Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất: 'Tình yêu đồng' hơn 2.000 năm

Câu chuyện xảy ra vào dịp lễ Valentine năm 2009. Hôm đó, cũng một ngày nắng đẹp như hôm qua. Khoảng 9 giờ sáng, tôi nhận được một cuộc gọi điện thoại từ sân bay Nội Bài, giọng một cô gái tự giới thiệu là hướng dẫn viên du lịch hỏi đúng tên tôi và xin phép để đưa một tốp khách Nhật Bản đến gặp tôi.

1. Cô giải thích rằng đoàn khách Nhật bay từ Tokyo (Nhật Bản) sang. Họ gồm các sinh viên năm thứ nhất của một trường đại học, do một giáo sư dẫn đầu, sang để trải nghiệm đời sống văn hóa Việt Nam. Họ bất ngờ đọc được trên máy bay bài viết của tôi đăng trên tạp chí Heritage (Di sản) của Hàng không Việt Nam nhan đề Bronze Loves kể về những khối tượng và hình khắc trên đồ đồng Đông Sơn liên quan đến tình yêu nam nữ.

Sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa chủ đề văn hóa lịch sử với lễ thánh Valentine - ngày đầu tiên họ đặt chân lên mảnh đất Việt Nam, nơi họ chưa một lần đến thăm -  đã khiến vị giáo sư trẻ nảy ý định tìm gặp tác giả để cùng sinh viên được nghe nhiều hơn về câu chuyện tình yêu trên đồ đồng Đông Sơn từ 2.000 năm trước. Khi vừa ra khỏi sảnh lấy đồ ở sân bay, gặp cô gái hướng dẫn viên du lịch đang chờ sẵn, vị giáo sư khẩn khoản đề nghị cô gái tìm cách liên hệ với Ban biên tập Tạp chí Heritage để tìm cách liên hệ với tác giả bài viết Bronze Loves.

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất: 'Tình yêu đồng' hơn 2.000 năm - Ảnh 1.

Một số hình tượng người Đông Sơn đăng trong bài “Bronze Loves” trên tạp chí “Heritage”. Trong ảnh h2, h5 và h6 là của cặp đôi ôm nhau trên cán trâm viết trong bài này

Sau mấy cuộc điện thoại, cô gái hướng dẫn viên đã nhận được số điện thoại của tôi. Và tôi đã đồng ý thu xếp thời gian đón các vị khách Nhật. Họ sẽ đi thẳng từ sân bay về nhà tôi ở ngõ 203 Hoàng Quốc Việt, (Cầu Giấy, Hà Nội), nơi lúc đó đồng thời là trụ sở của Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á và Bảo tàng Phạm Huy Thông.

Tôi không phải đợi lâu, chừng 30 phút sau xe đã đến cùng hơn 20 sinh viên Nhật Bản mặc đồng phục áo T-shirt màu hoa mai vàng, quần trắng ríu rít như bầy chim, cùng cô hướng dẫn viên và vị giáo sư Nhật tóc tuy điểm bạc, nhưng người nhỏ thó và khuôn mặt đeo kính còn khá trẻ. Trên tay họ đều mang theo cuốn tạp chí Heritage từ trên máy bay có bài Bronze Loves đó. Do số lượng khách quá đông, tôi phải tiếp họ ở dưới sân, trên tay chuẩn bị sẵn những tấm hình in màu hiện vật và hình khắc trên đồng về chủ đề đã định.

Buổi tiếp đón diễn ra khá nhanh gọn, bởi nội dung đã rõ ràng trong bài viết, vị giáo sư chỉ muốn mang đến cho học trò một trải nghiệm thú vị, nóng hổi là được gặp chính tác giả bài viết, một nhà khảo cổ học Việt Nam trước khi theo cô hướng dẫn viên về nhận phòng tại khách sạn. Ông giở bài báo và chỉ vào đoạn cuối bài, nắc nỏm: "Câu kết đáng yêu quá: Đồng chỉ nóng chảy ở nhiệt độ hơn 1.000°C và nguội nhanh ngay sau đó. Nhưng tình yêu trên đồ đồng Đông Sơn còn khiến đồng ấm nóng mãi cho đến tận hôm nay" .

Tôi bất giác mỉm cười. Không ngờ phút giây thả bút lãng mạn đó đã tạo xúc động nồng nàn đến các bạn Nhật Bản đến như vậy. Trước khi chia tay, ông đề nghị tôi chụp tấm hình chung cùng các sinh viên trước cửa có tấm biển đồng "Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á" và tặng tôi một số quà lưu niệm mang theo từ Nhật. Quả là một kỷ niệm đáng yêu của ngày Valentine 15 năm về trước.

Nhân câu chuyện đó, tôi muốn cuộc "Đêm đêm rì rầm trong đất" lần này - thời điểm mà vào ngày Valentine 14/2/2024 hôm qua, tôi cùng Thể thao và Văn hóa phải bếp núc sớm hơn cho số đầu tiên năm Giáp Thìn - sẽ dành cho độc giả trọn vẹn câu chuyện về tình yêu trên đồng mà nghệ nhân Đông Sơn đã để lại.

2. Vậy "tình yêu" đã có từ thời Đông Sơn hay chưa? Tôi bỗng nhớ cuộc kiểm tra vấn đáp cuối năm 1970 dành cho khóa Sử 1, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội diễn ra tại Mễ Trì (Thanh Xuân, Hà Nội).  Khi đó, tôi đã hết năm thứ ba, đứng ngoài ngó xem tài hùng biện của sinh viên năm thứ nhất. Bàn phỏng vấn của cô Phạm Thị Tâm, đồng tác giả sách Chống Nguyên Mông cùng giáo sư Hà Văn Tấn đang tiếp nữ sinh Phạm Thị Ninh (sau là tiến sĩ tại Viện Khảo cổ học Việt Nam).

Sau một số câu hỏi trả lời trôi chảy về khởi nghĩa Hai Bà Trưng, cô Tâm nêu câu hỏi : "Thi Sách là ai?" - ý cô muốn hỏi về quan hệ giữa hai nhóm Lạc hầu, Lạc tướng Mê Linh (quê Bà Trưng) và Chu Diên (quê Thi Sách). Nữ sinh Ninh sau một vài giây suy nghĩ đã trả lời rất nhanh và dứt khoát: "Dạ, Thi Sách là người yêu của bà Trưng Trắc ạ!". Câu trả lời khiến cả khán trường và cô giáo bật cười... và nhắc mãi đến tận hôm nay.

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất: 'Tình yêu đồng' hơn 2.000 năm - Ảnh 2.

Tượng đồng Đông Sơn cặp đôi nam nữ áp lưng vào nhau và bản vẽ đặc tả chi tiết

Quả là chuyên "yêu đương" thời 2.000 năm trước có vẻ xa lạ đến vậy sao. Chuyện lấy vợ gả chồng, thách cưới, đính hôn... giữa các con vua Hùng với Sơn Tinh, Thủy Tinh, với Lang Liêu, An Tiêm, Chử Đồng Tử hay cả chuyện Mỵ Châu, Trọng Thủy đều đẫm màu yêu đương mà sao nói đến chuyện yêu đương thời đó thấy lạ kỳ làm vậy?!!

Thực ra "tình yêu" là một phạm trù tiến hóa của nhận thức nhân loại. Đài truyền hình DRF của Đức đã từng có những phim khoa học tìm hiểu "tình yêu" của ốc sên, của bướm để làm rõ bản năng sinh sản động hớn của các loài động vật cấp thấp, đã mượn chữ "tình yêu" (Liebe, Love) cho hấp dẫn thôi, chứ các triết gia đều cho rằng tình yêu là sản phẩm đặc trưng của loài người - loài động vật cao cấp nhất tạo ra xã hội người hiện đại mà chúng ta đang sống. Các nhà nghiên cứu có thể nhận ra những biểu lộ "tình cảm" của một số loài động vật trước các sự kiện chia ly, đau đớn, gặp gỡ, vui mừng... nhưng không thể gọi đó là tình yêu được.

Tình yêu là sản phẩm riêng của Chúa dành cho loài người, không chỉ dành cho yêu đương nam nữ mà bao gồm cả thứ tình cảm mẫu tử, tình thân đồng huyết, đồng tộc, đồng cư và đồng loài. Sứ mạng của thánh Valentine phải hiểu rộng hơn như vậy. Tuy nhiên, câu chuyện Romeo và Juliet nhấn mạnh hơn một phạm trù đỉnh cao nhất của tình yêu, đó là tình yêu trai gái.

3. Dựa vào truyền thuyết, như câu chuyện Mỵ Châu rắc lông ngỗng để Trọng Thủy tìm theo... và nhất là dựa vào các bức vẽ, khối tượng Đông Sơn mô tả nam nữ bên nhau chúng ta có thể kết luận, chí ít, đến thời văn hóa Đông Sơn tình yêu trai gái đã xuất hiện phổ biến. Tình yêu trai gái gắn với những thiết chế hôn nhân đối ngẫu hơn là quần hôn hoặc hôn nhân tập thể.

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất: 'Tình yêu đồng' hơn 2.000 năm - Ảnh 3.

Tượng đôi nam nữ tình tứ, biểu trưng tình yêu nam nữ Đông Sơn (Sưu tập Nhà hàng Trống Đông Sơn, Hà Nội)

Trong quan niệm của tác giả bài viết này thì những hình ảnh giao phối nam nữ được nghệ nhân Đông Sơn thể hiện trên nắp thạp Đào Thịnh hay một vài trống đồng cũng như trai, gái trong nghi lễ "linh tinh tình phộc" không phản ánh nội dung "tình yêu nam nữ" mà phản ánh nghi lễ phồn thực đương thời. Chỉ những bức tượng trai gái đứng ôm nhau trên cán trâm cài đầu hay cán dao găm Đông Sơn... mới được xem như biểu cảm yêu đương không gắn liền với giao phối.

Một chiếc cán trâm cài đầu Đông Sơn trong sưu tập họ Đặng đã được tôi giới thiệu trong bài Bronze Loves được nói ở đầu bài. Chiếc trâm đồng chỉ dài chừng 12cm có phần chuôi thể hiện đôi nam nữ đứng ôm áp bụng vào nhau, tay mỗi người lồng qua lưng theo kiểu trên dưới so le rất đặc trưng Đông Sơn. Tôi tin rằng, người thợ đúc Đông Sơn muốn thổ lộ tình yêu nam nữ thuần túy hơn là một lễ nghi phồn thực.

Điều này được khẳng định khi quan sát tượng đôi nam nữ ôm eo, vén váy trên cán dao găm Đông Sơn hiếm hoi hiện trưng bày tại nhà hàng Trống Đông Sơn (Dong Son Drums) trên phố Trần Đăng Ninh, Cầu Giấy, Hà Nội. Đôi tượng nam nữ thể hiện người nam đóng khố, cô gái mặc váy ngắn. Tay trái chàng trai ôm lưng cô gái, tay phải vươn ra như đang tìm cách lật mép váy cô gái. Cô gái dùng tay phải ôm eo chàng trai, tay kia như tìm cách giữ cạp váy của mình. Cảnh tượng này rất dễ đồng cảm với các đôi trai gái hiện nay yêu nhau, dù miệng vẫn chuyện trò, hát đối, nhưng đích đến và cản đích nằm ở tay còn lại của mỗi người.

"Đồng chỉ nóng chảy ở nhiệt độ hơn 1.000°C và nguội nhanh ngay sau đó. Nhưng tình yêu trên đồ đồng Đông Sơn còn khiến đồng ấm nóng mãi cho đến tận hôm nay" - TS Nguyễn Việt.

TS Nguyễn Việt

Link gốc: TTVH