'Người đàn ông chơi trống lục lạc' của Bob Dylan

Với tư cách một nhạc sĩ, Bob Dylan đã truyền cảm hứng cho vô số người, nhưng ai là người truyền cảm hứng cho chính ông để viết nên kiệt tác mọi thời đại Mr. Tambourine Man (Người đàn ông chơi trống lục lạc)?

Đó là Bruce Langhorne. Cuộc đời anh là nghịch cảnh ngay từ thuở non nớt đang đầy háo hức. Nhưng không để bi kịch đánh bại mình, anh đã dũng cảm vượt qua tất cả và trở thành cánh tay phải đắc lực cho Dylan.

Vượt qua nghịch cảnh

Một người chơi guitar theo phiên thu cho Bob Dylan, một nhà soạn nhạc phim có tiếng, và một doanh nhân bán nước sốt cay… Quả là một sự nghiệp độc đáo! Nhưng đó chính là CV của "chàng thơ" để Bob Dylan sáng tác nên kiệt tác Mr. Tambourine Man.

'Người đàn ông chơi trống lục lạc' của Bob Dylan - Ảnh 1.

(Từ trái qua phải) Bruce Langhorne, Carolyn Hester, Bob Dylan và Bill Lee vào năm 1961 tại một phòng thu ở New York

Ngày bé, Bruce Langhorne đã luôn mơ trở thành nhạc sĩ. Chỉ có điều, anh chưa từng nghĩ tới chuyện học guitar cho đến khi một bi kịch đau lòng xảy ra. Anh vốn được mẹ cho học vĩ cầm từ nhỏ và nhanh chóng bộc lộc khả năng thần đồng của mình. Cho đến năm 12 tuổi, định mệnh của anh dường như là trở thành người chơi vĩ cầm chuyên nghiệp. Thế nhưng, sau sự cố pháo hoa thảm khốc liên quan tới pháo hoa tự chế, Langhorne phải từ bỏ giấc mơ nhạc cổ điển của mình vì bị mất 2 ngón tay và một đoạn ngón cái ở tay phải.

Tất cả những năm tháng miệt mài luyện tập vĩ cầm vì thế đều tan thành mây khói, và Langhorne phải xét lại những gì anh mong muốn trong đời. Do những khuyết tật, dường như anh không thể trở thành một nhạc sĩ chuyên nghiệp, nhưng ở tuổi 17, Langhorne quyết định học guitar.

'Người đàn ông chơi trống lục lạc' của Bob Dylan - Ảnh 2.

Bruce Langhorne bên chiếc trống lục lạc của mình

Mặc dù đã 5 năm dài không động tới nhạc cụ nhưng bản năng vẫn luôn ở bên anh, và do đó, Langhorne không mất nhiều thời gian để học nhạc cụ mới. Vì chỉ còn một nửa bàn tay phải, anh không thể chơi guitar như những người thường, nhưng cũng chính nhờ đó, Langhorne tạo dựng nên phong cách độc đáo của riêng mình, điều đã đưa anh lên đỉnh cao.

"Vì bị mất mấy ngón tay, tôi vĩnh viễn không thể tiếp cận một số phong cách guitar. Chẳng hạn, tôi thật sự không thể chơi flamenco hay. Cổ điển cũng rất khó với tôi, dù tôi đã chơi một số bản cổ điển" - anh nói trong một lần phỏng vấn - "Nhưng vì tôi không thể phát triển kỹ thuật tới mức tôi có thể chơi toàn bộ vốn tiết mục guitar, tôi phải phát triển kỹ thuật dựa trên thẩm mỹ của riêng tôi".

Ca khúc “Mr. Tambourine Man” của Bob Dylan

Vì thế, anh thường dùng mỗi ngón để chơi một dòng, tạo nên dòng đa âm. Không để khuyết tật thành trở ngại, ngược lại, anh biến nó thành thành công. Nếu không phải anh phát triển phong cách gảy ngón (finger-picking) khác biệt, anh không bao giờ thành người đệm đàn lừng danh và con đường của anh sẽ không giao thoa với Dylan và cũng có nghĩa là Mr. Tambourine Man không tồn tại.

"Bruce Langhorne có một chiếc trống lục lạc khổng lồ. Nó cực to. To như bánh xe ngựa vậy. Hình ảnh anh chơi chiếc trống lục lạc đó cứ lởn vởn trong tâm trí tôi" - Bob Dylan.

Thần giao cách cảm

Sau khi trở thành nghệ sĩ đường phố và biểu diễn trong một số hộp đêm nhạc dân gian ở New York, tài năng của Langhorne nhanh chóng được truyền tai nhau. Anh lần đầu được mời tham gia thu âm vào năm 1961, với Carolyn Hester. Đó là nơi anh gặp Bob Dylan.

Sau này, anh tiết lộ ấn tượng khi đó về Dylan: "Tôi nghĩ cậu ta là một ca sĩ tệ hại và hoàn toàn giả tạo. Tôi cũng không nghĩ cậu ta chơi harmonica hay cỡ đó… Tôi chỉ thật sự đánh giá cao Bobby (Dylan), nhận thấy sự độc đáo, khi cậu ta bắt đầu sáng tác".

Tháng 10/1962, Langhorne chơi cho một phiên thu của Dylan, thể hiện kỹ năng guitar siêu việt của mình trên ca khúc Corrina, Corrina thuộc album The Freewheelin' Bob Dylan. Những dòng guitar điện mạnh mẽ của anh cũng thắp sáng trong những ca khúc như Subterranean Homesick Blues Maggie's Farm thuộc album Bringing It All Back Home. Người khó tính như Dylan cũng phải thốt lên: "Nếu có Bruce (Langhorne) chơi cho mình thì muốn gì cũng được".

'Người đàn ông chơi trống lục lạc' của Bob Dylan - Ảnh 4.

Bob Dylan từng bị Langhorne chê là ca sĩ dở tệ!

Ngoài Dylan, Langhorne cũng chơi cho nhiều nhạc sĩ khác, bao gồm Joan Baez và Harry Belafonte, nhưng những tác phẩm hay nhất của anh là với Dylan. "Mối liên hệ giữa tôi với Bobby (Dylan) là thần giao cách cảm" - anh nói.

Một lần, Langhourne tới phiên thu âm của Dylan với một chiếc trống khung Thổ Nhĩ Kỳ khổng lồ có gắn những chiếc chuông leng keng ở rìa. Nó trông như một chiếc trống lục lạc có kích thước lớn. Chính hình ảnh đó đã truyền cảm hứng để Dylan viết Mr. Tambourine Man. Dù ca từ của Dylan luôn rất khó diễn giải, cơ bản, đây là ca khúc mà người kể chuyện, sau một đêm thức trắng, xin người đàn ông chơi trống lục lạc hãy tấu lên một bản và dẫn dắt mình tới những điều siêu việt.

Trong ghi chú lót của album Biograph, Bob Dylan viết: "Mr. Tambourine Man, tôi nghĩ, lấy cảm hứng từ Bruce Langhorne. Bure chơi guitar trong hàng tá bản thu thời kỳ đầu. Vào một phiên thu, nhà sản xuất Tom Wilson yêu cầu anh ấy chơi trống lục lạc. Vì anh ấy có một chiếc trống lục lạc khổng lồ. Nó cực to. To như bánh xe ngựa vậy. Anh ấy liền chơi và hình ảnh anh chơi chiếc trống lục lạc đó cứ lởn vởn trong tâm trí tôi".

Langhorne thích sự nổi tiếng không ngờ này, dí dỏm lưu ý rằng Dylan "có khiếu hài hước tuyệt vời và khả năng để mọi người thích làm gì thì làm mặc tai họa".

Mr. Tambourine Man ra mắt vào tháng 3/1965 trong album Bring It All Back Home của Dylan và nhiều lần được Dylan thu âm lại, xuất hiện trong nhiều album tổng hợp khác. Không chỉ đưa Dylan từ anh hùng nhạc dân gian thành ngôi sao thực sự, ca khúc còn truyền cảm hứng tới rất nhiều nghệ sĩ lớp sau.

Đông đảo nghệ sĩ đã thu âm lại ca khúc, bao gồm Judy Collins, Melanie, Odetta, Stevie Wonder và đặc biệt là The Byrds. Dylan thu âm Mr. Tambourine Man vào ngày 15/1/1965 thì chỉ 5 ngày sau, dựa trên một bản demo (mà Dylan thu với Ramblin' Jack Elliott) mà họ nghe được, The Byrds thu phiên bản nhạc cụ điện của riêng họ. "Ồ anh chàng này" - Dylan thốt lên khi nghe phiên bản này - "Thậm chí có thể nhảy theo giai điệu đó!". Cả 2 phiên bản này đều được đánh giá rất cao, đều nhận giải Đại sảnh Danh vọng Grammy và xuất hiện trong nhiều danh sách lớn, bao gồm 500 Ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại của Rolling Stone.

Đôi nét về Bruce Langhorne

Bruce Langhorne sinh năm 1938 tại Florida, Mỹ. Ngoài âm nhạc, anh còn lấn sân sang Hollywood và kinh doanh. Sự nghiệp ở Hollywood khởi đầu khi nghệ sĩ jazz Hugh Masekela, người Langhorne đi lưu diễn cùng, giới thiệu anh với diễn viên Peter Fonda. Anh sẽ sáng tác nhạc cho phim The Hired Hand của Fonda, Fighting Mad của Jonathan Demme và cộng tác với Dylan trong nhạc phim Pat Garrett & Billy The Kid của Sam Peckinpah.

Bị chẩn đoán mắc tiểu đường nhóm 2, Langhorne và người bạn Cynthia Riddle đã lùng sục khắp các chợ ở Los Angeles để tìm ra đúng các loại ớt châu Phi để pha được đúng khẩu vị loại nước sốt cay, thơm ngon không chứa natri hay đường. Anh đã tiếp thị thành công sản phẩm này dưới nhãn hiệu Brother Bru.

Langhorne qua đời năm 2015 do suy thận. Chiếc trống khung Thổ Nhĩ Kỳ xưa giờ đã trầy xước và vàng ố và là 1 trong 6.000 món đồ được lưu trữ tại Kho lưu trữ Bob Dylan ở Oklahoma, Mỹ. Nhưng trên tất cả, câu chuyện của Langhorne đã truyền cảm hứng cho tất cả mọi người. Anh không để khuyết tật ngăn mình theo đuổi ước mơ, dù có phải chỉnh hướng. Sự cố pháo hoa là một bi kịch nhưng bằng nghị lực lớn lao, Langhorne hướng nó thành sự tích cực, đưa anh trở thành một điều bí ẩn trong âm nhạc.

Thư Vĩ (tổng hợp)

Link gốc: TTVH