Luna Luna - 'kho báu công viên' hồi sinh sau 40 năm
Luna Luna - một công viên giải trí, nơi hội tụ tác phẩm của những nghệ sĩ tinh hoa trong thập niên 1980 - vừa được khôi phục tại Mỹ và chuẩn bị trưng bày sau gần 40 năm bị bỏ quên. Đáng nói, sự hồi sinh của nó chủ yếu đến từ nguồn tài trợ của rapper, "ông hoàng stream" Drake
"Đó không phải là phép màu sao?" - Daniel McClean, một luật sư, nay chuyển sang làm ông bầu của Luna Luna - thốt lên, khi nhìn chiếc đu quay quay chầm chậm trong một nhà kho tối ở trung tâm thành phố Los Angeles, Mỹ.
Báu vật bị lãng quên
Khi 512 bóng đèn màu hổ phách gắn trên các nan hoa và vành kim loại của đu quay được bật lên, cảm giác thật sự mê hoặc bắt đầu. Khán giả như bước sang một thế giới khác, khơi dậy bao hoài niệm về những chuyến đi hội chợ ngày nhỏ. "Đây sẽ là sân chơi cho mọi người trong ít ngày tới" - McClean nói.
Quyến rũ hơn, đó là vòng quay với những bảng màu trắng nhạt, tái tạo những thứ lặt vặt bí ẩn, khó hiểu và đáng ngạc nhiên: ruồi vo ve quanh mì spaghetti, mũ đội đầu và tia sét, con gà xiên nướng lửa.… Còn trên bậc thang là phần thân sau to tướng, phô phang, đầy lông của một khỉ đầu chó.
Xù xì nhưng thanh lịch, cổ điển nhưng tinh tế theo cách nào đó, hình ảnh đáng kinh ngạc này chỉ có thể khiến ta nhớ tới trí tưởng tượng của thần đồng người Mỹ thời kỳ sung mãn Jean-Michel Basquiat, người nổi đình đám trong làng nghệ thuật New York cuối thập niên 1990 và qua đời khi chỉ mới 27 tuổi.
Những điều ấy chỉ là một phần về Luna Luna - một công viên giải trí bị lãng quên từ lâu, được dựng ở Đức chỉ trong một mùa Hè năm 1987, với sự hấp dẫn từ các nghệ sĩ đương đại lừng lẫy. Nhiều người hẳn sẽ giật mình khi nhìn dàn nghệ sĩ thiết kế công viên: bên cạnh Basquiat là Keith Haring, Roy Lichtenstein, Salvador Dalí, David Hockney, Kenny Scharf, Roland Toper, Jean Tiguely và Sonia Delaunay! Một phần tác phẩm của những nhân vật này cũng đủ làm nên một triển lãm nghệ thuật rình rang, chứ đừng nói tới chuyện họ quy tụ ở một chỗ!
Gần đây, vòng quay Basquiat vừa được trưng bày trong một triển lãm ở Los Angeles. "Vẫn sẽ còn nhiều việc phải làm" - McClean hồ hởi nói giữa tiếng ồn ào của máy nâng và sự tất bật của những người lo đánh bóng đồ trưng bày. Sau đó, ông chia sẻ lại câu chuyện đầy mê hoặc về Luna Luna.
Theo tờ Der Spiegel, Heller từng từ chối tài trợ từ McDonald do "không muốn xây một công trình na ná Disneyland".
Rực rỡ nhất trái đất
Ngoài Drake, trung tâm của câu chuyện này là một nhân vật có sức lôi cuốn khác: nhà thông thái người Áo Andre Heller, một nhà thơ, một ngôi sao nhạc pop, nhà vận động vì hòa bình và "chuyên gia pháo hoa". Ông cũng là người bị mê hoặc bởi hồi ức về những công viên ở Vienna, nơi ông được sinh ra.
Heller năm nay 76 tuổi. 47 năm trước, ông đến thăm Sonia Delaunay - nhà mỹ thuật hiện thực người Pháp gốc Ukraine - tại xưởng của bà ở Paris, và thuyết phục bà về ý tưởng kỳ diệu của mình: Kiến tạo một công viên, nơi hội tụ dấu ấn của tất cả nghệ sĩ tinh hoa thời bấy giờ trong một địa điểm.
Được truyền cảm hứng, Delaunay đã sản xuất một cổng chào lớn, được trang trí năng động bằng các hình tam giác, hình đĩa và bán nguyệt đầy màu sắc. Với một nhân vật đình đám như vậy đồng ý tham gia, Heller càng có động lực để hiện thực hóa ý tưởng của mình.
Ngoài nhà soạn nhạc người Mỹ John Cage là người duy nhất từ chối tham gia, tất cả các nghệ sĩ được Heller mời đều thích thú trước tầm nhìn của ông - dù tiền công đưa ra (khoảng 10.000 USD mỗi người), như ông nhớ lại, "rẻ một cách lố bịch". Họ được tài trợ bởi nhà xuất bản Đức của tạp chí Neue Revue vào năm 1985 là 350.000 USD (tương đương 1 triệu USD ngày nay).
Số tiền này cũng được chi cho đội ngũ 200 người gồm thợ mộc, thợ điện, người làm mô hình, kỹ sư kết cấu và kiến trúc sư - những người dựng lại các ý tưởng mà Heller miêu tả, để tạo nên "một thành phố nhỏ có thể di chuyển, có thể thu hút hàng trăm ngàn người xem".
Cuối cùng, vào đầu tháng 6/1987, Luna Luna - đặt theo tên công viên giải trí Luna ở Brooklyn (New York) - được khai trương tại một khuôn viên công cộng ở Hamburg, Đức. Trong gần 3 tháng, có gần 300.000 người tới xem. Giấc mơ kết nối nghệ thuật tiên phong với khán giả đại chúng của Heller đã thành sự thật. Tạp chí Life gọi công viên là "buổi trình diễn nghệ thuật rực rỡ, quay cuồng nhất trên trái đất".
Tại đây, sau khi đi qua cổng chào của Delaunay, khán giả tới với một dãy trưng bày vui mắt khoảng 30 trò chơi, gian hàng. Ở bên phải, trong gian hàng do Roy Lichtenstein thiết kế, khán giả được nghe nhạc của Philip Glass. Còn bên trái là tác phẩm Dream Station của Heller - một chiếc lều bơm hơi kiêm tác phẩm điêu khắc, được may từ lụa bóng, trông giống như tầm nhìn xa xưa về quả bí ngô và quán cà phê.
Đi về phía trước là tòa tháp hình như cái trống Enchanted Tree của David Hockney, cao gần 8 mét, thiết kế tối giản, được sơn hình khu vườn cổ tích với những hàng cây đỏ thẫm, những mảng lá xanh, lồng vào nhau khéo léo như trò ghép hình của trẻ em. Bên trong, khán giả có thể nghe ghi âm hòa nhạc của dàn giao hưởng Berlin, do Herbert von Karajan chỉ huy.
Xa nữa là vòng quay Basquiat (quay theo ca khúc Tutu của Miles Davis, theo như yêu cầu của người nghệ sĩ). Rồi một chiếc đu quay đầy màu sắc, giống như bút chì của Keith Haring với nhiều bức chân dung ở trụ quay.
Ở những nơi khác, còn có gian bắn súng do Georg Baselitz vẽ tường, nhà gương Dalí Dome của Salvador Dalí (ông còn thiết kế tranh tường trong nhà ăn của công viên)… Thậm chí, tại nhà vệ sinh, mặt tiền là một bức hình châm biếm do Daniel Spoerri vẽ.
Việc kiến tạo Luna Luna, một bảo tàng nghệ thuật ngoài trời, có thể di chuyển được, thật sự là cuộc cách mạng. Với góc nhìn đầy tham vọng của mình, Heller đã lên kế hoạch đưa nó đi khắp thế giới như một rạp xiếc di động.
Tuy nhiên, điều này đã không thể xảy ra và Luna Luna chỉ có thể xuất hiện 1 lần trong năm 1987. Khi chi phí lưu giữ tăng vọt, Heller quyết định bán xứ sở thần tiên của mình.
Hồi sinh
Năm 1990, Heller đồng ý bán Luna Luna với giá 6 triệu USD cho một tổ chức từ thiện ở Mỹ, với hi vọng có thể tiếp tục đưa nó đi lưu diễn. Tuy nhiên, sau nhiều đàm phán thất bại cùng kiện tụng kéo dài, vào khoảng năm 2007, Luna Luna bị tháo rời, đóng gói trong hàng chục container để đưa vào một cơ sở lưu trữ ở vùng nông thôn Texas (Mỹ).
Nó đã ở đó hàng thập kỷ cho tới khi luật sư McClean được một số học giả mách nước và tới đây tìm hiểu. Sau khi xem một số "tác phẩm phi thường", McClean nói rằng đó là một "khoảnh khắc đặc biệt trong cuộc đời của tôi".
Bị ám ảnh, McClean cùng Heller và một số người khác quyết định lập một công ty có tên Lunatopia để giải cứu Luna Luna. Và năm 2019, một giám đốc sáng tạo tình cờ nghe câu chuyện này và đánh tiếng với rapper nổi tiếng Drake, người sở hữu công ty truyền thông và giải trí DreamCrew
Trong buổi phỏng vấn với The New York Times năm ngoái, Drake nói anh lập tức bị "choáng váng" khi tìm hiểu các tác phẩm. Anh cùng một đối tác đã hợp tác với nhóm Lunatopia để thương lượng mua lại công viên. Điều kiện mua bán là mọi thứ phải được "nguyên trạng, không bị thay".
Đầu năm ngoái, 44 container chở công viên đã chuyển tới Los Angeles. Ngoài vài sự xâm nhập từ côn trùng, những biến đối không thể tránh được theo thời gian hay vài trầy xước khi di chuyển, cơ bản mọi thứ được đóng gói và bảo quản tốt. Sau đó là một quá trình dài để phục dựng và kết hợp mọi thứ lại với nhau. Như chia sẻ, nhiều công trình rất phức tạp do không có hướng dẫn sử dụng! Thêm nữa, họ không muốn công viên trở thành một quần thể tác phẩm hoàn hảo mà muốn nó phải "giữ lại lớp rỉ" của thời gian.
Tất nhiên, nhiều công trình của Luna Luna sẽ không hoạt động bình thường. Chẳng hạn, những đồ như đu quay Haring, vòng quay Basquiat sẽ không thể vận hành do được làm từ quá lâu, không đảm bảo an toàn. Nhưng hẳn khán giả cũng sẽ đồng tình rằng: đây không chỉ là công viên giải trí mà là những tác phẩm nghệ thuật để chiêm ngưỡng, tôn vinh. Tất cả sẽ được ra mắt vào tháng 12 này trong một cuộc trưng bày lớn!
Bao nhiêu tiền để hồi sinh Luna Luna?
Việc hồi sinh Luna Luna không hề rẻ. "Chúa ơi, rất nhiều" - khi được hỏi, McClean thốt lên sau một hồi im lặng và từ chối tiết lộ chi phí . Tuy nhiên ông cũng không phản bác ước tính của The New York Times là "gần 100 triệu USD".