Góc nhìn 365: Dư âm của 'lễ hội'

Ngày hôm nay 28/11, lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2023 sẽ bế mạc - chậm hơn 2 ngày so với dự kiến. Như chia sẻ từ phía tổ chức, sự háo hức của khán giả Hà Nội, với lượt khách lên tới con số gần 200 ngàn người, là lý do để lễ hội này được kéo dài.

Nhìn những dòng người xếp hàng dài chờ vào tham quan tháp nước Hàng Đậu, trải nghiệm "chuyến tàu di sản" qua sông Hồng hay thưởng ngoạn các thiết kế sáng tạo trong nhà máy xe lửa Gia Lâm, có thể khẳng định: Đây là lần đầu tiên trong đời sống thường ngày, nhà máy - hoặc kiến trúc công nghiệp cũ - của Hà Nội lại thu hút đông người xem và "chiếm sóng" truyền thông nhiều như vậy.

Tất nhiên, nếu chỉ là tháp nước hay nhà máy đơn thuần, thì những cơ sở công nghiệp cũ của Hà Nội không thể thu hút người xem như vậy. Hơn 1 tuần qua, điều làm nên sức sống ở đó chính là một chuỗi gần 90 hoạt động văn hóa được triển khai trên nền những công trình cũ, với sự đóng góp của gần 200 người thuộc các nhóm thiết kế sáng tạo khác nhau.

Góc nhìn 365: Dư âm của 'lễ hội' - Ảnh 1.

Từ ga Gia Lâm, du khách có thể đi bộ đến Nhà máy xe lửa Gia Lâm, nơi tổ chức những sự kiện chính của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023. Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN

Chẳng hạn, trong lần đầu "mở cửa" đón khách sau nhiều năm, không gian trong lòng tháp nước Hàng Đậu gắn với một cuộc triển lãm sắp đặt với sự tổng hòa giữa âm thanh, ánh sáng, các trải nghiệm thị giác… để vừa tạo ấn tượng mới với du khách, vừa tôn lên nét kiến trúc đặc biệt của không gian từng được so sánh với hình dạng của một đấu trường La Mã này. Ở đó, riêng phần âm thanh trong lòng tháp đã có sự ứng dụng các cao độ khác nhau của 6 tiếng nước chảy (trong khe, trong hang động…) để tạo nên thứ âm thanh nền có thể đưa tâm trí của khán giả đến những chiều kích rộng lớn, mênh mông hơn…

Hoặc, trên một đoạn đường ray của Nhà máy xe lửa Gia Lâm, nơi gắn với những nhà xưởng cũ kỹ và chen cùng cây cỏ, cụm thiết kế "Bến chờ" được triển khai. Tại đây, các kiến trúc mới bằng thép được dựng lên với các đường cong tối giản, có phủ lớp phản quang để soi chiếu bối cảnh xung quanh. Mô phỏng kiến trúc của một nhà chờ thu nhỏ với đầy đủ mái che và ghế ngồi, thiết kế này vừa là sân khấu tổ chức sự kiến chính vừa làm điểm dừng chân cho du khách mỗi lần cần nghỉ ngơi và ngắm nhìn một vẻ đẹp tưởng như bị lãng quên của một thời.

Rồi, từ một phân xưởng phủ bụi thời gian, thiết kế "Phân xưởng nóng" được tổ chức với những cốt sàn có cao độ khác nhau. Đan xen cùng những cỗ máy cũ và hệ thống cầu nối, đây vừa là nơi tổ chức hội thảo, vừa giúp người xem khám phá cảm giác vô tận về không gian khi lần lượt di chuyển qua các mặt sàn…

***

Sau lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2023 này, các cơ sở công nghiệp được nhắc tới ở trên sẽ lại… trở về với đời sống thường nhật. Đơn cử, tháp nước Hàng Đậu hiện vẫn thuộc quyền quản lý của Tổng Công ty Nước sạch Hà Nội và chưa có kế hoạch mở cửa đón khách về lâu dài. Trong khi đó, Nhà máy xe lửa Gia Lâm vẫn là một đơn vị sản xuất - và để có thể triển khai các triển lãm vừa qua, phía nhà máy đã phải di chuyển cả trăm tấn dụng cụ, thiết bị, sản phẩm… để cung cấp mặt bằng.

Và cũng cần nói rõ, những gì vừa diễn ra chỉ là một phần trong nhiều cách tiếp cận các di sản công nghiệp tại Hà Nội. Trên lý thuyết, nếu được khai thác tốt, các cơ sở công nghiệp cũ ấy có thể là nơi tổ chức luân phiên các triển lãm và trưng bày trong năm, có thể được "đánh thức" bằng việc đan xen những công trình dịch vụ mang màu sắc hoài cổ. Và quan trọng nhất, chúng có thể trở thành những không gian sáng tạo, nơi "ươm mầm" cho các ngành nghề trong lĩnh vực này để tạo ra sự kết nối, cộng hưởng liên ngành.

Nhưng, muốn hướng tới cái đích ấy, câu chuyện lại nằm ở việc các cơ sở công nghiệp cần được chuyển đổi mục đích sử dụng để phát triển công nghiệp sáng tạo, phục vụ công cộng hay làm cơ sở hạ tầng cho ngành công nghiệp văn hóa. Có nghĩa, đó phải là những bài toán liên quan tới quy hoạch, cũng như các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, để có thể phân bổ những không gian này một cách hợp lý và lâu dài cho những người làm công tác sáng tạo.

Dù sao, với một tuần lễ được "đánh thức" vừa qua, các di sản công nghiệp tại Hà Nội cũng đã có tiền đề tốt để hy vọng vào một tương lai khác cho mình, trong sự chờ đợi của cộng đồng.

Trí Uẩn

Link gốc: TTVH