Ngày Sách Thế giới: Xu hướng đọc sách bằng ngôn ngữ gốc tăng mạnh trong giới trẻ Việt
Ghi nhận từ các đơn vị phát hành sách ngoại văn, một bộ phận độc giả trẻ yêu thích tìm mua sách bằng ngôn ngữ gốc (chủ yếu sách tiếng Anh, sách Pháp) tăng lên đáng kể. Nhu cầu khẩu vị đọc của người trẻ khá đa dạng, phong phú ở các thể loại từ sách giáo trình, cẩm nang tư vấn đến sách văn học, khoa học, lịch sử…
Theo Tổ chức Giáo dục quốc tế Education First (EF) đánh giá: Năm 2023, chỉ số thông thạo Anh ngữ toàn cầu EPI cho thấy mức độ thông thạo tiếng Anh của người Việt đã tăng 9 điểm, xếp thứ 7 trên 23 tại châu Á và tiếp tục có xu hướng cải thiện. Đây cũng là một trong những yếu tố góp phần tạo đà gia tăng xu hướng đọc sách ngoại văn tại Việt Nam.
Những năm qua, sự bùng nổ của ngành xuất bản và những tiện ích tuyệt vời từ kỷ nguyên số đã giúp độc giả Việt Nam được tùy thích chọn lọc, thưởng thức các ấn phẩm trong nước và nước ngoài. Ngoài lượng lớn tác phẩm được dịch ra tiếng Việt, thị trường sách trong nước ghi nhận xu hướng của phân khúc độc giả tìm đọc sách ngoại văn hoặc mua sách tiếng Anh cho con em mình.
Chị Hương Lan, chủ hiệu sách ngoại văn Blue Horizon (93 Thụy Khuê, Hà Nội) chia sẻ: "Sau 5 năm thành lập, tôi nhận thấy đối tượng bạn đọc, đặc biệt là thế hệ trẻ 18-35 tuổi tiếp cận dòng sách ngoại văn tăng lên đáng kể. Từ 500 tựa sách cho thiếu nhi lúc ban đầu, chúng tôi đã mở rộng tới 5000 tựa sách ngoại văn cả tiếng Anh, tiếng Pháp nhằm phục vụ cho nhu cầu đọc, giải trí và nghiên cứu của đủ mọi lứa tuổi."
Trên thực tế, trong "thế giới phẳng" nơi việc cập nhật thông tin và giao lưu tri thức diễn ra nhộn nhịp và tức thời như hiện nay, các bạn trẻ Việt Nam luôn nhạy bén với các xu hướng mới của thế giới, từ phim ảnh, ca nhạc cho đến sách vở. Nắm bắt được tâm lý này, đã có nhiều nhà sách ngoại văn được mở ra. Riêng tại Hà Nội có hơn 10 hiệu sách có tiếng với danh mục phong phú, cập nhật những tác phẩm, xu thế, tri thức mới nhất của thế giới, đáp ứng sự quan tâm của độc giả trong nước cũng như cộng đồng nước ngoài sống tại thủ đô.
Các bạn trẻ thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp ngay từ khi còn đi học, nên việc đọc các cuốn sách bằng ngôn ngữ gốc không còn là điều quá khó khăn. Gia Linh (lớp 12, trường Quốc tế RGSV) cho biết sở thích đọc sách ngoại văn của bạn đến từ niềm vui được mở rộng vốn từ vựng tiếng Anh, cùng cảm nhận cá nhân rằng việc đọc sách dịch không "phê" bằng thưởng thức sách nguyên bản.
Theo khảo sát của Q&Me về thói quen học ngoại ngữ của người Việt Nam, tiếng Anh là ngôn ngữ được học nhiều nhất, với tỷ lệ 86% số lượng học viên. Về sự "áp đảo" của Anh ngữ, chị Lan đồng thời là đại diện của NXB MM Publications tại Việt Nam, chia sẻ tiếp: "Từ mầm non cho đến người lớn, mọi người đều coi việc học tiếng Anh là cần thiết và sẵn sàng đầu tư giáo trình, sách vở phục vụ cho việc học và làm chủ Anh ngữ".
Là đại diện của nhà xuất bản MM Publications (chuyên sách giáo trình) tại Việt Nam – Blue Horizon có cơ hội tiếp xúc với nhiều đơn vị giảng dạy tiếng Anh trên toàn quốc. Các trung tâm tiếng Anh quy mô vừa và nhỏ được mở ra gần như liên tục khắp mọi tỉnh thành nhằm phục vụ kịp thời nhu cầu học và thi ngôn ngữ của học viên.
Trong bối cảnh này, không khó để lý giải cho xu thế đọc sách ngoại văn như một cách bổ trợ hiệu quả cho việc học, để học viên vừa giải trí vừa luyện tập kỹ năng ngôn ngữ cũng như khám phá nhiều chân trời kiến thức mới mẻ, hữu ích.