Thư robot: Vì 'nghệ thuật không có khả năng tự vệ'

Sophia thân mến! Có một hiện tượng rất lạ xảy ra trong mấy tháng gần đây là việc liên tục có một số người phá hoại các bức tranh nổi tiếng của một số danh họa nổi tiếng trên thế giới.

Thí dụ: ngày 4/11/2022, họ ném súp đậu vào bức tranh Người gieo hạt của Vincent van Gogh trưng bày tại Bảo tàng Palazzo Bonaparte (Rome - Italy); ngày 27/10, họ ném súp cà chua lên bức tranh Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc của Johannes Vermeer đang trưng bày tại Bảo tàng Mauritshuis (Hà Lan); ngày 23/10, họ ném khoai tây nghiền lên bức tranh Đống rơm (được định giá 111 triệu USD) của Claude Monet trưng bày tại một bảo tàng ở Potsdam (Đức); ngày 14/10, họ ném súp cà chua vào tranh Hoa hướng dương (được định giá 85 triệu USD) của Vincent van Gogh tại Phòng trưng bày Quốc gia ở London (Anh)…

Thư robot: Vì 'nghệ thuật không có khả năng tự vệ' - Ảnh 1.

Tác phẩm nghệ thuật "Hoa hướng dương" trị giá 76 triệu Bảng Anh '"bình an vô sự" sau khi bị nép súp cà chua vào ngày 14/10 ở London. Ảnh: EPA

Tìm hiểu thì biết số người đã làm những việc bất thường kể trên đều thuộc một số tổ chức bảo vệ môi trường, và họ cho rằng hành vi của họ nhằm "bảo vệ môi trường". Để biện hộ, người bảo cuộc sống quan trọng hơn bức tranh; người bảo ném súp, ném khoai tây nghiền lên các bức tranh để dư luận phải chú ý và khiến mọi người quan tâm bảo vệ môi trường hơn, người bảo chất liệu làm nên bức tranh gây độc hại đối với môi trường… Thậm chí họ đặt ra các câu hỏi kỳ cục: "Điều gì đáng giá hơn, nghệ thuật hay cuộc sống? Nó quan trọng hơn thức ăn, đáng giá hơn công lý?", "Liệu bạn quan tâm hơn đến việc bảo vệ một bức tranh hay việc bảo vệ hành tinh và người dân của chúng ta?".

Sophia biết không, phát ngôn như vậy, họ tảng lờ một sự thật rằng bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn nhân loại, không phải chỉ là trách nhiệm của một số tổ chức bảo vệ môi trường. Có lẽ vì thế họ đã tảng lờ một sự thật khác là trên thế giới nhiều năm qua, trong cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường luôn có mặt giới nghệ sĩ, qua tác phẩm văn chương, hội họa, âm nhạc, điện ảnh,… họ đã thể hiện rất cụ thể thái độ tích cực và ý thức trách nhiệm nghiêm túc trước một vấn nạn đang đe dọa cuộc sống loài người.

Tác phẩm nghệ thuật tạo hình nói riêng, tác phẩm nghệ thuật nói chung là sản phẩm sáng tạo của con người. Ở phạm vi quốc gia hay quốc tế thì tác phẩm được đánh giá cao, được lưu giữ cùng lịch sử vì chứa đựng các giá trị không chỉ giúp con người thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ, mà ở mức cao hơn là giúp con người hướng tới chân - thiện - mỹ, thêm yêu cuộc sống, thêm yêu con người.

Nói cách khác, cùng với lịch sử sáng tạo của loài người, nghệ thuật đã trở thành một phần của cuộc sống, một phần của văn hóa - "sinh quyển" giúp con người hoàn thiện, phát triển.

Sophia thân mến!

Bảo vệ môi trường là yêu cầu cấp thiết của nhân loại lúc này, nhưng nhân danh bảo vệ môi trường để phá hoại nghệ thuật thì không có ý nghĩa nào khác là phá hoại cuộc sống, phản văn hóa, là ấu trĩ, cực đoan. Nhưng, như thông cáo của Bảo tàng Mauritshuis đã viết rằng "nghệ thuật không có khả năng tự vệ", trước hành vi nhân danh bảo vệ môi trường để phá hoại nghệ thuật, mỗi người cũng như toàn xã hội cần trả lời câu hỏi "Vậy cần làm gì để bảo vệ nghệ thuật?", từ đó nỗ lực vừa bảo vệ môi trường, bảo vệ nghệ thuật, hạn chế hành vi phản văn hóa, vừa tạo điều kiện giúp giới nghệ sĩ tham gia bảo vệ môi trường.

Tạm biệt Sophia, hẹn gặp thư sau!

Nguyễn Hòa

Link gốc: TTVH