Xem tranh trừu tượng của Đặng Mậu Tựu
Triển lãm "Hạt bụi nhân gian" của họa sĩ Đặng Mậu Tựu đang diễn ra tại 16 Ngô Quyền, Hà Nội và sẽ kết thúc vào ngày 2/11 tới. Xem tranh trừu tượng của Đặng Mậu Tựu, họa sĩ Đỗ Đức có những cảm xúc đặc biệt. Xin trân trọng giới thiệu bài viết của ông.
1. Có một lần tôi chụp cận cảnh cái lá cây rơi trên đường. Tôi đem phóng to bức ảnh. Nhận ra, trên mặt chiếc lá chỗ khô xác, chỗ nâu xậm, chỗ vàng hoe và chỗ thì còn xanh diệp lục. Trên "bức tranh" đó, nếu xét về màu sắc thì nó đang có 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông luân chuyển. Một chiếc lá khô mà nó có tiếng nói về cuộc sống như một tác phẩm nghệ thuật.
Đó là tác phẩm nghệ thuật thiên nhiên. Còn tranh trừu tượng thì như là một phái sinh từ thiên nhiên, mặc dầu các họa sĩ không chủ định chép thiên nhiên, mà chỉ là phút rung cảm thể hiện cảm xúc của mình từ vô thức và những cảm nhận màu sắc và không gian đó đã bật ra. Hình như những va đập trong kí ức qua nhiều năm tháng của các thế hệ nó hình thành gene trong não người, và sẽ bung ra khi có cơ hội.
Tranh vẽ cơ bản chỉ có hai dòng chính song hành thôi, là hiện thực và trừu tượng. Một hiện thực thu vén qua tích lũy tạo hình qua cái nhìn chủ quan, bắt chước hiện thực. Còn dòng trừu tượng là của vô thức hiện lên qua cảm xúc mơ hồ của người vẽ trong dòng chảy của cuộc sống, muốn tái hiện lại vũ trụ theo quan niệm của họa sĩ.
Tranh trừu tượng luôn khó xem. Không chỉ đơn thuần là sự u uẩn của tác giả, mà còn là cả tiềm thức của bao nhiêu thế hệ mã hóa vào gen mà chính người vẽ cũng không biết, cũng không thể giải thích nổi. Nó được trào ra khi cảm hứng sáng tác đến, và những giá trị tiềm ẩn đó được chưng cất trong sâu kín nay có dịp phát lộ.
Và điều đó cũng lý giải cho việc có những họa sĩ vẽ hiện thực giỏi có khi không vẽ được tranh trừu tượng, vì khi vẽ hiện thực phải tập trung cao độ thì phần vô thức sẽ bị che mờ.
Những họa sĩ trừu tượng thường có bảng màu rất đẹp, nhưng vẽ hình thật thì kém. Đó là do sự ám ảnh vô thức về những vẻ đẹp trong tiềm thức đưa lại. Cho nên cổ nhân đã tổng kết thành một quy luật chung: Trời chẳng cho ai hết cả và cũng chẳng lấy hết của ai. Đó là luật bù trừ của trời đất.
2. Tôi lướt qua mấy ý trên để tiếp cận tranh Đặng Mậu Tựu. Những bức tranh trừu tượng rất sốc của anh hôm nay hóa ra không hề bất ngờ. Trong những tranh vẽ thật của anh cũng đã dấp dính một nửa phần vào trừu tượng. Nhưng chỉ thế thôi chưa đủ để thỏa mãn xúc cảm, mà anh muốn đi xa hơn, đào sâu hơn vào tâm thức của chính mình, tìm cho ra cái khát khao của mình, và đã vẽ điên dại với những tranh khổ lớn.
Anh đang sáng tác như cơn shaman (nhập đồng) trỗi dậy. Nhưng nó vẫn là thế giới hiện thực, là hiện thực của chiều sâu vi mô. Cái thế giới mà mắt thường không thấy được, cái thế giới mà vô thức đã thấm vào gen mỗi cá thể. Tự thân người ta cũng không biết mình có năng lực đó. Không phải chỉ hội họa, mà rất nhiều ngành khoa học khác nảy sinh ra những thiên tài là từ những phẩm chất shaman trong con người, là những giá trị tích tụ huyền bí của vũ trụ mà con người là thành tố trong đó… Thế giới luôn là bất khả tri và đó như là một động lực cho sự khám phá của con người. Cái gì cũng lộ quang thì là thiên hà chết. Tôi nghĩ thế.
Để kết thúc bài viết tôi xin kể một câu chuyện mang màu sắc giai thoại, nó có thể giải thích một phần về những tác phẩm trừu tượng: Có một người xem tranh nói với Picasso rằng, tranh ông tôi thích lắm, nhưng không thể hiểu. Picasso nghe rồi mỉm cười hỏi lại: "Thế anh bạn đã bao giờ nghe tiếng chim hót chưa"? "- Nghe rồi ạ". "- Có hay không"? "- Tất nhiên là tôi rất thích". "- Thế có hiểu không?". "- Làm sao mà hiểu được tiếng chim"! Lúc này Picasso mới bảo: "Vậy ông hãy thưởng thức tranh trừu tượng theo lối nghe chim hót nhé"!