Cộng đồng sáng tạo, phát huy nguồn lực văn hóa Thủ đô
Xác định là một trong ba trụ cột chính của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023, cộng đồng được coi là trung tâm, chủ thể của các hoạt động sáng tạo. Với chuỗi các hoạt động, sự kiện phong phú, trải rộng khắp các địa bàn, kéo dài trong 10 ngày (từ 17 - 26/11), Lễ hội hứa hẹn sẽ mang lại những giá trị đích thực cho cộng đồng.
Những giá trị đích thực
Không chỉ hướng đến cộng đồng sáng tạo chuyên nghiệp, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 còn dành cho tất cả những người yêu thích sáng tạo và nghệ thuật. Cộng đồng tham gia không chỉ với tư cách là khách tham quan mà đã trở thành một trong những chủ thể của hoạt động sáng tạo.
Lần đầu tiên người dân được tham gia sâu và trở thành một phần của Lễ hội, một phần của quá trình sáng tạo các tác phẩm qua các sự kiện đa dạng và mang tính tương tác cao như các hoạt động cộng đồng tại khu vực bãi giữa sông Hồng, đi xe đạp chủ đề "Theo dòng chảy di sản", các cuộc thi thiết kế cộng đồng, sân chơi cộng đồng cho trẻ em từ vật liệu tái chế… Hệ sinh thái Nhà máy Xe lửa Gia Lâm được thiết kế trở thành một không gian sinh hoạt cộng đồng, quy tụ các gian hàng, hội chợ với sự xuất hiện của các thương hiệu nội địa và sản phẩm thuộc nhiều lĩnh vực (thủ công mỹ nghệ, sáng tạo, thời trang, truyền thông - quảng cáo...).
Nhằm mang đến những trải nghiệm thú vị cho cộng đồng, các hoạt động ứng dụng công nghệ như vẽ tranh và học vẽ tranh 3 chiều, du lịch giả lập, đấu trường âm nhạc, các trò chơi tương tác 3D sống động khác cũng được tổ chức qua các công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường cập nhật nhất. Người tham gia có thể trải nghiệm trò chơi sáng tạo 'Thả Ga Zone' do Tò He và Think PlayGrounds tổ chức, tham gia vào hoạt động làm gốm cùng "Về làng", trải nghiệm sản phẩm mây tre đan Phú Vinh…
Không chỉ được tương tác cùng các chương trình cộng đồng độc đáo, người dân còn có cơ hội tham gia vào các chuỗi tọa đàm, workshop chuyên môn về sáng tạo. Với sự tham gia của các trường đại học trong nước và quốc tế, Hội đồng Anh, những chủ đề thảo luận sẽ là cơ sở đề xuất thể hiện sự chung tay của giới chuyên môn, nhà sáng tạo với các nhà quản lý hướng tới mục tiêu khẳng định và quyết tâm hiện thực hóa khát vọng đổi mới sáng tạo cho Hà Nội.
Lễ hội sẽ có nhiều sự kiện thú vị dành cho cộng đồng đa dạng lứa tuổi, đặc biệt là chuyến tàu trải nghiệm kết nối hai bên bờ sông Hồng, xuất phát từ nhà ga Hà Nội, đến ga Long Biên, qua cầu Long Biên và kết thúc tại nhà ga Gia Lâm, từ đó khách tham quan đi bộ đến Nhà máy xe lửa Gia Lâm để tham gia các hoạt động tại Lễ hội. Bên cạnh chuyến tàu trải nghiệm là các hoạt động vui chơi, văn hóa ẩm thực sôi nổi như "Ngày hội bia quốc doanh" của Hanoi ICEP; không gian trải nghiệm và tương tác của Complex 01... Một số hoạt động triển lãm, trưng bày trong Lễ hội sẽ còn tiếp tục đến hết năm 2023 nhằm tạo điều kiện cho người dân và khách du lịch đến tham quan.
Kết nối, lan tỏa tinh tinh thần sáng tạo
Cùng với ý nghĩa kết nối các lĩnh vực thiết kế sáng tạo nhằm tôn vinh các ý tưởng, truyền cảm hứng sáng tạo, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 còn là dịp để cộng đồng sáng tạo và người dân Thủ đô trải nghiệm không khí lễ hội thực sự thông qua thể nghiệm các hình thức trình diễn độc đáo, các hoạt động văn hóa bổ ích, để cùng chung tay xây dựng Hà Nội - Thành phố sáng tạo. Lễ hội là cơ hội để người dân tham quan những công trình đã tồn tại hàng trăm nay tại Thủ đô Hà Nội dưới một góc nhìn khác, mang đến một trải nghiệm độc đáo, thú vị như một hành trình "đánh thức" di sản.
Tinh thần sáng tạo đã và đang được lan tỏa tới các quận, huyện, các làng nghề trên toàn thành phố với sự tham gia của chuỗi các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, sáng tạo và đổi mới tại các địa phương. Trong số gần 100 sự kiện, hoạt động được tổ chức tại Lễ hội có 60 sự kiện, hoạt động diễn ra tại tuyến chính của Lễ hội, còn lại gần 40 sự kiện, hoạt động khác do 16 quận, huyện, thị xã tổ chức tại địa phương. Phạm vi Lễ hội trải dài ở nhiều với nhiều hoạt động hưởng ứng đã mang lại những trải nghiệm, sự thụ hưởng văn hóa cho cộng đồng.
Các quận, huyện, thị xã đồng loạt tổ chức các hoạt động hưởng ứng như triển lãm, tọa đàm, trình diễn dân gian (giới thiệu văn hóa làng nghề truyền thống, ẩm thực, di sản văn hóa phi vật thể...) kết hợp thiết kế sáng tạo sản phẩm văn hóa trên cơ sở đặc trưng, thế mạnh của từng địa phương. Có thể kể đến như: Tuần văn hóa, thương mại, du lịch làng nghề Vạn Phúc của quận Hà Đông; chương trình nghệ thuật "Linh thiêng đình Chèm - Dòng chảy tinh hoa" của quận Bắc Từ Liêm; thiếu nhi vẽ tranh hưởng ứng Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 của huyện Ba Vì...
Qua hai năm tổ chức, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 ngày càng lớn mạnh, là minh chứng cho sức sống, nguồn lực sáng tạo và bản sắc dồi dào, độc đáo của Hà Nội; khuyến khích hình thành cộng đồng sáng tạo; kết nối đa lĩnh vực công nghiệp văn hóa khác nhau hình thành các nền tảng sáng tạo nhằm phát huy nguồn lực văn hóa Thủ đô.