Người quan sát: Bao giờ cho đến tháng Ba...

Thanh Bình kéo người lộ liễu, kiểu như không biết đá bóng vậy, dẫn đến quả penalty khiến Việt Nam thua Indonesia 0-1. Khuất Văn Khang "trèo" lên lưng, lên gối vào gáy cầu thủ Iraq, nhận thẻ vàng thứ 2 để rồi Việt Nam thua ngược Iraq 2-3. Vẫn trận đấu với Iraq, Minh Trọng đuối sức quét trụ, phạm lỗi ngớ ngẩn, đội tuyển Việt Nam chịu quả penalty thứ 2 ở phút đấu bù cuối cùng hiệp nhì, tước đi mọi nỗ lực của tập thể trước đó, khi tỷ số đang là 2-2...

Rất nhiều ý kiến cho rằng, đó là sự non nớt của tuổi trẻ và HLV Philippe Troussier phải chịu trách nhiệm về công cuộc trẻ hóa đó, nhưng thực tế, đấy mới là bóng đá. Ở tầm ĐTQG, không một cầu thủ nào là tệ cả, họ là những người tốt nhất của nền bóng đá, theo lựa chọn của HLV. Bất cứ ai từng chơi bóng ở cấp độ hay trình độ nào đó, đều nhất trí rằng, mọi hành vi đều không tự nhiên mà có. Tất cả đều được tập luyện, trui rèn mà ra. Thậm chí, nó đã từng được thực hành rất nhiều lần, chỉ là chưa hoặc ít bị phát giác thôi.

Các lứa trẻ của Việt Nam, cũng như mặt bằng chung V-League, các cầu thủ đều đã, đang và sẽ hành xử như thế, khi vào tình huống. Nó tạo nên một nếp nghĩ, thậm chí là một thói quen, một phản xạ vô điều kiện. HLV Philippe Troussier và các cộng sự của ông biết rõ điều này. Đó là lý do, ông Troussier không hề trách cứ các học trò, trong những phát biểu sau trận đấu.

HLV Philippe Troussier đề cao lối chơi kiểm soát bóng và tạo ra các cơ hội mở, hòng nâng cấp đội tuyển Việt Nam đến một tầm năng lực chinh phục cao hơn. Lý tưởng này là không có gì sai cả, sau triều đại Park Hang Seo, với lối chơi thủ/phản làm bản lề. Song, nó lại bất cập về mặt thời điểm, với hạng mục giải đấu như Asian Cup và các đối thủ cụ thể. Cũng như việc các học trò mắc sai lầm, nó nằm ở việc kiểm soát. Ông Troussier rõ ràng đã tính toán sai lầm ở trận đấu với Indonesia, mất kiểm soát, dẫn đến việc phản ứng lại với cả giới truyền thông. Với ngay cả người của mình, chắc gì thuyền trưởng người Pháp đã kiểm soát được?

Người quan sát: Bao giờ cho đến tháng Ba... - Ảnh 1.

Những cầu thủ trẻ cần được trui rèn nhiều hơn tại sân chơi quốc nội trước khi bước ra đấu trường quốc tế. Ảnh: Hoàng Linh

Nếu như kiểm soát bóng chỉ là một tiểu tiết trong các tiêu chí về chiến thuật, với từng trận đấu, giải đấu cụ thể, thì kiểm soát cuộc chơi là ở tầm cao hơn. Sau thất bại ở chiến dịch VCK Asian Cup 2023, HLV Philippe Troussier phát biểu rằng, đích hướng tới của đội bóng là chuẩn bị cho Vòng loại FIFA World Cup 2026 và trận đấu với Iraq là hoàn hảo nhất?! Thực tế, tại bảng đấu ở Vòng loại thứ 2 của Việt Nam, ngoài đối thủ lớn nhất là Iraq (mặc định ngôi đầu bảng), 2 đội còn lại đều là các bại quân quen thuộc của Việt Nam từ hơn nửa thập niên qua: Indonesia và Philippines.

Các phát biểu của HLV Philippe Troussier và những gì đã và đang diễn ra, có vẻ hơi mâu thuẫn, dù ông có là chuyên gia hùng biện đi chăng nữa. Ông Troussier còn viện tới thành tích của đội tuyển Việt Nam ở Vòng loại FIFA World Cup 2022 (thời Park Hang Seo) để giải thích cho thành tích đối đầu gần nhất của đội tuyển Việt Nam dưới thời ông là rất khả quan?! Chủ nghĩa xét lại trong tình huống này là không cần thiết, càng khi bản thân thuyền trưởng người Pháp hoàn toàn không có ý định kế thừa nào, cả về mặt con người lẫn lối chơi, từ người tiền nhiệm.

Duy chỉ có một phát biểu (không phải phát kiến), mà ông Troussier đưa ra thấy có lý, đấy là nói về đối chứng bóng đá Việt Nam và Thái Lan, với cơ thể nền bóng đá từ giải chuyên nghiệp, hệ thống đào tạo trẻ và đầu ra là các ĐTQG. Họ vẫn ở bậc cao hơn chúng ta. Phần lớn giới chuyên môn đều thừa nhận điều đó, ngoại trừ các fan cuồng.

Rất khó để làm cuộc cách mạng triệt để trong bóng đá, phi thực tế và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Những người xa rời thực tế, chiếm số đông trong số những kẻ thất bại. Vẫn kỳ vọng, bóng đá Việt Nam còn bám sát thực tại khách quan, biết mình và biết người, ít cũng là giảm thiểu thất bại. Lại nhắc, bao giờ cho đến tháng Ba, để chúng ta gặp lại Indonesia... 


CCKM

Link gốc: TTVH