Cảnh báo người dùng cần hạn chế chia sẻ hình ảnh, thông tin cá nhân lên mạng xã hội

Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 9/2023, chiều tối 6/9, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã trả lời một số nội dung liên quan đến việc bảo đảm an toàn thông tin khi sử dụng ứng dụng chỉnh sửa ảnh; cảnh giác tình trạng lừa đảo qua quét mã QR...

Sử dụng ứng dụng chỉnh sửa ảnh tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thông tin

Trả lời câu hỏi về việc bảo mật an toàn thông tin khi sử dụng các ứng dụng chỉnh sửa ảnh, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do cho biết: Việc sử dụng các ứng dụng sửa ảnh anime có rất nhiều rủi ro về an toàn thông tin. Với việc yêu cầu ứng dụng được truy cập vào kho ảnh, hình dáng, khuôn mặt, email..., nhà sử dụng có thể sẽ sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Kẻ xấu có thể sử dụng thông tin đó để đánh cắp tài khoản. Việc ứng dụng chính sửa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thông tin. Một trong những cuộc gọi lừa đảo phổ biến hiện nay là sử dụng deepface.

Người dùng cần hạn chế chia sẻ hình ảnh, thông tin cá nhân lên mạng xã hội - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Do đó, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử khuyến cáo người dân cần hạn chế chia sẻ hình ảnh thông tin cá nhân trên mạng xã hội; sử dụng các ứng dụng uy tín, đồng thời đọc kỹ các điều khoản trước khi sử dụng, không dùng hình ảnh nhạy cảm; xem xét các quyền ứng dụng yêu cầu truy cập, nên hạn chế, kiểm soát việc truy cập trên điện thoại thông minh. Đồng thời, khi sử dụng các nền tảng yêu cầu cung cấp thông tin người dùng phải đọc kỹ trước khi chấp nhận - ông Lê Quang Tự Do khuyến cáo.

Liên quan đến định danh mạng xã hội, ông Lê Quang Tự Do cho biết thêm, tầm quan trọng sự cần thiết xác thực tài khoản mạng xã hội để chống lại lừa đảo, chống lại nhận thức sai lầm không gian mạng là không gian ảo.

Sẽ công bố kết quả kiểm tra TikTok vào thời điểm thích hợp

Thông tin về công tác đấu tranh với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, thông tin từ Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho thấy kết quả từ 1 đến 21/8/2023, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 295 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức (tỷ lệ đáp ứng 90%). TikTok đã gỡ bỏ 30 link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực (tỷ lệ đáp ứng 92%). Google đã gỡ 764 video vi phạm trên Youtube (tỷ lệ đáp ứng 95%). Đặc biệt, Google đã gỡ 5 kênh (chứa 18.900 video) chống phá Đảng, Nhà nước có lượt đăng ký và lượt xem rất lớn.

Về kết quả kiểm tra TikTok, ông Lê Quang Tự Do cho biết chưa có kết quả cụ thể do liên quan đến nền tảng xuyên biên giới có nhiều phức tạp hơn so với các doanh nghiệp trong nước. Hiện nay đã đến giai đoạn cuối cùng, "chốt" cam kết với nền tảng này. Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử sẽ công bố vào thời điểm thích hợp.

Người dùng cần hạn chế chia sẻ hình ảnh, thông tin cá nhân lên mạng xã hội - Ảnh 2.

Mạng TikTok

Xử lý nghiêm vi phạm bản quyền bóng đá

Đối với việc bảo vệ bản quyền giải Bóng đá ngoại hạng Anh, ông Lê Quang Tự do cho biết: Cục đã làm việc với K+; phía đối tác đánh giá Việt Nam là một trong những nước bảo vệ bản quyền giải ngoại hạng Anh tốt nhất.

Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng khi các doanh nghiệp viễn thông ngăn chặn các website lậu, các trang web này đổi tên miền rất nhanh chóng. Đây là cuộc chiến vô cùng cam go. Thời gian tới, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ không dừng lại ở mức xử phạt hành chính mà thực thi ở mức cao hơn - ông Lê Quang Tự Do cho biết.

Người dùng cần hạn chế chia sẻ hình ảnh, thông tin cá nhân lên mạng xã hội - Ảnh 3.

Việc quét mã QR tiềm ẩn nhiều nguy cơ bảo mật. Ảnh: Muo

Cảnh giác tình trạng lừa đảo qua quét mã QR

Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, bên cạnh tình trạng mã QR thanh toán tại các cửa hàng bị dán đè khiến tiền chuyển về tài khoản kẻ gian, thời gian vừa qua, hiện tượng mã QR độc hại bị phát tán dễ dàng trong các bài viết, hình ảnh thông qua các ứng dụng nhắn tin, diễn đàn, hội nhóm trên mạng xã hội, đặc biệt là trong các màn phát sóng trực tiếp (livestream) cũng được báo chí phản ánh trong thời gian gần đây. Khi người xem quét mã sẽ bị chuyển hướng đến các trang quảng cáo cờ bạc kèm mã độc có thể bị cài đặt vào điện thoại.

Làm rõ thêm về nội dung này, ông Nguyễn Duy Khiêm, đại diện Cục An toàn thông tin cho biết: Mã QR đang phổ biến trên toàn thế giới, nhất là sau đại dịch COVID-19. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong năm 2022, mã QR tăng cả số số lượng và giá trị. Về số lượng, thanh toán qua mã tăng 225%, về giá trị tăng 243% so với năm 2021.

Phương thức thanh toán này ngày càng quen thuộc với người dân. Tình trạng lừa đảo bằng mã QR code tăng mạnh trên thế giới. Ở Việt Nam cũng xuất hiện tình trạng này. Trong tháng 8/2023, một số ngân hàng đã phát đi cảnh báo tình trạng lừa đảo thẻ tín dụng thông qua mã QR. Theo đó, đối tượng lừa đảo đã chuyển mã QR tới website giả mạo để chiếm tài khoản của người dùng. So với đường link độc hại truyền thống, mã QR có lợi thế là có thể chèn trực tiếp vào email, tin nhắn mà không bị các bộ lọc chặn lại, từ đó dễ dàng tiếp cận người dùng - đại diện Cục An toàn thông tin nhận định.

Để phòng tránh lừa đảo qua mã QR, Cục An toàn thông tin khuyến nghị người dân cần thận trọng khi quét mã, nhất là các mã sử dụng ở nơi công cộng hoặc chia sẻ qua mạng xã hội, email. Người dùng cũng cần xác định, kiểm tra kỹ thông tin tài khoản người chuyển mã QR, cũng như nội dung trang web mà mã QR đưa tới; kiểm tra đường link xem có bắt đầu với "https" và có phải tên miền quen thuộc hay không. Bên cạnh đó, người dùng tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân, như: tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội; cần sử dụng trình quản lý mật khẩu, xác thực 2 yếu tố và các phương thức bảo vệ khác cho tài khoản. Ông Nguyễn Duy Khiêm khuyến cáo người sử dụng và đề nghị các cơ quan đơn vị cung cấp mã cần có cảnh báo người dùng, đưa ra các giải pháp xác minh đối với giao dịch bất thường, thường xuyên kiểm tra các mã ở công cộng.

Phúc Hằng/TTXVN

Link gốc: TTVH