Chữ và nghĩa: 'Chú khi này, mày khi khác'

"Chú" và "mày" là 2 từ thường dùng trong tiếng Việt. Trong quan hệ gia tộc,"chú" là em trai của cha và cũng có thể dùng như một đại từ xưng gọi (với người đàn ông đáng tuổi bậc cha chú mình). "Chú" cũng có thể dùng để gọi một đàn ông nào đó (dưới tuổi mình) một cách thân mật (Chú em nhớ giúp anh việc này nhé! Chú cứ đùa làm anh tưởng thật).

Còn "mày" là từ dùng để gọi một người ngang hàng với mình, tỏ thái độ thân mật (Mày nhớ đi cùng tao cho vui) hoặc coi thường, coi khinh (Mày mà dám nói thế à? Tao sẽ cho biết tay!).

Trong câu tục ngữ "Chú khi này, mày khi khác" thì "chú" và "mày" là 2 cách gọi dùng trong trong 2 ngữ cảnh tình huống khác nhau. Nguyễn Đức Dương (trong "Từ điển tục ngữ Việt", NXB Tổng hợp TP.HCM, 2010) giải nghĩa câu này là: "Lúc này thì gọi bằng chú, nhưng lúc khác lại gọi bằng mày. Hay dùng để chê những kẻ hay trở mặt: Lúc thì tỏ ra coi trọng, lúc lại tỏ ra xem thường".

Chữ và nghĩa: 'Chú khi này, mày khi khác' - Ảnh 1.

Tranh minh hoạ. Nguồn: Internet

Đó chính là những tình huống ứng xử mà chúng ta thường gặp trong cuộc sống. Không ít người trong quan hệ xã hội (hoặc trong quan hệ bạn bè) khi không vừa lòng (hoặc không đạt được mục đích theo ý đồ nào đó) là họ có thái độ trở mặt "lá mặt lá trái". Quan sát thái độ đó, ta thấy rõ nhất, tường minh nhất là cách biểu hiện xưng hô. Xưng hô là cách xưng gọi của người nói với người nghe trong các cuộc giao tiếp. Bình thường, để thể hiện thái độ lịch sự, đúng mực, người Việt thường "xưng khiêm hô tôn" (xưng thì khiêm tốn, nhún mình, gọi thì tôn vinh, lịch sự). Nhưng khi nguyên tắc ấy bị vi phạm (xưng tôn hô khiêm) thì tình thế giao tiếp đã thay đổi.

Đọc "Tắt đèn"của Ngô Tất Tố ta thấy chị Dậu đã lần lượt thay đổi 3 cặp xưng hô khi đối đáp với những người được lý trưởng sai đến bắt sưu anh Dậu. Đầu tiên là "gọi các ông xưng cháu", sau đó là "gọi ông xưng tôi" và cuối cùng "gọi là mày xưng bà".

Trong câu tục ngữ đang xét thì việc chuyển "chú" sang "mày" chính là cách ứng xử bất nhất của ai đó theo sự đổi thay cung bậc tình cảm.

Đồng dạng ngữ nghĩa với câu này còn có một số câu tương tự. Chẳng hạn "Có mặt thì cô, vắng mặt thì con đĩ". "Cô" là từ chỉ một phụ nữ như bao phụ nữ bình thường khác. Còn "con đĩ" là từ chỉ một phụ nữ làm nghề mại dâm và qua phát ngôn, người nói đã xếp những người này thuộc vào hạng thấp kém, đáng coi khinh trong xã hội. Mắng cô gái nào đó là "con đĩ" (mặc dù cô ta không hề làm nghề này) được coi như một lời chửi rủa, miệt thị, thể hiện sự khinh bỉ tột cùng.

Rõ ràng, trong các câu tục ngữ trên, người nói đã "trở cờ", quay ngoắt 180 độ trong cách xưng gọi. Một từ chỉ sự trân trọng lịch sự, một từ chỉ sự coi thường, khinh miệt. Sự phức tạp này phản ánh thái độ, tính cách của một số người trong cách hành xử "người với người". Nó không đồng nghĩa với câu "Có mặt thì mắng, vắng mặt thì thương". (Khi gặp mặt thì thường trách móc, mắng mỏ, nhưng lúc vắng mặt lại tỏ ra cảm thông, thương mến. Đó là cách hành xử trái ngược nhau giữa "ngoài mặt" và "trong lòng" mà các bậc cha mẹ thường thể hiện trước con cái - với mong muốn "tỏ ra nghiêm khắc để con cái tiến bộ chứ không có ý ghét bỏ").

Vừa "chú" đã chuyển sang "mày"

Đang bạn bè chuyển sang ngay hận thù

PGS-TS Phạm Văn Tình

Link gốc: TTVH