Ngẫm ngợi cuối tuần: Giang sơn cẩm tú
1. Vùng đất Trùng Khánh, Cao Bằng có rừng dẻ hàng vạn cây là đặc sản hiếm quý trời đất dành cho mảnh đất thần tiên này. Năm 1966, tôi được bạn học cùng Trường Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc, cô Vương Thị Hin, về nghỉ hè mang xuống cho một nắm. Còn nhớ mãi cái màu vàng mỡ gà và vị bùi béo ngọt để lại dư âm ngân vang mãi trong trí nhớ vị giác của loại hạt cây đặc sản này.
Ngồi với nhà văn Cao Duy Sơn, tôi nhắc lại kỉ niệm dịu ngọt đó thì vừa may người trên quê Trùng Khánh gửi cho ông hạt dẻ tươi! Thế là ông tặng cho một vốc to, dạy cách chế biến: tách, luộc, rang. Nửa giờ làm xong bóc ra nhìn cái màu vàng mỡ gà nhận ra ngay đặc sản quý năm xưa! Thật tuyệt vời, nếm thử vẫn nguyên vị trên 50 năm trước!
Được biết hạt dẻ Trùng Khánh mà ninh chân giò lợn sẽ cho món ăn tuyệt cú, không đâu có.
Hạt dẻ hiện trên thị trường không thiếu, nhưng đó là dẻ nước ngoài buôn về. Giống này thịt trắng nhợt, ăn nhạt không có vị béo bùi ngọt như dẻ vàng Trùng Khánh. Dẻ ruột vàng là một đặc sản của vùng đất kì bí Cao Bằng!
2. Năm năm trước tôi vào Mường Chiến, Sơn La được thấy ruộng nếp tan. Nhìn gié lúa đã thấy đẹp. Nếp tan hạt nhỏ như nếp hoa vàng nhưng vỏ có vân nâu nhẹ.
Hỏi ra mới biết nếp tan cũng một đặc sản Tây Bắc. Khi đồ xôi thì thì mùi thơm và độ dẻo của loại nếp này khó có loại nếp nào sánh kịp, kể cả nếp hoa vàng truyền thống miền xuôi. Hỏi ra, giá một cân nếp tan gấp hai lần nếp cái thông thường nhưng vẫn rất khó tìm. Giống ngon này năng suất thấp. Xôi nếp tan, để vào giỏ ếp treo tường cả ngày không lo thiu, vẫn thơm dẻo nguyên hương vị cốm mùa.
Tây Bắc còn có loại "khẩu ma tứn", có nghĩa là gạo "chó đứng dậy". Nấu cơm loại gạo ấy, cứ mở vung ra thì con chó trong nhà dù ở nằm chỗ nào cùng đứng lên rời chỗ vì hơi cơm. Gạo có hương thơm quá mà! Đi Tây Bắc mấy lần tôi muốn dò hỏi nhận mặt giống lúa ấy nhưng chưa lần ra được.
Người ta còn khen nếp Tú Lệ (Yên Bái) cũng là loại đặc sản thơm dẻo thách thức với nếp các vùng. Tôi chưa được thưởng thức nếp Tú Lệ nên không có lời bình. Nhưng phàm cái gì đã thành danh như nếp hoa vàng, cam Bố Hạ, bưởi Đoan Hùng, vải Thanh Hà, nhãn lồng Hưng Yên thì đều thuộc diện danh bất hư truyền, xứng danh đặc sản.
3. Có câu "Giang sơn cẩm tú". Câu đó rất hay và rất đúng với đất nước mình. Nên đi mọi vùng miền tôi hay tìm hỏi sản vật địa phương, mỗi vùng đất đều có những sản vật quý cống hiến cho con người.
Trên đất nước mình nơi nào cũng có những sản vật lạ, hiếm, quý. Tựa như anh hùng hào kiệt nơi nào cũng có. Chỉ có khác là sản vật thì biết ngay, còn anh hùng hào kiệt chỉ khi "loạn thế" mới xuất hiện. Còn bình thường thì lẫn trong dân.