Đại hội thành lập Liên đoàn Lân Sư Rồng Việt Nam: Cú hích giúp "Lân Sư Rồng" vươn tầm cao mới

Vào ngày 15/04/2023, Đại hội thành lập Liên đoàn Lân Sư Rồng Việt Nam sẽ được tổ chức trọng thể tại Trung tâm hội nghị Pavillon Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Đây là một bước đi cần thiết để Lân Sư Rồng Việt Nam thực sự trở thành một tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động theo Luật Thể dục, thể thao. Sự ra đời của Liên đoàn còn tăng cường hơn nữa cơ hội hội nhập quốc tế, phát triển rộng khắp và giành được nhiều thành tích tại đấu trường quốc tế, đồng thời thúc đẩy việc xã hội hóa môn Lân Sư Rồng trong thời gian tới.

Từ bề dày truyền thống lịch sử đến môn thể thao đỉnh cao

Lân Sư Rồng là một bộ môn nghệ thuật dân gian, có truyền thống và hoạt động lâu đời ở Việt Nam và hiện vẫn được duy trì phát triển mạnh mẽ ở các tỉnh thành trong nước. Ngày nay, bộ môn Lân Sư Rồng không còn thuần chất là loại hình biểu diễn nghệ thuật mà được nâng lên thành giải đấu giữa các đội tranh tài với nhau. Và là bộ môn đỉnh cao của nghệ thuật vì đòi hỏi các vận động viên phải có sự phối hợp ăn ý nhịp nhàng, trình diễn những động tác nhảy múa, nhào lộn trên các dụng cụ chuyên dụng như Mai hoa thung, Leo cột…

Ở Việt Nam hoạt động Lân Sư Rồng rất được ưa chuộng trong các tầng lớp xã hội. Đặc biệt là những ngày đầu Xuân hay các lễ hội truyền thống, bên cạnh các hoạt động vui chơi giải trí dân gian thì cũng không thể thiếu các hoạt động biểu diễn Lân Sư Rồng luôn thu hút sự quan tâm của quần chúng tượng trưng cho sự thịnh vượng, phát đạt, hạnh phúc và hanh thông.

Bộ môn Lân Sư Rồng ngoài tính vui chơi giải trí còn là hoạt động thể thao hữu ích giúp người dân tập luyện nâng cao sức khỏe, nghị lực, đồng thời cũng là phương pháp đào tạo, huấn luyện võ thuật cho các môn sinh.

Đại hội thành lập Liên đoàn Lân Sư Rồng Việt Nam: Cú hích giúp "Lân Sư Rồng" vươn tầm cao mới - Ảnh 1.

Và nhắc đến Lân Sư Rồng, thì Sài Gòn - Chợ Lớn được xem như là một trong những nơi Lân Sư Rồng phát triển mạnh mẽ với nhiều đoàn Lân nổi tiếng, trong đó cái tên nổi bật là "Nhơn Nghĩa Đường" . Đội Lân Sư Rồng này được thừa kế khá nhiều những tinh túy của một lớp võ sư đỉnh cao. Trong đó phải kể đến võ sư, Nghệ nhân Nhân dân Lưu Kiếm Xương, người chấp chánh trưởng môn Nhơn Nghĩa Đường từ năm 1971.

Nghệ nhân Lưu Kiếm Xương bày tỏ: "Trước đây, người ta chỉ biết đến Lân Sư Rồng là một hoạt động đem lại điềm lành, may mắn, bình an, tài lộc và chỉ được biểu diễn tại những lễ hội, sự kiện văn hóa, khai trương, đặc biệt là dịp Tết Trung thu và Tết Nguyên đán. Thế nhưng, từ bây giờ có thể nói Lân Sư Rồng đã vươn lên một tầm cao mới. Bản thân tôi rất mừng vì các em, các cháu sẽ có được cơ hội phát triển và khẳng định mình.

Đại hội thành lập Liên đoàn Lân Sư Rồng Việt Nam: Cú hích giúp "Lân Sư Rồng" vươn tầm cao mới - Ảnh 2.

Một điển hình khác là đoàn Nghệ thuật Lân – Sư – Rồng Hằng Anh Đường của nghệ nhân Lương Tấn Hằng với hàng ngàn thành viên hoạt động ở nhiều địa phương trên cả nước. Hơn 40 năm qua gắn bó với nghệ thuật múa Lân Sư Rồng, nghệ nhân dân gian Lương Tấn Hằng liên tục tìm tòi, sáng tạo ra những bài biểu diễn mới và lồng ghép, truyền tải văn hóa dân tộc vào trong nhiều tiết mục. Đặc biệt, một số học trò giỏi của nghệ nhân Lương Tấn Hằng đã xây dựng được các đoàn lân ở một số quốc gia như: Pháp, Na Uy, Mỹ, Đức.

Chuyên môn hóa để vươn tầm quốc tế

Hiện nay, một số địa phương đã thành lập Liên đoàn Lân Sư Rồng như: Liên đoàn Lân Sư Rồng thành phố Cần Thơ được thành lập năm 2014, Liên đoàn Lân Sư Rồng thành phố Hồ Chí Minh được thành lập năm 2020 với mục tiêu phát triển phong trào Lân Sư rồng ở các địa phương theo hướng chuyên môn hóa.

Đại hội thành lập Liên đoàn Lân Sư Rồng Việt Nam: Cú hích giúp "Lân Sư Rồng" vươn tầm cao mới - Ảnh 3.

Trước sự phát triển rộng khắp của phong trào tập luyện Lân Sư Rồng trên cả nước, năm 2012 Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch đã Ban hành Thông tư Quy định về điều kiện hoạt động cơ sở thể thao tổ chức hoạt động Lân Sư Rồng trên cả nước và đây cũng được xem là văn bản chính thức cho quá trình tổ chức hoạt động và thi đấu của Bộ môn này hiện nay.

Lân Sư Rồng cũng chính thức có mặt trong hệ thống thi đấu thể thao quần chúng quốc gia và năm 2023, lần thứ 9 giải được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Cát Hải (thành phố Hải Phòng) với sự tham gia của gần 150 vận động viên đến từ các câu lạc bộ Lân Sư Rồng của 5 tỉnh thành phố trên cả nước, gồm: An Giang, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh và Hải Phòng. Những màn tranh tài ở 5 nội dung gồm: Nhảy bục, Mai hoa thung, múa rồng,  Địa bửu và leo cột cá nhân đã thu hút đông đảo người dân và du khách tới thưởng lãm.

Trước đó, vào năm 2022, Lân Sư Rồng cũng lần đầu được đưa vào chương trình thi đấu của Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX tại Quảng Ninh và thành công rực rỡ cả về công tác tổ chức lẫn chuyên môn. Rồi ngoài những cuộc tranh tài trong nước, Lân Sư Rồng trong những năm qua còn tham dự nhiều cuộc giao lưu, biểu diễn ở nước ngoài, qua đó góp phần giới thiệu, quảng bá nền văn hóa Việt Nam giàu bản sắc.

Đại hội thành lập Liên đoàn Lân Sư Rồng Việt Nam: Cú hích giúp "Lân Sư Rồng" vươn tầm cao mới - Ảnh 4.

Nhân Đại hội thành lập Liên đoàn Lân Sư Rồng Việt Nam, ông Lê Quốc Huy – Phó Chủ tịch HĐQT hệ thống Trường Quốc tế Việt Nam IVS, Trưởng ban vận động Thành lập Liên đoàn Lân Sư Rồng Việt Nam cho biết: "Với mục tiêu huy động được tối đa những nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thúc đẩy phong trào phát triển ngày một mạnh mẽ, nâng cao sức khỏe đời sống nhân dân, đáp ứng nhu cầu tập luyện, giải trí của các tầng lớp nhân dân trong xã hội; nâng cao vị thế thành tích của Lân Sư Rồng Việt Nam nói chung trong các đấu trường khu vực, châu lục và trên thế giới, Liên đoàn Lân Sư Rồng Việt Nam sẽ hướng đến xây dựng và phát triển phong trào môn Lân Sư Rồng rộng khắp trong cả nước, nâng cao thành tích quốc tế, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, đưa bộ môn Lân Sư Rồng từng bước hội nhập với khu vực, châu lục và thế giới." 

Theo lời mời của Trung tâm Văn hoá Việt Nam tại Paris (Pháp), Lân Sư Rồng Việt Nam sẽ tham dự khoá đặc huấn và biểu diễn Lân Sư Rồng tại Paris. Theo đó, một khóa đặc huấn Lân Sư Rồng dành cho các võ sinh và các phái võ Việt Nam nói chung tại Âu châu sẽ được tổ chức để các môn sinh được khám phá, tìm hiểu và được đào tạo theo một chương trình giáo lý chuẩn mực. Sau đó các đội lân sẽ được thành lập và hàng năm sẽ về Việt Nam tập huấn.

Bên cạnh đó, Trung tâm Văn hoá Việt Nam tại Paris cũng tổ chức các buổi biểu diễn Lân Sư Rồng đến với quần chúng người Pháp tại Paris, để giới thiệu và đánh tiếng chuông chính thức phô trương một khía cạnh đặc trưng mới của nền văn hoá Việt Nam tại nước ngoài.

Là một người có nhiều năm gắn bó với phong trào Lân Sư Rồng nói riêng và Vovinam Việt Nam nói chung, Tiến sĩ Khoa học Giáo dục Phạm Quang Long – Chủ tịch HĐQT hệ thống Trường Quốc tế Việt Nam IVS chia sẻ: "Bộ môn Lân Sư Rồng đã và đang phát triển rộng khắp trên toàn thế giới nhưng thông qua bộ môn đó để truyền tải giá trị của cuộc sống, đạo lý nhân văn và thắp lên hi vọng cho mọi người thì đó mới là điều thật sự cao cả. Tôi tin rằng Đại hội thành lập Liên đoàn Lân Sư Rồng Việt Nam sẽ là dấu mốc lớn của bộ môn Lân Sư Rồng tại Việt Nam."


Anh Thu

Link gốc: TTVH