàng Mai)…
Tại triển lãm, tác giả Nguyễn Mạnh Hiệp mang đến triển lãm 4 bức ảnh nhưng gây chú ý nhất với người xem lại là tấm chụp chim Mai Hoa (một loài chim định cư không phổ biến tại Hà Nội). Chính anh cũng cho biết việc gặp được con chim này một bất ngờ với mình.
"Tôi không nghĩ một loài chim thuộc dòng di cư và rất hiếm như vậy lại có cuộc sống bình an ngay ở Thủ đô. Hà Nội đích thực là đất lành" - tác giả kể - "Một lần, vô tình ra bãi giữa sông Hồng, nghe tiếng chim kêu, tôi giật mình quay lại và nhìn thấy con Mai Hoa. Để chụp được nó, tôi đã mất rất nhiều ngày chờ đợi, phải nói là rất kì công...".
Thực tế, nếu không có điều kiện đi xa, công viên Bách Thảo ở Hà Nội chính là một điểm đến không thể bỏ qua cho những tay "săn ảnh chim". Ở đó, tác giả Nguyễn Minh Tâm đã chụp được con hoét xanh, một loài chim phân bố rộng ở Hà Nội, có quần thể di cư qua khu vực đồng bằng và quần thể định cư sinh sản vùng rừng núi cao. Sau này, Minh Tâm đi xa hơn, lên vườn quốc gia Ba Vì và chụp được ảnh con chim hút mật đỏ.
Riêng anh Đinh Hoàng Long, một trong những người đầu tiên chụp ảnh chim ở Hà Nội, lại kể về lần đầu tiên gặp được con fairy đuôi cụt lông đỏ ở đây vào năm 2014. "Đây là một loài rất khó tìm. Khi thấy nó, các anh em ở cả hai miền Nam Bắc háo hức gọi nhau tập hợp. Chúng tôi phải dựng lều từ tầm 4 - 5 giờ sáng để cầm máy ảnh trong đó... " - anh Long nhớ lại.
2. Theo lời kể của anh Long, cứ vào tháng 9 tháng 10 hàng năm, những vùng như cánh đồng Yên Mỹ luôn có nhiều loài chim di cư về đây. Trong đó, loài oanh cổ đỏ về đầu tiên, tiếp đến là các loại vịt trời. Khu Thúy Lĩnh thì có nhiều bờ bụi, sẵn nguồn thức ăn dành cho các loài chim. Tương tự, khu vực vườn Bách Thảo có nhiều cây cao hay khu vực bãi đá sông Hồng có rất nhiều dãy lau cũng là những nơi cư trú của nhiều loài chim.
Tuy nhiên, trước tình trạng đô thị hóa hiện nay, các loài chim đang phải tìm chỗ cư trú khác bình yên hơn. Tại huyện Phú Xuyên, anh Long từng chụp được bức ảnh về loại gà lôi nước thường sống ở vùng đầm lầy, nhưng nơi chụp ảnh nay đã trở thành khu đô thị mới.
Sự thay đổi sinh cảnh của các loài chim tại Hà Nội còn diễn ra trong phạm vi rất gần. Ví như câu chuyện về bức "Khướu bạc má" của anh Nguyễn Hoàng Hào. Theo lời kể, chú khướu bạc má này đi lạc và cư ngụ lại cơ quan Hào. Anh cho chim ăn và để nó sống tự nhiên trong vườn vì nghĩ chim sẽ sớm bay đi. Quả thật, đến mùa sinh sản, chim bay đi - nhưng sau đó lại quay về với một khướu bạc má nữa. Cặp "vợ chồng" này sau 2 năm lần lượt sinh ra 4 chú chim con. Nhưng không may, khu vực này có nhiều bẫy chuột. Chú khướu bạc má đầu đàn sau vài năm vô tình sập bẫy chết, và cả đàn khướu theo đó tan hoang..
"Câu chuyện kéo từ vui đến buồn. Tôi hiểu rằng xung đột giữa con người và các vận động của tự nhiên luôn tồn tại" - anh Hào nhớ lại - "Nhưng rõ ràng, chúng ta cũng nên tìm tới những cách xử lý mang tính hài hòa hơn trong cuộc sống chung".
Như chia sẻ, với tình yêu chim, muốn bảo vệ và sống cân bằng với thiên nhiên, nhiều tác giả tại triển lãm đều có sự lo lắng trước nạn săn bắn chim để làm thịt hoặc bán cho các hàng chim phóng sinh như hiện nay.
"Mỗi lần đi chụp chim, trở ngại lớn nhất của tôi là những kẻ đi săn chim. Can ngăn, xung đột rồi bị chửi bới, dọa dẫm đều có đủ cả. Thực sự câu chuyện này khá đáng buồn. Những đối tượng ấy thật ra cũng rất hiểu về chim, nhưng chọn một con đường ngược với chúng tôi" - anh Long cho hay.
Còn anh Nguyễn Hoàng Hào nhìn câu chuyện ở một góc độ khác - văn hóa sở hữu vốn đang tồn tại trong xã hội. Thực tế, có rất nhiều người luôn tìm cách "rước" bằng được những chú chim về nhà nuôi mà không hiểu rằng: chim chỉ đẹp ở nơi nó sống.
"Trên thế giới, có những người yêu thiên nhiên và tổ chức nuôi chim theo hình thức aviary, nghĩa là nuôi chim cảnh lớn, nuôi tập thể với khuôn viên rộng. Giá như mô hình này được nhân rộng ở Việt Nam" - anh nói.
Triển lãm ảnh Hà Nội đất lành chim đậu được thực hiện bởi mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống và chi hội Nghiên cứu và bảo tồn Chim hoang dã Việt Nam. Sau khi kết thúc vào ngày 26/11, các bức ảnh sẽ tiếp tục trưng bày trong lễ bế mạc Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 ngày 27/11 tại Bảo tàng Hà Nội.