Đội tuyển Việt Nam: Đừng bay bổng thêm nữa...

Muốn nhanh thì cứ phải… từ từ. Mệnh đề này luôn đúng với bóng đá và cả thể thao Việt Nam, và ở thời điểm hiện tại, cần phải xem đó là phương châm hành động của các nhà quản lý.

Đã đến lúc chúng ta nên tạm quên các yếu tố mang tính "kỳ tích" vì rõ ràng, đó là điều chúng ta không thiếu, và cũng vì thế mà chúng ta lại thiếu tính thực tế trong hành động, chiến lược của mình.

1. Sự kiện nóng nhất hiện tại là cuộc "chia tay không đòi quà" giữa bóng đá Việt Nam và HLV Philippe Troussier. Thật vô tình, việc kém vui này lại che khuất mất chiến thắng của bộ đôi Trần Quyết Chiến - Bao Phương Vinh ở giải vô địch thế giới carom 3 băng.

Việt Nam hiện đang là nhà vô địch thế giới ở 3 giải đấu lớn nhất của nội dung billiards này (World Cup,  vô địch thế giới đồng đội và cá nhân). Có người sẽ nói, vì carom 3 băng không phải là billiards chính thống, ít phổ biến hơn các nội dung pool hay snooker, nhưng đây không phải là điều quan trọng. Quan trọng là chúng ta chơi giỏi thể loại nào thì sẽ vươn đến đỉnh cao ở thể loại đó. Carom là nội dung billiards phổ biến tại Việt Nam và về cơ bản, môn chơi này phù hợp với tố chất của người Việt Nam, nên đó là một trong vài môn hiếm hoi mà chúng ta có thể thi đấu ở tầm thế giới.

Đó chính là một yếu tố mang tính thực tế. Chúng ta chơi giỏi carom tự do (libre) thì sẽ dễ thành công với carom 3 băng, và cũng có thể vì thế mà sẽ không thể chơi pool hay snooker giỏi như các quốc gia phổ biến những nội dung này. Điều đó có nghĩa, cho dù là  môn thể thao này phù hợp với tố chất của người Việt, thì cũng không đơn giản là chúng ta phát triển đều ở các nội dung của billiards.

Thể thao đỉnh cao là vậy, luôn cần quá trình dài lâu và những yếu tố liên quan đến bề rộng, độ sâu của các môn thể thao, chưa kể một vài khía cạnh cần có thêm yếu tố văn hóa, xã hội. Thế nên, không phải vì chúng ta có những nhà vô địch ở carom 3 băng thì sẽ tự tin tuyên bố đến một ngày nào đó, sẽ có những nhà vô địch thế giới ở các nội dung còn lại.

Nói như vậy không sai, nhưng nó mang tính chất cảm tính. Bởi đơn giản là với thể thao đỉnh cao, mọi thứ cần được chứng minh bằng các con số, thành tích. Các nội dung không phải 3 băng đã phát triển lâu chưa, số lượng người chơi cũng như tỷ lệ VĐV chuyên nghiệp ra sao? Có bằng với những quốc gia phát triển nội dung này hay không?

Chưa kể, dù chúng ta có tiến bộ thì các cường quốc ở những nội dung ấy cũng đâu có đứng yên, vậy thì tốc độ tiến của ta so với họ như thế nào? Tỷ lệ theo thời gian ra sao.

2. Hãy đến với câu chuyện tìm suất dự Olympic của thể thao Việt Nam. Gian nan vô cùng. Hàng trăm lần thử sức ở hạng chục môn, cũng chỉ "mơ" đến 10-15 vé đi Paris. Mà trong số đó, cũng có rất ít % cơ hội đoạt huy chương.

Hãy nhớ rằng, thể thao Việt Nam dự Olympic đầu tiên từ năm 1980, cũng đã có những kỳ tích như của Trần Hiếu Ngân và Hoàng Anh Tuấn rồi mới xuất hiện chiếc HCV lịch sử của Hoàng Xuân Vinh.

Đừng bay bổng thêm nữa... - Ảnh 1.

3 thất bại liên tiếp của ĐT Việt Nam dưới thời HLV Troussier trước ĐT Indonesia cho thấy World Cup vẫn là giấc mơ khó với của bóng đá Việt Nam. Ảnh: Hoàng Linh

Hơn 40 năm tham dự Thế vận hội, kể cả khi tiếp cận đến những đỉnh cao thông qua các môn thi đấu có yếu tố phù hợp nhờ hạng cân hoặc nội dung sở trường, thế mà bây giờ chúng ta vẫn phải đi tìm từng tấm vé ít ỏi để tham dự ngày hội lớn. Gian nan như vậy là bởi chúng ta có thể tạo ra kỳ tích nhưng thực lực thì không đủ để duy trì, trong khi đó, các quốc gia khác đều có thể tiến bộ nhiều hơn, nhanh hơn.

Chính vì thế, nếu chỉ căn cứ vào kỳ tích rồi bay bổng, không đánh giá đầy đủ mọi thứ, thì trước sau gì cũng vấp ngã trong thất vọng do thiếu yếu tố nền tảng. Ngành thể thao vẫn hay nói về việc đầu tư trọng điểm, và trên thực tế cũng có tiến hành, như trường hợp của Nguyễn Thị Ánh Viên với khoản đầu tư tốn kém tại Mỹ.

Nhưng vấn đề là thể thao Việt Nam vẫn cứ vừa trọng điểm, vừa trải rộng mục tiêu. Vừa muốn tăng số vé dự Olympic nhưng cũng vừa phải cắt chỗ này, giảm chỗ kia để có đủ ngân sách đưa VĐV đông đảo đi SEA Games để hoàn thành mục tiêu nhất toàn đoàn. SEA Games thì 2 năm diễn ra một lần, thế là VĐV luôn phải cố gắng thực hiện "nhiệm vụ kép". Với mức độ tập trung như vậy, làm sao đạt được các yếu tố "trọng điểm"?!

3. Trở lại với câu chuyện thời sự của bóng đá Việt Nam. Chúng ta đều biết, trước thời điểm kết thúc hợp đồng của mình, HLV Park Hang Seo đã chủ động nói lời chia tay.

Ông thậm chí đã tuyên bố điều này ngay trước AFF Cup 2022, giải đấu mà ông vẫn làm điều mà chỉ có 2 người khác từng làm được, đó là đưa Việt Nam vào đến trận chung kết với Thái Lan sau khi đánh bại chính Indonesia ở bán kết. Điều gì khiến một người xem Việt Nam như quê hương thứ 2, và hiện đang sống, làm việc ở Việt Nam, lại không muốn tiếp tục công việc đã mang đến cho ông mọi thứ đẹp đẽ nhất sự nghiệp?

Rõ ràng, khi đó dàn cầu thủ trong tay của HLV Park Hang Seo vẫn đủ tốt để có thêm một vài chiến tích khác dù không đến tầm "kỳ tích" như trước đó. Hình như không ai quan tâm cả. Chúng ta cứ thế bay bổng với giấc mơ World Cup, không muốn lắng nghe vị "kiến trúc sư", người đã đặt nền móng cho chính giấc mơ đó khi đưa đội tuyển Việt Nam đến vòng loại thứ 3 World Cup 2022.

Đâu ai hiểu rõ thực lực của đội tuyển Việt Nam bằng ông Park Hang Seo. Nhưng có lẽ ông phải chia tay vì chính sự bay bổng của những người trong cuộc khiến cho việc ở lại của ông rồi cũng nhận một kết cục tương tự như người đồng nghiệp Troussier.

Đó chính là vấn đề rất lớn của bóng đá Việt Nam. Trước và sau thời HLV Park Hang Seo, thực tế thì bóng đá Việt Nam vẫn chưa khi nào hội đủ những yếu tố của một nền bóng đá có thể dự World Cup. Không phải tự nhiên mà đa số các CLB của V-League vẫn quen chơi phòng ngự phản công, phất bóng dài và sử dụng các tiền đạo ngoại binh. Đâu phải họ không biết xu hướng kiểm soát bóng, không muốn đá đẹp để thắng. Nhưng con người ở đâu để tạo ra các sự thay đổi đó khi hệ thống đào tạo và thi đấu tuổi U chẳng có gì khác.

Nhưng vì cứ bám vào các kỳ tích, nên rơi vào trạng thái lơ lửng. Trong sự bay bổng ấy, thì cái tên Troussier trở nên "đẹp khó cưỡng". Giờ thì sao? Phó Chủ tịch VFF Trần Anh Tú nói rằng sẽ chọn HLV ngoại giỏi, phù hợp và cầu thị.

Đặt ra các tiêu chí ấy thì dễ, nhưng toàn những khái niệm rất mơ hồ. Giỏi thì phải lương cao, chúng ta kham nổi không? Phù hợp là phù hợp với cái gì, liệu có đánh giá chính xác nào về tình hình của bóng đá Việt Nam hiện tại chưa?

Điều may mắn cho bóng đá Việt Nam là thế hệ cầu thủ dưới thời HLV Park Hang Seo hiện cũng chỉ mới 28-29 tuổi. Nghĩa là chúng ta vẫn có thể "tái sử dụng" họ trong 3-4 năm nữa để chờ đợi một thế hệ cầu thủ kế tiếp chứ không đến mức "xóa đi, làm lại" như trước đây.

Nếu đánh giá đúng tình hình, chọn lựa HLV phù hợp, đặt ra những mục tiêu hợp lý, thì bóng đá Việt Nam sẽ không sa sút nhanh. Nhưng như đã nói, sau thời gian bay bổng quá mức, liệu có đủ dũng cảm để sửa chữa các tồn tại bao năm qua của hệ thống bóng đá nội địa hay không?

Theo thông tin từ VFF, trong hai tháng tới, nếu tìm được ứng cử viên phù hợp thì có thể tiến hành trong dịp FIFA days tháng 6 tới, nếu không thì cũng sẽ có phương án HLV tạm quyền, giống như năm 2017 vị trí HLV trưởng đội tuyển quốc gia đã được giao cho HLV Mai Đức Chung tạm quyền dẫn dắt. HLV trưởng đội tuyển quốc gia sẽ được xem xét, đánh giá dựa trên tiêu chí về uy tín, về trình độ chuyên môn và điều quan trọng nữa là phải phù hợp với bóng đá Việt Nam.


Long Khang

Link gốc: TTVH