Ngẫm ngợi cuối tuần: Của làm ra...

Từ khi hiểu được chữ nghĩa, tôi đã nghe được ở mẹ câu thành ngữ: "Của làm ra là của trong nhà, của ông bà là của ngoài sân, của phù vân nó có chân nó chạy". Nghe thế biết thế chứ hiểu sâu sắc thì chưa. Đã có gì chiêm nghiệm để mà hiểu.

Lớn lên quan sát bố mẹ lo toan cuộc sống, tôi nhận ra dần thế nào là "của làm ra". Mua một vật dụng gì trong nhà, bố mẹ cũng bàn nhau cân nhắc cái gì mua trước, cái gì sau. Mà đó là vật dụng hàng ngày như thúng, mủng, dần, sàng thiết thực cả. Mua sắm vì nhu cầu chứ không tùy hứng thấy thích mắt là mua. Thường cái gì lưỡng dụng thì được ưu tiên mua trước. Những thứ mà tay làm được thì không mua, mà cố tự làm lấy.

Rồi tôi dần nhận ra vật dụng nào cũng chứa đựng mồ hôi và sức lao động của cha mẹ mới thành. Do vậy mà đi làm về, cái xảo (rổ lớn, nan thưa) được chao rửa sạch, thúng, mủng xếp góc cao, nong, nia dựng nơi khô ráo, không để tùy tiện.

Ngẫm ngợi cuối tuần: Của làm ra... - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Đấy tất cả là "của làm ra". Của làm ra được giữ gìn cẩn thận. Ai mượn mõ phải hỏi. Mượn dùng xong phải trả tinh tươm. Rõ ràng, "của làm ra là của trong nhà" được bảo quản, giữ gìn vì nó là giá trị của lao động, giá trị của cải của chính mình.

Trong gia đình hình thành dần thái độ ứng xử trân trọng với đồ dùng vật dụng. Sự hình thành đó tự nhiên ví dụ như tập tục của người Mông: Ngày Tết, cuốc xẻng dao rựa đươc lau rửa sạch sẽ, dán hoa giữ vía, tất cả được đặt dưới bàn thờ để "nó được ăn Tết" như mọi người. Vật dụng được đối xử như con người.

"Của trong nhà" được trân trọng bảo vệ và giữ gìn như vậy bởi nó là của làm ra, hàm chứa mồ hôi và sức lao động mới có.

Loại của thứ 2 là "Của ông bà" để lại. Tài sản này không do tay mình làm ra. Phần lớn là những thứ đã cũ, ít giá trị. Hơn nữa, nó không phải là mồ hôi nước mắt của mình nên không dễ thấm giá trị của nó. Của này dễ dùng và cũng dễ bỏ. Còn tiền bạc thì cũng dễ tiêu hoang phí. Gọi là  giá trị để "ngoài sân" là vậy.

Còn "của phù vân" là thứ của cải trôi nổi không thuộc về mình. Phù là nổi, vân là mây. Hình ảnh thứ của cái này như đám mây trôi nổi, hiện ra rồi cũng tan nhanh. Ta hiểu nó giống như tài sản đến với mình từ tham nhũng, biếu xén, trộm cắp… mà có, không minh bạch, không chính đáng, và nó sẽ đi đường của nó. Người xưa minh triết trong cuộc sống "nó có chân nó chạy".

Thành ngữ xa xưa đã tổng kết thành đạo lý vậy!

Họa sĩ Đỗ Đức

Link gốc: TTVH