Góc nhìn 365: Ba thập niên của di sản thế giới

Chúng ta sắp đón một cột mốc đặc biệt vào ngày 17/6 tới, khi cố đô Huế chính thức tổ chức lễ kỷ niệm tròn 30 năm nhận danh hiệu Di sản Thế giới từ UNESCO. Đáng nói, đây cũng là Di sản Thế giới đầu tiên tại Việt Nam.

Ít người biết, sau thời điểm gia nhập "Công ước Bảo vệ Di sản Văn hoá và Thiên nhiên Thế giới" vào năm 1987, phía Việt Nam cũng đã rất tích cực xây dựng và trình UNESCO 5 bộ hồ sơ của các di sản văn hóa, di sản thiên thiên khác nhau.

Cụ thể, 5 di sản này bao gồm khu di tích và danh thắng Hương Sơn (Hà Tây cũ), khu di tích Đinh - Lê ở Hoa Lư (Ninh Bình), khu rừng quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), khu danh lam thắng cảnh Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và khu di tích Huế.

Góc nhìn 365: Ba thập niên của di sản thế giới - Ảnh 1.

Quần thể Di tích Cố đô Huế tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ảnh: Đỗ Trưởng – TTXVN

Như nhận xét của những người trong cuộc, ở bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế và ngoại giao, nỗ lực này đã cho thấy ý thức đặc biệt từ phía Việt Nam đối với hệ thống di sản của mình.

Để rồi, sau khi UNESCO công nhận quần thể di tích cố đô Huế là Di sản Thế giới vào cuối năm 1993, đến lượt vịnh Hạ Long cũng nhận danh hiệu này chỉ một năm sau đó. Thêm 4 năm sau nữa, Việt Nam tiếp tục có 2 Di sản Thế giới là phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn. Rồi, từ thập niên 2000, việc mở rộng tiếp cận với các khái niệm Di sản văn hóa Phi vật thể, Di sản Tư liệu… khiến chúng ta liên tục có thêm những danh hiệu mới.

***

Đến giờ, với hơn 30 di sản được UNESCO công nhận (chưa kể tới các danh hiệu về công viên địa chất hay khu dự trữ sinh quyển thế giới), không thể phủ nhận, Việt Nam đã có một hệ thống thương hiệu đặc biệt gắn với "vốn quý" di sản.

Góc nhìn 365: Ba thập niên của di sản thế giới - Ảnh 2.

Du khách đến tham quan các điểm trong Quần thể Di tích Cố đô Huế. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Đơn cử, sau năm 1993, cố đô Huế cũng lần lượt sở hữu thêm 4 danh hiệu thế giới khác, với Nhã nhạc cung đình Huế (Di sản Văn hóa Phi vật thể), Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn (Di sản Tư liệu Thế giới) và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (Di sản Tư liệu Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương).

Thậm chí, ở một góc độ khác, sự đa dạng trong lựa chọn xây dựng và đề cử hồ sơ di sản lên UNESCO cũng cho thấy tiềm năng - và cả kinh nghiệm - của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Chẳng hạn, sau khi lỡ hẹn ở đợt "ứng thí" năm 1993, khu di tích Đinh - Lê tại Ninh Bình đã trở thành một phần quan trọng của quần thể danh thắng Tràng An - được UNESCO vinh danh vào năm 2014 theo loại hình di sản hỗn hợp. Hoặc, quần thể di tích cố đô Huế cũng đang được lên kế hoạch trình UNESCO tái công nhận danh hiệu Di sản Thế giới với việc bổ sung yếu tố cảnh quan tự nhiên (đôi bờ sông Hương) vốn không có trong lần vinh danh đầu.

Nhìn lại ba thập niên, để khẳng định một thực tế: Chúng ta đã có những bước đi rất dài và thật sự đáng tự hào trong các lĩnh vực này. Và nếu để mọi thứ trọn vẹn hơn, đó sẽ là câu chuyện về cách bảo tồn, cũng như phát huy trọn vẹn mọi giá trị của hệ thống Di sản Thế giới tại Việt Nam. Bởi, cũng cần nhắc lại: trên thực tế, trong những năm qua, giới chuyên môn cũng đã nhiều lần nhắc tới việc nhiều di sản tại Việt Nam vẫn chưa được bảo tồn và khai thác hết tiềm năng hiện có…

Trí Uẩn

Link gốc: TTVH