Australia cảnh báo về trò lừa đảo giả giọng người thân qua điện thoại
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, người dân Australia đang được cảnh báo về các trường hợp tội phạm sử dụng công nghệ giả giọng nói để lừa đảo qua điện thoại.
Năm 2022, “Hi Mum” (tạm dịch là "Chào Mẹ") đã trở thành một trong những trò lừa đảo phổ biến nhất ở Australia, khiến nạn nhân mất hàng triệu AUD vào tay bọn tội phạm giả danh người thân (thường là con cái). Trò lừa đảo này đơn giản nhưng hiệu quả, với hơn 11.000 trường hợp được báo cáo ở quốc gia châu Đại Dương này.
Giờ đây, trò lừa đảo này trở nên tinh vi hơn nhờ sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo (AI) để giả giọng nói. Giám đốc kỹ thuật số của Ngân hàng Quốc gia Australia (NAB), ông Suj Rana cho biết tội phạm đang sử dụng công nghệ tân tiến nhất để lợi dụng những bậc cha mẹ nhẹ dạ cả tin.
Ông cho biết trước đây trò lừa đảo “Hi Mum” sử dụng tin nhắn điện thoại, nhưng ngày nay, trò này đã phát triển thành một cuộc gọi điện thoại giả giọng nói của một thành viên trong gia đình đang gặp rắc rối. Những kẻ lừa đảo có thể tạo ra những cuộc điện thoại này chỉ với 3 giây video, thường được trích xuất từ tài khoản mạng xã hội hoặc từ tin nhắn thoại của người dân.
Giám đốc Rana cho biết mặc dù NAB vẫn chưa nhận được bất kỳ báo cáo nào về việc khách hàng trở thành nạn nhân của trò lừa đảo mới này, nhưng đó chỉ là vấn đề thời gian. Những trò lừa đảo này đã xảy ra ở Mỹ, Anh… và rất có thể chỉ trong vài tháng tới, sẽ xuất hiện tại Australia.
Theo trang web Scamwatch do Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia (ACCC) điều hành, dù công nghệ giả mạo giọng nói có thể giống với người thật, nhưng có một số dấu hiệu để nhận biết đây là một cuộc gọi lừa đảo, ví dụ cuộc gọi đến từ một số điện thoại lạ, hoặc người gọi yêu cầu chuyển tiền gấp và không nói cho ai biết, hoặc người gọi hỏi thông tin bảo mật, tài khoản ngân hàng hoặc chi tiết thẻ, hoặc nói rằng tài khoản của người nghe đã bị xâm nhập… Nếu người gọi yêu cầu người nghe cài đặt phần mềm hoặc truy cập tài khoản an toàn trên điện thoại hoặc máy tính, đó cũng có thể là một hành vi lừa đảo.
Ông Rana cho biết nếu nhận được cuộc gọi từ “người thân” yêu cầu gửi tiền và không chắc cuộc gọi đó có đáng tin hay không, điều quan trọng là người nghe phải xác nhận danh tính của người gọi trước khi gửi bất kỳ khoản tiền nào, chẳng hạn như cúp máy điện thoại và liên lạc lại với họ thông qua một phương thức tin cậy trước khi chuyển bất kỳ khoản tiền nào.
Ông cho rằng rất nhiều trò lừa đảo bắt đầu từ mạng xã hội vì đó là nơi bọn tội phạm lấy nội dung âm thanh. Vì vậy điều quan trọng là người dân phải xem lại tài khoản của mình và bất cứ khi nào có thể, cài đặt chúng ở chế độ riêng tư hoặc khóa lại. Ông Rana cũng khuyên người dân nên sử dụng xác thực đa yếu tố trên tài khoản mạng xã hội để tăng cường bảo mật. Trong khi đó, Scamwatch khuyên nên chuyển các cuộc gọi từ số điện thoại lạ vào hộp thư thoại và cúp máy nếu người nghe không biết chắc người gọi là ai. Ngoài ra, mọi người nên cúp máy khi bị người gọi đe dọa, không cấp quyền truy cập từ xa vào máy tính và không nhấn vào đường dẫn trong tin nhắn hoặc email.
Nếu biết mình đã bị lừa, người dân cần liên lạc ngay với ngân hàng để báo cáo hành vi lừa đảo và yêu cầu hủy mọi giao dịch, thay đổi mật khẩu trên tất cả các tài khoản và thiết bị trực tuyến, đồng thời liên lạc với IDCARE – dịch vụ hỗ trợ mạng và nhận dạng quốc gia – để được hỗ trợ thêm.