Khai thác các giá trị, phát triển không gian văn hóa sáng tạo khu vực Tây Hồ
Tây Hồ được biết đến là vùng đất cổ phía Tây kinh thành Thăng Long xưa, nơi lưu giữ hệ thống di sản văn hóa phong phú, các làng cổ, làng nghề truyền thống từ nhiều đời nay, đặc biệt là cảnh sắc hồ Tây nên thơ gắn với nhiều huyền thoại.
Trước lợi thế đó, quận Tây Hồ đang tập trung khai thác, phát huy giá trị văn hóa, cảnh quan tự nhiên để phát triển các không gian văn hóa sáng tạo, phục vụ người dân và khách du lịch, tập trung chủ yếu tại khu vực hồ Tây.
“Đánh thức” tiềm năng văn hóa Tây Hồ
Nhắc tới Tây Hồ là nhắc đến hồ Tây mênh mang sóng nước gắn với những huyền tích độc đáo, hệ thống di tích dày đặc và cảnh quan nên thơ. Quanh hồ Tây là một vùng trầm tích văn hóa với hơn 20 di tích lịch sử mang dấu ấn đậm nét của Kinh thành Thăng Long ngàn năm văn hiến như: Chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ, đền Đồng Cổ... cùng với những lễ hội đặc sắc và làng nghề truyền thống: Giấy dó Yên Thái, hoa đào Nhật Tân, quất cảnh Tứ Liên, trồng sen và ướp trà sen Quảng An, xôi Phú Thượng…
Từ lợi thế của mảnh đất đậm dấu tích văn hóa, cảnh quan đẹp, Tây Hồ hình thành nên nhiều không gian văn hóa, sinh thái hấp dẫn. Khu vực Nhật Tân với những vườn đào thắm sắc mỗi dịp Tết đến, những vườn hoa rực rỡ sắc màu trở thành điểm hẹn của nhiều du khách đến tham quan. Vườn hoa bãi đá sông Hồng, Thung lũng hoa hồ Tây không chỉ khẳng định hình ảnh đối với người dân Thủ đô mà đông đảo du khách các tỉnh, thành phố khác cũng đến trải nghiệm. Các đầm sen ven hồ Tây tỏa sắc vào mùa hè cũng là điểm hẹn của nhiều người trẻ. Đặc biệt, hồ Tây ở bất kể thời gian nào trong năm, bất kể thời khắc nào trong ngày đều mang nét đẹp, hấp dẫn và thi vị riêng không thể lẫn. Đó chính là bản sắc có khả năng hình thành nên một không gian văn hóa có giá trị độc nhất mang tên Không gian văn hóa sáng tạo hồ Tây.
Để khai thác các giá trị văn hóa, cảnh quan ven hồ Tây, đồng thời đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân và du khách, quận Tây Hồ đã xây dựng Không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn. Dù còn nhiều vấn đề cần hoàn chỉnh song không gian này đã từng là điểm hẹn của hoạt động văn hóa nghệ thuật, nơi giới thiệu ẩm thực đặc trưng của quận Tây Hồ và Hà Nội, thu hút một lượng đáng kể khách tham quan.
Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết, quận Tây Hồ đang tập trung xây dựng không gian văn hóa sáng tạo đặc trưng, không chỉ nhằm phục vụ vui chơi, giải trí cộng đồng, mà hơn hết, những không gian đó sẽ "đánh thức" nguồn lực và lợi thế của hồ Tây. Các không gian khi được hình thành sẽ khai thác toàn diện hệ sinh thái tiềm năng tại khu vực này, đặc biệt là những giá trị văn hóa lịch sử, phù hợp điều kiện thực tiễn và xu hướng phát triển hiện nay, đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô, du khách. Quận xác định, xây dựng không gian văn hóa sáng tạo hồ Tây cần lấy nền tảng là yếu tố văn hóa lịch sử gắn với đặc trưng của khu vực hồ Tây.
Thúc đẩy phát triển các không gian văn hóa sáng tạo
Xác định khai thác tiềm năng văn hóa lịch sử, cảnh quan để phát triển các không gian văn hóa sáng tạo, quận Tây Hồ đang tập trung nguồn lực tổ chức thực hiện. Đây cũng là phương thức để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, tăng khả năng thu hút khách du lịch đến với Tây Hồ thời gian tới.
Với một hệ thống di tích phong phú, quận Tây Hồ tiếp tục đầu tư quy hoạch, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn nhằm bảo vệ và phát huy giá trị điểm đến du lịch. Quận đầu tư xây dựng các không gian văn hóa sáng tạo gắn với di sản và công trình có giá trị di sản như: Không gian văn hóa sáng tạo trình diễn nghệ thuật truyền thống và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt tại phủ Tây Hồ, không gian văn hóa sáng tạo trải nghiệm nghề làm giấy dó truyền thống của làng Yên Thái xưa gắn với di tích lịch sử đình Trích Sài, không gian văn hóa sáng tạo trải nghiệm nghề truyền thống xôi Phú Thượng gắn với di tích lịch sử đình Phú Gia...
Một số vườn hoa trên địa bàn sẽ được đầu tư cải tạo với cách tiếp cận về thiết kế mang tính đương đại, đảm bảo gìn giữ và phát huy giá trị di sản nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu hiện tại của người dân về không gian công cộng văn minh, hài hòa, chất lượng cao. Quận Tây Hồ đang nghiên cứu, xin chủ trương thành phố về việc tổ chức chỉnh trang, nâng cấp Vườn hoa Lý Tự Trọng gắn với xây dựng Công viên Sách Tây Hồ và cải tạo 2 nhà biệt thự cũ tại đây để triển khai điểm thông tin dịch vụ du lịch văn hóa của quận và thành phố.
Đây sẽ là những công năng mới nhằm bảo tồn các công trình cũ mang dấu ấn lịch sử để lưu giữ ký ức đô thị. Mặt khác, chính nơi này sẽ là một không gian văn hóa sáng tạo mới mang nét độc đáo, hấp dẫn riêng có của Tây Hồ, góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của người dân, tạo nên sức hút đối với khách du lịch khi đến với Hà Nội nói chung, Tây Hồ nói riêng.
Đặc biệt, quận Tây Hồ sẽ tổ chức gắn kết các địa danh, di tích lịch sử văn hóa, điểm du lịch xung quanh Hồ Tây như: Bãi đá sông Hồng, Thung lũng hoa hồ Tây, Phố đi bộ Trịnh Công Sơn để hình thành những tuyến du lịch hoàn chỉnh, kết hợp du lịch văn hóa tâm linh, du lịch xanh, du lịch trải nghiệm, du lịch đêm... Quận tiếp tục phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch tổ chức tốt sự kiện, lễ hội và hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao trong chuỗi hoạt động chung của thành phố được tổ chức tại các không gian văn hóa, phố đi bộ trên địa bàn.
Bên cạnh đó, quận Tây Hồ đang phối hợp nghiên cứu phát triển khu vực bãi bồi ven sông Hồng nhằm khai thác tiềm năng cảnh quan thiên nhiên xây dựng công viên văn hóa du lịch với nhiều hình thức vui chơi giải trí hấp dẫn như cắm trại, bay khinh khí cầu... đáp ứng nhu cầu giải trí mới của người dân và khách du lịch.
Theo lãnh đạo quận Tây Hồ, xây dựng các không gian văn hóa sáng tạo sẽ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân, tạo sức hấp dẫn cho quận Tây Hồ, lan tỏa cảm hứng sáng tạo, ý thức bảo tồn văn hóa lịch sử trong mỗi người dân và du khách. Đó cũng là yếu tố quan trọng để xây dựng hình ảnh quận Tây Hồ đẹp hơn, hấp dẫn hơn, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm vùng đất này.