NSƯT Ngọc Khanh: Hát bội muốn tồn tại, phải có tài trợ dài hơi
Tết đến, trong khi 2 loại hình sân khấu kịch và cải lương tưng bừng chuẩn bị phục vụ khán giả, thì các đoàn nghệ thuật hát bội (tuồng) thường khá im lìm. Thực tế thì trong dịp bình thường, hát bội TP.HCM cũng có rất ít cơ hội trình diễn, trừ mấy dịp hát cúng đình/miễu.
NSƯT Ngọc Khanh là 1 trong những gương mặt tiêu biểu của hát bội TP.HCM, vừa có chuyến lưu diễn tại Mỹ. Bà trải lòng với báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) về chuyến lưu diễn và một số vấn đề của hát bội.
* Chào NSƯT Ngọc Khanh, trước bối cảnh hát bội gần như đã thu hẹp đến mức chỉ còn hiện diện ở một góc nhỏ sân đình. Vậy thì vì sao bà có vinh dự được mời lưu diễn tại Mỹ?
- Cách đây nhiều năm, một nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ người Mỹ gốc Việt đã tìm đến tôi để nhờ hỗ trợ thông tin về nghệ thuật hát bội cho luận án tiến sĩ của cô ấy. Chúng tôi đã làm việc cùng nhau suốt mấy tháng, cô ấy về Mỹ và hoàn thành luận án. Cô ấy đã giới thiệu tôi đến giáo sư Nguyễn Thuyết Phong, người chuyên giảng dạy về âm nhạc dân tộc Việt Nam tại các trường đại học bên đó, nên có chuyến lưu diễn vừa rồi.
Giáo sư Phong trao đổi với tôi nhiều lần và tin tưởng vào kiến thức của tôi, nên ông đã mời tôi sang trình diễn và thuyết trình cho sinh viên bên ấy nghe. Chuyến đi này xem như là giao lưu và trao đổi văn hóa.
Vào năm 1974, tôi cũng có chuyến lưu diễn đầu tiên qua Pháp và Canada trong Đại hội thanh niên thế giới nói tiếng Pháp. Lần ấy, các bạn quốc tế cũng thích thú trước loại hình nghệ thuật hát bội truyền thống của Việt Nam.
* Chuyến lưu diễn này có thắp lên hy vọng gì cho hát bội trong tương lai không?
- Tôi không nghĩ nó sẽ có tác dụng mạnh mẽ như vậy, dù tôi sẽ còn có dịp quay lại đây trình diễn và giao lưu vài lần nữa.
Hát bội muốn phát triển phải dựa vào khán giả, cùng sự hỗ trợ của Nhà nước về nhiều mặt. Bây giờ chúng tôi, đoàn tư nhân, tự bơi, sống "liệu cơm gắp mắm". Sân khấu của chúng tôi bây giờ là đình miễu, hát trong lễ Kỳ yên đầu năm và các lễ cuối năm. Coi như thoi thóp.
Bản thân tôi với vai trò bầu gánh đã bán đứt 2 căn nhà, phải sống bằng nghề may phục trang, phông màn cho sân khấu, đình miễu. Tôi ở trong tình cảnh triền miên nợ nần. Đào chánh của chúng tôi thì phải đi làm thợ móng tay, kép chánh người thì chạy xe ôm, người làm mướn. Hầu hết sống cảnh nhà thuê chật hẹp.
Khoảng thời gian đại dịch, anh em thất nghiệp, đói đúng nghĩa đen. Đoàn hát bội nhà nước có kinh phí hỗ trợ, nên anh chị em có lương căn bản, nhưng vẫn dưới mức sống trung bình. Do kinh phí giới hạn, nên đầu tư tuồng tích cũng hạn chế, xem như giậm chân tại chỗ.
Tôi nghĩ, với tình hình này, hát bội sẽ sớm "chết". Nếu muốn loại hình nghệ thuật này tồn tại, bắt buộc phải có nguồn vốn tài trợ dài hơi. Tư nhân thì lắc đầu vì không có khán giả, Nhà nước cũng không làm vì kinh phí không đủ. Ngay cả việc đề xuất hát bội lên UNESCO để được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cũng chưa thấy triển khai...
* Vậy có nguyên nhân nội tại nào khiến hát bội ít được công chúng quan tâm?
- Bản thân hát bội cũng có nhiều hạn chế, nên khó phổ biến. Như chuyện ngôn ngữ hát bội thường hay dùng từ Hán Việt và các điển tích cổ. Khi diễn viên hát và thoại, nhiều khán giả ít hiểu nghĩa, nên không thấy hay.
Ngày xưa khán giả chính của hát bội cũng là tầng lớp tinh hoa… Bây giờ người hiểu hoặc thích cổ ngữ hầu như không còn nhiều. Nên tôi bi quan vào tương lai của hát bội.
* Nghĩa là chẳng còn giải pháp nào khác, thưa bà?
- Nếu muốn hát bội tồn tại, cách tốt nhất là đưa vào bảo tàng, bảo tồn và giảng dạy, giống như Nhật Bản, Hàn Quốc đã làm với vài bộ môn truyền thống của họ vậy. Có kinh phí để duy trì, ai muốn hiểu kỹ thì nên đi học bài bản, hoặc nghe giảng giải tỉ mỉ, nắm được các ý nghĩa của câu từ, lối diễn ước lệ, cách hóa trang gương mặt, tính cách nhân vật… Hiểu sẽ thích.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng nên kêu gọi đầu tư đưa hát bội đến với công chúng qua nhiều cách khác nhau. Ví dụ như trong lễ hội dân gian, hoặc tổ chức diễn định kỳ, tuyển sinh thêm các thế hệ trẻ nối nghề. Bây giờ, hầu như không có diễn viên hát bội từ bên ngoài truyền thống gia đình, với đầu vào hạn hẹp như vậy, khó hy vọng ở đầu ra.
* Tết này gánh hát bội của bà có diễn không?
- Đoàn nghệ thuật hát bội Ngọc Khanh của chúng tôi diễn một nơi duy nhất, đó tại Lăng Ông - Bà Chiểu dịp hạ nêu. Sau đó, thì chờ đến dịp lễ Kỳ yên diễn tiếp. Tình hình các đoàn khác ra sao tôi không rõ, nhưng chắc cũng khó có nhiều suất hơn chúng tôi.
* Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện thẳng thắn này.
Ngọc Khanh là 1 trong số ít nghệ sĩ hát bội được phong Nghệ sĩ ưu tú. Là trưởng đoàn Đoàn nghệ thuật hát bội Ngọc Khanh, theo mô hình xã hội hóa, bà từng giảng dạy hát bội tại Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM. Bà là con gái của nghệ sĩ hát bội lừng danh Ba Út, cùng thời với các nghệ sĩ tài danh như Minh Tơ, NSND Thành Tôn…