Bắc Ninh: Tiếp tục tăng cường hoạt động thu hút đầu tư cho công nghiệp văn hóa

Ngày 22/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương. 

Tại điểm cầu Bắc Ninh, đồng chí Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các Sở, ngành liên quan dự.

Bắc Ninh: Tiếp tục tăng cường hoạt động thu hút đầu tư cho công nghiệp văn hóa - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị

Báo cáo tại hội nghị cho biết, Việt Nam hiện có hơn 70 nghìn cơ sở đang hoạt động có liên quan đến các ngành công nghiệp văn hóa, thu hút khoảng 2,3 triệu lao động, chiếm tỷ trọng 4,42% trong tổng lực lượng lao động của nền kinh tế. Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp ước bình quân đạt hơn 1 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD). 

Tại tỉnh Bắc Ninh, nhiệm vụ xây dựng, bảo tồn và phát triển văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc luôn giữ vai trò quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế. Thời gian qua, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều cơ chế chính sách để phát huy tối đa các nguồn lực, lợi thế của tỉnh trong phát triển công nghiệp văn hóa, tập trung đầu tư vào các lĩnh vực cụ thể như: Điện ảnh; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; quảng cáo; Du lịch văn hóa. Thu hút các doanh nghiệp và kinh phí đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, các sản phẩm văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng.

Bắc Ninh: Tiếp tục tăng cường hoạt động thu hút đầu tư cho công nghiệp văn hóa - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh để công nghiệp văn hóa nước ta sớm phát triển nhanh, bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy đến hành động, đổi mới tư duy, đột phá trong cách làm, xây dựng ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam "Sáng tạo - Bản sắc - Độc đáo - Chuyên nghiệp - Cạnh tranh”. Đồng chí đề nghị, các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn; chủ động, phối hợp chặt chẽ, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp văn hóa; Khuyến khích mọi sự tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo; chú trọng những ngành có nhiều tiềm năng, lợi thế, phấn đấu đến năm 2030 giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP.

Kết luận tại điểm cầu Bắc Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang đề nghị hội nghị tiếp thu, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả kết luận của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương và toàn xã hội về vị trí, vai trò của ngành công nghiệp văn hóa; Tiếp tục tăng cường hoạt động thu hút đầu tư trong lĩnh vực văn hóa, du lịch gắn với lịch sử, địa lý, truyền thống, di tích làng nghề. Đồng thời, quan tâm phục hồi và phát triển kinh tế làng nghề, văn hóa làng nghề gắn với phát triển du lịch để khu vực làng nghề trở thành khu vực đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế.

Khôi Nguyên

Link gốc: TTVH