10 trận gây hoài nghi, 1 trận gieo hi vọng, dự án Troussier với ĐT Việt Nam vẫn đáng được chờ đợi
Trận gặp Nhật Bản là trận đấu thứ 11 của tuyển Việt Nam dưới thời HLV Troussier. Tiếp tục là một thất bại và là trận thua thứ 7. Nhưng khác với 10 trận trước đó, trận thua Nhật Bản lại gieo hi vọng cho người hâm mộ.
10 trận gây hoài nghi
10 trận trước đó (cả chính thức lẫn giao hữu) tuyển Việt Nam thắng 4 và thua 6 trận nhưng cơ bản, chúng ta không có được cảm giác tích cực với những gì các cầu thủ thể hiện. Chỉ có cảm giác ức chế và sự hoài nghi bao trùm khi đội tuyển bộc lộ vấn đề trong cả khâu tấn công (phản công) lẫn phòng ngự.
Khi có bóng, các cầu thủ đá thiếu ý tưởng, thiếu sáng tạo, phối hợp chệch choạc, chuyền sai chuyền hỏng nhiều. Khi phòng ngự, họ để lộ nhiều khoảng trống, bọc lót kém, mắc lỗi cá nhân nhiều.
Ngay cả các chiến thắng của chúng ta trước Hong Kong (Trung Quốc), Syria, Palestine, Philippines cũng không để lại dấu ấn gì nổi bật. Tất cả đều chỉ là những màn trình diễn nhàn nhạt, thiếu đường nét dù đối thủ không được đánh giá cao.
Một trận gieo hi vọng
Thất bại nhưng không thất vọng. Đó là những gì chúng ta có thể nói sau trận thua 2-4 của tuyển Việt Nam trước Nhật Bản.
Có lẽ đây là trận đấu đầu tiên dưới triều đại Philippe Troussier tuyển Việt Nam thất bại mà cả người hâm mộ lẫn giới chuyên môn đều không cảm thấy thất vọng, lo lắng mà ngược lại.
Chúng ta đã thủng lưới 4 bàn. Số bàn thua nhiều nhưng nhiều mà vẫn không gây bất ngờ và lo ngại vì đây là Nhật Bản. Mọi so sánh đều khập khiễng nhưng nếu Đức, Peru (cùng thua 1-4), El Salvador (0-6), Canada (1-4), Thổ Nhĩ Kỳ (2-4), Thái Lan (0-5)… đều thủng lưới không ít hơn 4 bàn trước Nhật Bản thì chuyện tuyển Việt Nam thủng lưới 4 bàn trước Nhật Bản là hết sức bình thường (dù bàn thua đầu tiên bắt nguồn từ sai lầm cá nhân rất đáng tiếc của thủ thành Nguyễn Filip). Đơn giản, Nhật Bản sở hữu những ngôi sao có đẳng cấp vượt trội, chất lượng kỹ thuật vượt trội.
Điều… không bình thường ở đây là đối mặt với dàn ngôi sao có chất lượng kỹ thuật thượng thặng và kinh nghiệm dày dạn của Nhật Bản, tuyển Việt Nam với nhiều cầu thủ trẻ, còn ít kinh nghiệm thi đấu quốc tế (Thái Sơn, Đình Bắc, Minh Trọng, Tuấn Tài…) đã không sụp đổ, không sợ hãi và không chỉ biết co mình phòng ngự.
Chúng ta vẫn chơi hăng hái, tự tin. Các cầu thủ mạnh dạn phối hợp, cầm bóng và đi bóng. Một thứ bóng đá chủ động, có nét và có ý đồ rõ ràng, chứ không phải những đường chuyền vu vơ cầu may hay đơn thuần chỉ có những pha phá bóng .
Đó là những gì người hâm mộ và giới chuyên môn muốn thấy và đã thấy. Dấu ấn của HLV Troussier nằm ở đó, ở những pha xử lí tự tin của Đình Bắc, Minh Trọng, Thái Sơn…
Lối chơi tự tin, chủ động và có ý đồ rõ ràng chính là chìa khoá giúp tuyển Việt Nam ghi được 2 bàn thắng vào lưới Nhật Bản, điều mà ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, 9 đối thủ khác bị Nhật Bản đánh bại trong chuỗi 10 trận gần nhất của họ đều không làm nổi.
Thất bại dĩ nhiên không có gì đáng vui mừng nhưng cách thua của tuyển Việt Nam trước Nhật Bản lại khiến chúng ta có lí do để vui mừng và hi vọng.
Dự án Troussier mới qua hơn 6 tháng. Phía trước là chặng đường dài nhiều thách thức. Nhưng nếu các cầu thủ cứ chơi với sự tự tin thế này, với tinh thần không bỏ cuộc và không biết sợ thế này thì phía trước chúng ta không chỉ có thử thách mà cả hi vọng.
Hi vọng ở sự trưởng thành và tiến bước theo thời gian của "Những chiến binh sao vàng". Hi vọng ở những kết quả tích cực và ấn tượng sớm muộn rồi cũng đến.