Chuyện những phụ nữ vùng cao 'ra khỏi màn sương'
Tục "kéo vợ" của người Mông từng là nét đẹp văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, khi nó được xem là nghi thức mở màn cho việc cưới hỏi. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, điều này chỉ còn phù hợp khi diễn ra trong bối cảnh đôi bên đã "tình trong như đã, mặt ngoài còn e", chứ không phải chỉ xuất phát từ một phía, nhất là phía nhà trai.
Thậm chí, ở mức độ nhất định, mặt trái hay sự biến tướng của tục "kéo vợ" còn dẫn tới tình trạng tảo hôn và khiến nhiều phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số thiếu cơ hội phát triển bình đẳng. Họ không được lao động, được sống với những ước mơ, hoài bão hay được làm chủ cuộc sống của chính mình.
Nhưng cũng có những cô gái như Má Thị Di (sinh năm 2004, người dân tộc Mông) đã vượt lên những định kiến hay tục lệ không còn phù hợp để chọn cho mình một con đường tự do.Câu chuyện của Di đã được phản ánh sinh động và chân thực trong phim Những đứa trẻ trong sương của nữ đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm - bộ phim lọt vào danh sách rút gọn top 15 Phim tài liệu xuất sắc của Oscar 2023.
May mắn không tự nhiên đến
Tại buổi tọa đàm Ra khỏi màn sương diễn ra vào sáng qua 5/7 (tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam), Di cùng mẹ đã kể về hành trình trưởng thành và đưa ra quyết định quan trọng trong cuộc đời mình.
Má Thị Di là con thứ 2 trong gia đình có 3 chị em. Mẹ của Di, chị Châu Thị Say (sinh năm 1982) cũng như bao người phụ nữ Mông khác, đã kết hôn từ tục "kéo vợ". Nhưng đến đời Di, chị Say không để con mình tiếp tục bước vào một cuộc hôn nhân như thế.
Khi bị "kéo", Di mới 14 tuổi. Cô lần đầu được người bạn trai rủ đi chơi, hẹn chờ ở đường để đến đón nhưng sau đó lại gọi người đến bắt Di về nhà. Cô gái còn đang ở tuổi học hành, vui chơi, biết làm điệu và rất ngây thơ bỗng dưng bị lôi kéo "xềnh xệch" trên đường, tơi tả quần áo và hoảng loạn về tinh thần vì chưa hiểu chuyện gì đang xảy đến. Tuy nhiên, cô phản kháng.
"Lúc đấy, em kêu cứu và chị hàng xóm nhìn thấy. Nhưng chị lại không thể can thiệp được, vì nếu làm vậy chị ấy sẽ bị nhà bạn trai kia đánh mà không được phép kháng cự. Vì thế, em đã nhờ chị về nhà gọi mẹ em đến cứu em" - Di nhớ lại.
Mẹ Di thương con nhưng trước tục lệ xưa cũng phải vất vả nghĩ cách. Chị Say đã lựa chọn việc đàm phán. Đàm phán lần 1, 2 bên gia đình để đôi bạn trẻ tự bàn bạc. Khi Di không chịu, chị cho nhà trai "kéo vợ" thêm 20 phút. Khi Di vẫn tiếp tục phản kháng, chị lại đàm phán lần 2 với gia đình nhà trai. Cuối cùng, nhà trai đồng ý từ bỏ chuyện "kéo vợ" với Di.
Nhờ đó, cuộc đời Di đã "sang trang", từ việc được lấy người mình yêu đến thực hiện những ước mơ trong cuộc sống mà mình muốn.
Nhớ lại thời điểm bị "kéo" đi, Di bảo, sự phản kháng của mình có nhiều lý do. Nhưng lớn nhất vẫn là suy nghĩ: Mình chưa tự tin và đủ khả năng làm con dâu nhà người ta.
"Em cảm thấy lúc đó, mình cần đi học hơn. Kể cả lấy nhau về, gia đình chồng đồng ý cho em đi học tiếp thì xung quanh mọi người cũng sẽ xa lánh em. Nghĩ đến việc làm dâu, em nghĩ bản thân mình còn chưa giúp được bố mẹ, đôi khi mình còn cãi lại bố mẹ mình thì sao mà giúp được nhà người ta?" - Di bày tỏ.
Giờ đây, Di đã có gia đình và con nhỏ. Cô và chồng đến với nhau qua tìm hiểu, thích rồi cưới nên không cần ai phải "kéo". Nhà chồng Di có bố và 3 anh em đều học đại học nên rất ủng hộ cho cô đi học. Cuối năm 2022, bố mẹ chồng còn sẵn sàng hỗ trợ vợ chồng cô thực hiện phát triển nghề thổ cẩm truyền thống bằng việc mở xưởng dệt.
Từ đời đến phim
Câu chuyện của Di về hành trình trưởng thành và đưa ra quyết định quan trọng trong đời mình đã được phản ánh sinh động và chân thực trong phim Những đứa trẻ trong sương của nữ đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm. Bộ phim đã giành 34 giải thưởng và đề cử tại các liên hoan phim trên thế giới, đồng thời cũng lọt vào Shortlist - danh sách rút gọn (top 15) giải Oscar - hạng mục Phim tài liệu xuất sắc nhất. Đồng thời, năm 2023 bộ phim đạt giải thưởng Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ 1 trong hạng mục Phim hay nhất - Hạng mục phim châu Á.
Quyết theo đuổi ước mơ
Nhờ có tình yêu thương của bố mẹ và cách xử lý khéo của gia đình mà Di đã thoát khỏi mặt trái của tục "kéo vợ". Dù đằng sau đấy, cả gia đình cô còn phải cùng nhau vượt qua những "điều tiếng" của xóm làng. Tất nhiên, một sự may mắn hơn cả là nhà bạn trai "kéo" Di đã chịu "đầu hàng". Nhưng không phải ai cũng được may mắn như Di. Như lời kể, khi diễn ra trong những trường hợp mong muốn chỉ xuất phát từ phía nhà trai, tục "kéo vợ" thường gây ra những bi kịch.
"Em đã thấy nhiều bạn gái bị trầm cảm sau khi bị "kéo về". Có những người đã tự nhốt mình, không giao tiếp với bên ngoài hàng tuần. Có cả những người tìm đến lá ngón để gây áp lực với gia đình, thậm chí là tự kết thúc cuộc sống vì bế tắc. May mắn thì họ được cấp cứu kịp thời, không may thì qua đời" - Di cho hay - "Cuộc sống từ tục "kéo vợ" cũng khiến nhiều cuộc hôn nhân không có sự hòa hợp, hoặc người phụ nữ sau đó không được bảo vệ trước những ngược đãi từ chính gia đình chồng".
Chưa hết, tục "kéo vợ" như bây giờ còn có những cách thức "hiện đại" như trong câu chuyện của Mùa Thị Mai (sinh năm 2004, dân tộc Mông, đến từ Sơn La). Tại tọa đàm, Mai cho biết: Cô và người bạn thân thời còn đi học của mình đều khát khao được mở rộng tầm mắt với thế giới bằng con đường học hành nhưng rồi bạn của cô cũng đi lấy chồng với tục "kéo vợ" chỉ sau 2 tháng quen bạn trai trên mạng xã hội.
"Nơi em ở (Tà Số, Sơn La), người dân phát triển kinh tế nên đã có nhiều xe cộ. Khi "kéo vợ", họ hẹn chở mình đi chơi nhưng lại dùng ô tô chở thẳng về nhà. Như vậy, mình có phản kháng cũng không ai biết. Bạn em đã lấy chồng vì bị bắt đi như thế. Còn cả một lý do nữa: Gia đình bạn luôn nói rằng, nếu không lấy chồng sớm thì không ai lấy, rồi cũng bị bắt đi thôi" - Mai chia sẻ.
Trong cuộc sống, những người dám theo đuổi ước mơ như Di hay Mai vẫn tiếp tục cuộc hành trình của mình. Mai hiện là sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Di cũng sắp trở lại học năm cuối phổ thông lớp 12 (do gián đoạn vì việc gia đình) và tiếp tục phát triển xưởng dệt.
Với sự phát triển của xã hội hiện nay, cuộc sống của người phụ nữ vùng cao cũng đã có nhiều thay đổi khi có thêm nhiều công việc mới như làm hướng dẫn viên du lịch, mở lớp tiếng Anh cho phụ nữ bản làng. Điều đó, càng thôi thúc những người trẻ như Mai, Di muốn được sống và làm những điều mình yêu thích, bắt đầu từ việc đi học.
"Em đi học với mong muốn biết được quyền năng của phụ nữ là được đi học, đi làm, để không còn phải ấp úng đứng đằng sau lưng đàn ông nữa" - Mai bày tỏ suy nghĩ. Còn ước mơ của Di thì thậm chí xa hơn. Cô muốn phát triển các yếu tố văn hóa dân tộc từ xưởng dệt của mình hoặc mở homestay, qua đó giúp mọi phụ nữ trong làng có công ăn việc làm từ chính văn hóa bản địa.
Tọa đàm Ra khỏi màn sương thực hiện trong khuôn khổ Dự án thành phần số 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em", thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021.
Dự án nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ, và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Giai đoạn I: từ năm 2021 đến 2025 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì thực hiện.