Một 'lịch sử súng đạn' độc đáo của Việt Nam
Được giới thiệu tới đông đảo công chúng tại Bảo tàng Hà Nội trong tuần qua, Lôi động, Tinh phi của 2 tác giả trẻ Đông Nguyễn và Cao Việt Nguyễn (do NXB Dân trí và Comicola phát hành) được đánh giá là ấn phẩm khắc họa tương đối chi tiết về sự hiện diện của súng đạn trong lịch sử quân sự lẫn văn hóa Việt Nam.
1. Nguyên sử (pho sử được chép dưới thời Nguyên tại Trung Quốc) từng nhắc tới việc quân đội triều Trần sử dụng các loại pháo. Tuy nhiên, theo tác giả, pháo ở giai đoạn này có khả năng chỉ đơn giản là máy ném đá cơ khí, chưa có sự liên hệ tới loại súng bắn đạn trong những giai đoạn sau này. Thực tế, Nguyên sử cũng sử dụng danh xưng "pháo" cho một loại máy bắn đá của vương quốc Chăm Pa trong trận Thị Nại năm 1283.
Hơn 100 năm sau, cũng theo ghi chép của nhà Nguyên, hỏa súng đã tạo nên khoảnh khắc quyết định nhất của một thế kỷ giao tranh giữa Đại Việt và Chăm Pa, khi Chế Bồng Nga trúng đạn và tử trận trong cuộc chiến do Trần Khát Chân chỉ huy. Qua trận chiến, tác giả nhận định: Hỏa súng nhà Trần có khả năng bắn tầm xa với độ chính xác cao nên mới có thể pháo kích vào một thuyền chiến riêng lẻ từ cự ly hàng trăm mét, xuyên qua các lớp ván thuyền, mà vẫn còn động năng để sát thương đối thủ.
Việc sử dụng hỏa súng của quân đội nhà Hồ cũng được ghi chép lại trong Minh thực lục (pho sử được chép dưới thời Minh tại Trung Quốc) về cuộc chiến với quân Minh từ năm 1406-1407. Trong đó, quân nhà Hồ đã sử dụng súng, bên cạnh vũ khí lạnh như lao, nỏ để phòng thủ doanh trại.
Cũng trong giai đoạn này, ở trận chiến thành Đa Bang (nay thuộc địa phận thị xã Sơn Tây, Hà Nội), quân nhà Minh đã triển khai một vũ khí mới gọi là hỏa tiễn. 20 năm sau, theo tác giả, đến lượt người Việt Nam cũng sử dụng "công nghệ" này để chống lại quân Minh. Cụ thể, trong đợt công thành Đông Quan năm 1426, hỏa tiễn được quân Lam Sơn sử dụng bên cạnh các loại súng pháo. Tác giả phỏng đoán, hỏa tiễn này gồm 2 loại được phân theo cơ chế phóng, cụ thể là bằng sức đẩy của liều phóng gắn trên thân tên hoặc phóng bằng nòng súng như viên đạn.
Ngoài sử dụng làm vũ khí công kích, súng còn được quân Lam Sơn dùng trong hiệu lệnh, được gọi là lệnh pháo. Quân ngũ quy định số lượng tiếng pháo làm căn cứ để binh sĩ có thể hiểu được mệnh lệnh ban ra. Đây được xem là bước khởi đầu cho truyền thống sử dụng hỏa khí làm tín hiệu.
Trong giai đoạn thế kỷ 16 tới 18, súng ống của Việt Nam vẫn có nhiều chủng loại là thiết kế tự thân hoặc học từ Trung Hoa. Tuy nhiên, qua những cuộc tiếp xúc với người phương Tây, súng châu Âu được thiết kế từ cuối thế kỷ 15 đã cho thấy những điểm vượt trội so với súng Á Đông. Các cuộc nội chiến Nam - Bắc triều và phân tranh Trịnh - Nguyễn đã tạo động lực để các bên săn đón những cải tiến mới.
Vua Minh Mạng đã gọi hỏa pháo là "vật có thần cai quản", cho dựng miếu thờ Thần Hỏa pháo.
2. Không chỉ trên chiến trường, hình tượng hỏa khí còn có vị trí nhất định trong văn hóa Việt Nam. Ngay từ khi mới manh nha ở Việt Nam, súng đạn được coi là "thần binh lợi khí" để khuất phục những thành lũy kiên cố tưởng chừng không thể công phá. Cảnh tượng muôn dặm pháo binh thổi bay những thành cao quách dày trong một bài thơ của Trần Nguyên Đán đã cho thấy sự thán phục của quân Trần trước loại vũ khí mới mẻ này với câu "Vạn lý pháo tồi hùng hổ lũy"(Muôn dặm súng lớn, bắn tan lũy gấu hổ).
Sau này, vua Minh Mạng đã gọi hỏa pháo là "vật có thần cai quản", cho dựng miếu thờ Thần Hỏa pháo. Tên các loại súng, pháo thường được đặt gắn với chữ "Thần" như thần cơ, thần công, thần uy… Bên cạnh thờ cúng súng, nhà Nguyễn còn "nhân cách hóa" các khẩu súng có công trạng hoặc có những đặc thù nổi bật, ban cho tên gọi và chức tước. Nổi tiếng nhất có lẽ là 9 khẩu súng Thần uy vô địch Thượng Tướng quân, được Gia Long cho đúc vào năm 1803 và phong tước vị (nay được biết đến với tên gọi Cửu vị thần công). Bản thân cây súng điểu thương của Gia Long cũng được Minh Mạng phong là Võ công lương khí.
Đặc biệt, trên Cửu đỉnh được đúc dưới thời Minh Mạng, vua đã cho đúc 9 loại vũ khí tiêu biểu của quân đội nước ta. Đáng chú ý, có 5 loại vũ khí nóng gồm: Đại pháo, luân xa pháo (pháo đặt trên bánh xe di động), điểu thương (súng hỏa mai), hỏa phún đồng (ống đồng phun lửa), hồ điệp tử (đạn khi nổ có hình cánh bướm). Chưa hết, trong quan niệm Nho giáo, bắn súng (xạ) là một trong lục nghệ (gồm: Lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số) mà người quân tử phải thông thạo. Bởi vậy, Minh Mạng khuyến khích văn thần cũng nên tập luyện bắn súng khi rảnh rỗi.
Ngoài triều đình phong kiến, dân gian cũng lưu truyền những câu chuyện ly kỳ về thần lực của cây súng với khả khuất phục, xua đuổi hung thần, ma quỷ. Như vậy, có thể thấy, tuy là một khí giới quân sự, nhưng súng chiếm một vai trò không hề nhỏ trong đời sống tinh thần và văn hóa dân gian của người Việt Nam.