Tìm về trang phục thời Đông Sơn (kỳ 5): Thợ may Đông Sơn và sự khởi đầu nghề thêu
Thợ may Đông Sơn là một loại "thợ" có lẽ xuất hiện khá muộn sau thời Đông Sơn nhiều thế kỷ. Và chữ "thợ may" dùng trong trường hợp này chỉ mang ý nghĩa "vay mượn" mà thôi, nhằm bàn đến một lĩnh vực mà chúng tôi đã có bằng chứng khảo cổ học trong thời Đông Sơn, đó là việc "chế" thành các đồ trang phục đương thời.
1. Một trong những bằng chứng mà chúng tôi có được sớm nhất khi rũ ra hơn 100 miếng vải từ phần ngực trái của chàng thanh niên cao to trong mộ 2000CC-M01 (mộ số 1 cuộc khai quật chữa cháy Châu Can năm 2000) là những miếng còn giữ nguyên trạng phần mép đang ở trạng thái đã được khâu "lên gấu".
Như đã đề cập đến ở các phần trước khi nói về nghề dệt Đông Sơn, một đặc điểm bao trùm nghề dệt cổ truyền Việt Nam là các tấm vải chỉ được bo chặt hai rìa hai bên nhờ việc chiếc suốt sợi ngang chạy đi chạy lại, do đó, không sợ các sợi vải bung ra từ các cạnh đó. Việc chế vải tấm thành các hạng mục cụ thể chỉ có thể cắt ngang chiều dài tấm vải.
Lối dệt may hiện còn của người Mông giúp chúng tôi rất nhiều trong nhận thức về tình trạng các miếng vải Đông Sơn khai quật được ở Châu Can, Động Xá. Hiện còn lưu giữ trong bảo tàng vải sợi cổ truyền của chúng tôi hàng vài chục cuộn vải lanh của người Mông bán trong các phiên chợ Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang…từ trên 20 năm trước. Chúng rộng và dài đều không giống nhau, tùy thuộc vào số đo ngang vai của thành viên gia đình hay chiều rộng muốn có của các băng vải và chiều rộng sải tay của người phụ nữ dệt vải: số đo ngang vai quyết định số sợi sẽ được đặt dọc khung cửi và sải tay người phụ nữ dệt quyết định số lần nhân lên của chiều dài cuộn vải.
Khi có cuộn vải đó rồi, người phụ nữ may trang phục (quần, váy, áo, thắt lưng, đai buộc trán, địu đeo lưng, cõng trẻ …) sẽ chỉ ướm từng hạng mục để cắt ngang cuộn vải. Chỗ vừa cắt ra có nguy cơ sẽ làm các sợi ngang bung ra. Nên việc đầu tiên mang tính "thợ" là phải vén gấp và khâu hãm chúng lại. Thuật ngữ mà chúng ta quen gặp gọi là "lên gấu". Chi tiết này rất quan trọng cho phép chúng ta nhận ra chiều dọc miếng vải và giới hạn của trang phục. Tại đây bộc lộ sự "khéo tay" hay "vụng về" của người phụ nữ khi luồn kim đưa sợi vào một tấm vải đã hoàn thiện sẵn, mở ra hướng sáng tạo tiếp theo của nghệ thuật thêu thùa.
2. Chúng ta hãy quay trở lại với các bằng chứng Đông Sơn. Tôi đã dỡ được một tấm vải gai to, đẹp và "tươi" nhất trong số 108 miếng vải ở mộ Châu Can, và sau khi nghiên cứu xong đã khéo léo ép lên hai tấm kính, đóng khung tặng Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam để đấu giá gây quỹ vào năm 2001. Điều đáng quý của tấm vải này, mà tôi từng đặt tên là "mảnh khố của Chử Đồng Tử" là ở đường diềm gấp khâu "lên gấu" bởi những nhịp sợi rất đều, đẹp.
Cùng với miếng vải này, tôi còn gom được ba bốn đoạn diềm lên gấu khác nữa, có lẽ cũng từ miếng này mà ra. Đo chi tiết, tôi nhận ra nếp gấp "lên gấu" như vậy thường là hai gấp rộng 7 - 8 mm và nhịp khâu trong khoảng 5 - 6mm tạo nếp gấu dày, kín, đều đặn. Có lẽ, chỉ trang phục mới cần những đường lên gấu như vậy. Khi lật tấm vải cuộn xác của chủ nhân mộ Động Xá 2004-M01, chúng tôi ít thấy những đoạn lên gấu như vậy, mặc dầu một vài chi tiết cho thấy đó là những tấm vải dệt có những sọc băng tơ tằm.
Từ việc quan sát các diềm lên gấu trong số hơn 1.000 mảnh vải lấy từ mộ Động Xá năm 2001, tôi phát hiện ra một vài mảnh lên gấu không bằng những sợi cùng loại với vải, mà bằng loại sợi nhuộm chàm khác hẳn màu sợi nền tự nhiên khiến cho đường khâu diềm gấu trở thành một đường trang trí nổi bật. Tôi rất mừng vì đã "tóm" được chứng cứ của sự khởi đầu nghề thêu.
Quan sát kỹ hơn, tôi còn nhận ra rằng đoạn diềm gấu đó đã được hãm cố định bằng sợi đồng màu với vải nền, và sợi mà được đưa vào nhằm mục đích trang trí riêng chứ không chỉ là sự kết hợp lên gấu bằng loại sợi khác màu. Sợi chỉ khác màu đó khiến cho diềm gấu nổi bật như một thanh màu chặn ngang giới hạn của trang phục.
Tôi nhớ năm đó, khi thấy tôi giới thiệu những phát hiện mới đó trên các phương tiện truyền thông, ông chủ tên Quân của Công ty Thêu ở Đà Lạt nhân trưng bày sản phẩm thêu ở Triền lãm Giảng Võ (Hà Nội) đã gọi điện đến liên hệ xin tôi bài viết. Không phải chỉ có đoạn chỉ màu thêu cài vào diềm gấu trang phục mà tôi còn phát hiện những nhịp đan dệt khác thường ở một miếng vải thô dày và một búi hình hoa đồng màu nền vải trong sưu tập vải khảo cổ Đông Sơn ở Động Xá.
Điều cuối cùng đáng nói trong bài hôm nay là việc đính những dây gắn cọng hoa lá trang trí trên vải. Bằng chứng là những đụn nhựa cây thấy trên miếng vải dỡ từ ngực trái người chết ở Châu Can năm 2000 cùng với đoạn thừng nhỏ (đường kính chừng 2mm) được buộc thành đốt đều nhau. Thoạt đầu, tôi nghĩ đến câu chuyện "thời Hùng Vương dùng nút thừng làm văn tự". Nhưng khi thấy một đoạn cuộng lá hay hoa còn dính trên nốt đó kèm theo đụn nhựa cây, tôi nghĩ đến khả năng người xưa tạo ra một dây hoa trang trí cuốn quanh xác người chết.
3. Có lẽ, tôi sẽ tạm dừng nói chuyện về kết quả phát hiện và nghiên cứu vải sợi Đông Sơn để những buổi sau chuyển sang kể về những bằng chứng của sử dụng lụa tơ tằm và về những bằng chứng khảo cổ học trang phục Đông Sơn.
Năm 2007, tôi viết bài Khảo cổ học vải sợi Đông Sơn đăng trên tạp chí Khảo cổ học nhấn mạnh việc chúng ta mới chỉ "bắt đầu" tiến vào một lĩnh vực vừa cần kiên nhẫn, may mắn và cả những trang thiết bị xử lý, bảo quản rất tốn kém (hạch toán khoảng 10 USD cho 1cm2 vải khảo cổ).
Tuy nhiên, sự mới chỉ bắt đầu này cho thấy sức rọi sáng mãnh liệt của chúng vào tiền sử còn rất mờ ảo của đất nước ta. Kho tàng tư liệu trong lòng đất còn rất nhiều, với hàng trăm ngôi mộ thân cây khoét rỗng Đông Sơn chôn trong tầng bùn sú vẹt yếm khí ở những vùng đồng bằng xưa kia là vịnh biển. Chương trình khảo cổ học vải sợi Đông Sơn do tôi khởi xướng từ 2001 đã từng được các chuyên gia Đại học và Bảo tàng Quốc gia Úc hưởng ứng bằng cuộc khai quật Động Xá 2004. Nhưng rõ ràng là chưa đủ.
Vừa sáng hôm 10/4, đồng chủ trì với tôi tại phiên báo cáo khoa học trong Hội nghị Lịch sử hợp tác nghiên cứu khoa học Việt Nam - Ba Lan trong lĩnh vực Địa chất và Bảo tồn Di sản Văn hóa, bà Marta Zuchowska, Tiến sĩ khảo cổ học đến từ Đại học Warsaw (Ba Lan) đã bày tỏ việc ấp ủ một dự án quốc tế tiếp tục khai quật và nghiên cứu vải khảo cổ thời Đông Sơn dựa trên những thành tựu ban đầu mà tôi và đồng nghiệp trong Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đã có được.
Hy vọng, tôi sẽ còn tiếp tục được "rì rầm" kể chuyện cho các bạn nghe những phát hiện và nghiên cứu mới về vải sợi và trang phục trong một tương lai rất gần, chỉ sau một vài năm thôi.
Từ việc quan sát hơn 1.000 mảnh vải lấy từ mộ Động Xá năm 2001, tôi phát hiện ra một vài mảnh lên gấu bằng loại sợi nhuộm chàm khác hẳn màu sợi nền tự nhiên. Tôi rất mừng vì đã "tóm" được chứng cứ của sự khởi đầu nghề thêu" - TS Nguyễn Việt.
(Còn tiếp)