Chữ và nghĩa: Bao sái
Trên mạng, có người nhắc đến từ "bao sái" và dẫn như sau:
"Tra Từ điển Khai Trí Tiến Đức: Không có. Tra Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, 2006): Không có. Tra Google, thấy nhắc đến mấy cụm từ: Cách tỉa chân nhang khi bao sái bàn thờ; Bao sái bàn thờ vào những ngày này gia chủ sẽ nhận được nhiều tài lộc…
Coi ti vi thấy có phóng sự về chùa Mía (Sơn Tây), những người trong vùng gần chùa đang tham gia quét dọn trong các gian thờ trong chùa, lau bụi trên các pho tượng Phật, Bồ Tát… Họ đều nói đang làm công việc "bao sái" tại chùa. Tạm hiểu chung chung về công việc gọi là "bao sái". Thế nhưng nghĩa của "bao sái" là thế nào?". Đúng là từ này chưa được thống kê trong các cuốn từ điển tiếng Việt (hoặc liên quan tới tiếng Việt). Cổ nhất là cuốn "Từ điển Việt - Bồ - La" (A. de Rhodes, 1651), đến cuốn cũng khá cổ nữa là "Đại Nam quấc âm tự vị" (Huình Tịnh Pauls Của, 1895 - 1896) và một loạt cuốn từ điển tiếp theo đều chưa có từ "bao sái".
Cũng cần phải nói rằng, các nhà từ điển muốn bổ sung các đơn vị từ vựng mới vào trong từ điển của mình phải căn cứ vào kết quả khảo sát, thống kê, trên cơ sở tần số và cách thức sử dụng của cộng đồng. Có lẽ vì xuất hiện ít, trong những ngữ cảnh hạn chế mà "bao sái" chưa được nhiều người biết đến (và cũng chưa được đưa vào từ điển thông dụng).
Tuy nhiên, trong một số từ điển (Hán, Hán - Việt) thì từ này đã được thống kê. Ví dụ, trong "Việt-Nam tự-điển" của Hội Khai Trí Tiến Đức (Imprimerie Trung Bắc Tân-Văn, 1931) giải nghĩa thành tố "bao": Lau cho khô, lau cho sạch bụi.
Còn thành tố "sái", "Hán Việt tự điển" của Trần Văn Chánh (NXB Hồng Đức, 2016) giải thích: Sái 洒 vẩy (nước): 掃地 先洒一些水 ("Tảo địa tiên sái nhất ta thủy"): Trước khi quét nhà cần vẩy ít nước.
"Hán - Việt từ điển" của Thiều Chửu (Nhà in Đuốc Tuệ, 1942) cũng giải thích từ "sái": 灑 [sái] ① vẩy nước. ② sái nhiên 灑然 giật mình, tả cái dáng kinh hoàng.
Như vậy, "sái" ngoài nghĩa "vẩy nước" còn nghĩa "sợ, hoảng". Nghĩa thứ 2 này lại được dùng phổ biến hơn. Ví dụ: "Để đêm mẹ về thắp hương. Năm sau sinh nhật con đừng mua huệ nữa nhé. Sái lắm". (Ở đây, "sái" có nghĩa như "kinh, sợ").
Trở lại từ "bao sái" vừa nói ở trên, ta thấy từ này có nghĩa khái quát là "dọn dẹp, lau chùi cho khô ráo, sạch sẽ". Nó thường được dùng chỉ công việc (dọn dẹp, quét tước) ở những nơi trang trọng như chùa chiền, nơi thờ tự.
Tôi nhớ, trước đây, tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống (Hội Ngôn ngữ học Việt Nam) có chuyên mục Dọn vườn, GS Cao Xuân Hạo có nhiều bài ký tên là Sái Phu. Đó là kết hợp 2 thành tố: "phu" là danh từ, nghĩa là "người lao động"; "sái" là động từ, có nghĩa "vẩy, rưới, dọn dẹp". Sái Phu được hiểu là "người dọn dẹp, người dọn vườn". Chúng ta còn nhớ mục Người dọn vườn trên báo "Văn nghệ" đã duy trì trong một khoảng thời gian dài, chuyên xem xét, bắt lỗi các trường hợp sử dụng sai từ, sai câu, sai chính tả trên sách báo.
"Bao sái" nghe hơi lạ tai
Chỉ việc dọn dẹp đền đài, linh thiêng