Olympic Paris 2024: Tôi đi săn... Vàng Olympic!

Săn huy chương Vàng trong thể thao đỉnh cao không hề là chuyện đơn giản. Săn Vàng tại đấu trường số 1 hành tinh là Olympic dĩ nhiên lại càng khó hơn, nhất là với nền thể thao còn đang phát triển như Việt Nam. Nhưng nếu như chúng ta đã từng làm được kỳ tích đó, thì rõ ràng, chẳng ai đánh thuế giấc mơ cả.

Những lời nhắn nhủ này không chỉ dành cho các vận động viên và huấn luyện viên sẽ góp mặt ở Olympic Paris vào mùa Hè tới, mà cả những anh em phóng viên Việt Nam sẽ có hơn 2 tuần tác nghiệp trên đất Pháp. Biết đâu đấy, Thế vận hội Paris 2024 sẽ xuất hiện một Hoàng Xuân Vinh thứ hai. Như ở Rio 2016…

* Lần đầu của phóng viên tay mơ…

Dù đã có thâm niên trong nghề, nhưng quả thật, tôi rất phục cánh phóng viên thể thao trẻ hiện nay, những người đã rất quen tác nghiệp một mình, có thể làm 3, 4 việc cùng một lúc như viết tin báo giấy, đẩy bài online, chụp ảnh, quay phim, livestream hiện trường, cũng như dựng video rất nhanh và thành thạo.

Còn với một phóng viên chuyên viết thể thao quốc tế và lần đầu tác nghiệp tại Oympic như tôi, việc công tác một mình ở một quốc gia cách Việt Nam nửa vòng trái đất, với thứ ngôn ngữ Bồ Đào Nha khá xa lạ (tất nhiên, họ có nói tiếng Anh nhưng không nhiều) rõ ràng là một sứ mệnh nặng nề. Những ngày đầu ở Olympic Rio 2016 quả thực khó khăn: Từ việc sim 4G bị lỗi, cho đến không thể vào thánh địa Maracana ở lễ khai mạc vì đông khủng khiếp cho đến những quy định cực khắt khe của ban tổ chức về quay phim, chụp ảnh.

Nhưng rồi sau khi mọi thứ vào guồng, chuyến công tác ấy đã trở nên thú vị hơn rất nhiều khi được trực tiếp khám phá nhiều điều mới lạ ở xứ sở Samba, được "tập thể dục miễn phí" khi rảo bộ hàng km giữa các địa điểm thi đấu với hành trang là chiếc ba lô chứa máy ảnh, máy quay, laptop,… trên lưng. Tôi đã hơn một lần bị ban tổ chức nhắc nhở, thậm chí dọa tịch thu thẻ tác nghiệp vì hở ra một chút là lôi máy quay ra… quay trộm! Còn cánh tình nguyện viên thì gọi tôi là "gã Japonês rắc rối" (có lẽ tôi nom cũng hơi giống người Nhật).

Tôi đi săn... Vàng Olympic! (báo tết) - Ảnh 1.

Tác giả (phải) và xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, người hùng ở Olympic 2016

Chuyến đi ấy cũng giúp tôi quen biết khá nhiều các nhân vật trong giới thể thao. Từ vị trưởng đoàn mát tay Trần Đức Phấn, chị Nguyễn Thị Nhung - HLV trưởng đội tuyển bắn súng Việt Nam, đô cử Thạch Kim Tuấn, kình ngư Ánh Viên và ông thầy Nguyễn Anh Tuấn, cặp đôi cầu lông Vũ Thị Trang - Tiến Minh, những người đã tự đóng vai… HLV cho nhau mỗi khi thi đấu, hay "hot boy" TDDC Phạm Phước Hưng. Và tất nhiên, cả người hùng Hoàng Xuân Vinh – chủ nhân hai tấm huy chương lịch sử (1 HCV, 1 HCB) tại Olympic Rio 2016 nữa.

Từ săn Vàng đến săn Bạc

Nhắc đến xạ thủ Hoàng Xuân Vinh mới nhớ. Nếu có điều tiếc nuối lớn nhất của tôi tại Olympic Rio 2016 thì đó chính là việc không thể có mặt trực tiếp ở trường bắn Deodoro vào thời khắc nam xạ thủ Quân đội này đánh bại Felipe Almeida Wu (Brazil) ở loạt bắn cuối cùng để mang về tấm HCV lịch sử tại nội dung 10 mét súng ngắn hơi nam.

Ngày hôm đó, 6/8/2016, tôi đã buộc phải đưa ra lựa chọn: Ở lại Barra da Tijuca để theo dõi nữ kình ngư trẻ Ánh Viên thi đấu nội dung 400m cá nhân hỗn hợp, hay đi gần 30 km sang trường bắn Deodoro theo dõi bắn súng. Không biết có phải thời điểm ấy, Ánh Viên là cái tên hot hơn hay không, mà tôi quyết định ở lại, giống như một số phóng viên Việt Nam khác. Đội phóng viên của VTV có 3 người thì chia đôi: Anh Quốc Hùng và quay phim ở lại trung tâm thể thao dưới nước, trong BTV Tuấn Anh thì sang Deodoro. Hôm ấy, Ánh Viên xếp thứ 9 ở vòng loại, về sau người đứng trên Emily Overholt chỉ 0,31 giây, nên hụt vé vào chung kết đầy đáng tiếc.

Một phóng viên Việt Nam khác cũng rất may mắn khi cùng anh Tuấn Anh có mặt ở Deodoro trong thời khắc lịch sử khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành HCV là nhà báo Huy Đăng của báo Tuổi trẻ. Thực tế, chính Huy Đăng là người đã quay đoạn clip phỏng vấn anh Hoàng Xuân Vinh phát trên Bản tin thể thao của VTV tối hôm ấy, bằng handy cam cho BTV Tuấn Anh dẫn hiện trường. Đến bây giờ nhắc lại chuyện cũ, cậu em vẫn còn tự hào lắm, còn tôi thì dĩ nhiên là cực kỳ tiếc nuối.

Rút kinh nghiệm từ vụ săn Vàng hụt ấy, tôi bám sát HLV Nguyễn Thị Nhung, và cả trưởng đoàn Trần Đức Phấn nữa, và luôn coi Deodoro là điểm đến ưu tiên của mình, bởi Hoàng Xuân Vinh còn thi đấu ở nội dung 50m súng ngắn vào ngày 10/8 nữa. Lần này, dù không thể vượt qua được người đang giữ kỷ lục thế giới là ngôi sao Jin Jong Oh (Hàn Quốc), song tấm huy chương Bạc của Hoàng Xuân Vinh cũng là rất ấn tượng.

"Cái môn bắn súng này, sự giữ tập trung và phản xạ là quan trọng lắm. Đôi khi giữa thành công kỳ diệu và thất bại thảm hại là rất mong manh", HLV Nguyễn Thị Nhung đã chia sẻ với tôi như thế sau khi hai chị em ăn mừng trên khán đài.

Tôi đi săn... Vàng Olympic! (báo tết) - Ảnh 2.

Một phương án khi tác nghiệp một mình: tự đặt máy quay để dẫn hiện trường

Điều khiến tấm HCB ấy cũng rất đáng quý, như lời HLV Nguyễn Thị Nhung, là bởi ít người kỳ vọng vào nó. Dù vừa đoạt HCV 10m súng ngắn hơi nam, nhưng nội dung 50m súng ngắn lại không phải sở trường của Xuân Vinh. Trên bảng xếp hạng của Liên đoàn bắn súng thế giới, Jin Jong oh còn là xạ thủ số một trong khi Hoàng Xuân Vinh đứng thứ 20. Song xạ thủ Quân đội đã có giải đấu để đời bởi sự chính xác và điềm tĩnh, từ những buổi tập cho đến khi thi đấu chính thức.

Săn Vàng ở Paris, tại sao không?

Đại dịch Covid khiến phần đông cánh phóng viên Việt Nam cũng như từ nhiều nước trên thế giới, không thể trực tiếp tác nghiệp được tại Olympic Tokyo 2020 (thực chất là diễn ra vào năm 2021 vì đại dịch). Nhưng bây giờ, khi trạng thái bình thường đã trở lại, cơ hội săn Vàng lại mở ra.

Kể từ khi võ sĩ Trần Hiếu Ngân giành tấm huy chương đầu tiên cho đoàn Thể thao Việt Nam trong lịch sử tham dự Olympic với ngôi á quân Taekwondo ở Sydney 2000, thành tích của đoàn thể thao Việt Nam tại Thế vận hội đã đi theo sơ đồ hình sin. Chúng ta đã trắng tay ở Athens 2004, giành HCB ở Bắc Kinh 2008 (Hoàng Anh Tuấn, cử tạ 56 kg), trắng tay ở London 2012 (Trần Lê Quốc Toàn chỉ nhận HCĐ 10 năm sau, do lực sĩ giành HCĐ là Valentin Hristov dương tính với doping), lên đỉnh ở Rio 2016 (1 HCV, 1 HCB của Hoàng Xuân Vinh). Và tại Tokyo 2021, đoàn Thể thao Việt Nam không giành được huy chương nào.

Kịch bản nào ở Paris 2024? Hiện tại, Thể thao Việt Nam mới có 3 VĐV chắc chắn tham dự là Nguyễn Thị Thật (xe đạp đường trường), Trịnh Thu Vinh (súng ngắn 10m hơi nữ), và Nguyễn Huy Hoàng (bơi 800m tự do nam). Những tháng tới sẽ là những cuộc chạy đua quyết liệt nhằm đạt chuẩn A Olympic. Và sau những gì đã diễn ra ở ASIAD vừa qua, (đoàn Thể thao Việt Nam giành 3 HCV, xếp thứ 21 châu Á và thứ 6 Đông Nam Á), không nhiều người cảm thấy lạc quan. Nhưng chính Hoàng Xuân Vinh từng gây thất vọng tràn trề ở ASIAD 16, và Olympic London 2012. Vậy mà anh đã lập kỳ tích trên đất Brazil. Dù thể thao có những ngưỡng khó vượt qua về mặt thể chất, nhưng vẫn có môn thể thao mà những người tưởng như yếu thế vẫn có thể nghĩ đến vinh quang. Chỉ cần nỗ lực hết sức, có kế hoạch rõ ràng, cộng thêm một chút may mắn.

Lạc lối ở Charles de Gaulle

Trong hành trình từ Việt Nam qua Brazil, tôi đã có kỷ niệm nhớ đời ở Charles de Gaulle, sân bay mà sắp tới cánh phóng viên tác nghiệp ở Olympic Paris 2024 sẽ đặt chân tới.

Dù đã được cảnh báo trước về sự rộng lớn của Charles de Gaulle, tọa lạc trên diện tích 32,28 km2, nhưng tôi vẫn được phen hú hồn khi transit tại đây bởi quãng thời gian quá ngắn, mà tôi suýt lên nhầm tàu khi di chuyển từ Ga 2 sang Ga 3. Tại Charles Gaulle, để di chuyển từ ga nọ sang ga kia thôi cũng phải trung chuyển qua hệ thống tàu điện có tên CDGVAL.

Ở lượt về, dù thời gian transit dài hơn vài tiếng, song vì ngại bị lạc, nên tôi cũng chỉ dám quẩn quanh trong sân bay và mua sắm chút đồ trước khi về nước.


Tuấn Cương/Thể thao Văn hóa Xuân Giáp Thìn

Link gốc: TTVH