Góc nhìn 365: Nào, cùng chờ phố đi bộ…

Tròn một năm trước, cũng vào kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, Hà Nội chính thức khai trương tuyến phố đi bộ mới tại thành cổ Sơn Tây. Để rồi, cuối năm đó, sát tết Dương lịch, đến lượt 2 tuyến phố đi bộ tại Đảo Ngọc - Ngũ Xã và tại phố Trần Nhân Tông tiếp tục ra đời.

Chẳng có gì lạ: Trong xu thế phát triển của đô thị, cũng như nhu cầu có thực của người dân, mô hình này đang còn nhiều dư địa để xuất hiện ở những thành phố lớn như Hà Nội. Và, những dịp nghỉ lễ luôn là thời điểm thuận lợi nhất để phố đi bộ được khai trương trong sự háo hức của cộng đồng.

Vậy còn năm nay, khi chúng ta chưa có thêm một phố đi bộ nào xuất hiện trong kỳ nghỉ cuối tháng Tư?

Thực tế, những người ưa khám phá vẫn có lý do để háo hức. Như những thông tin gần nhất, 3 tuyến phố đi bộ mới đang được lập kế hoạch triển khai tại hồ Ngọc Khánh (quận Ba Đình), Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Hoàng Cầu - Hào Nam (quận Đống Đa). Trong đó, 2 trường hợp đầu tiên dự kiến khai trương vào nửa cuối năm 2023 này.

Góc nhìn 365: Nào, cùng chờ phố đi bộ… - Ảnh 1.

Nhiều người tập trung về phố đi bộ Hồ Gươm. Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN

Cần nói thêm, ý tưởng thành lập 2 tuyến phố đi bộ tại hồ Ngọc Khánh và Văn Miếu - Quốc Tử Giám được nhắc tới từ khá lâu, khi chúng đều là những vị trí đẹp hoặc có ý nghĩa lớn về văn hóa tại Hà Nội. Ngược lại, dù mới đề cập, nhưng theo những gì được chia sẻ, phố đi bộ Hoàng Cầu - Hào Nam sẽ có thiết kế dựa trên không gian quanh hồ Hoàng Cầu (có mặt nước thuộc loại lớn trong nội đô) và nhà ga của tuyến đường sắt đô thị số 2. Đó là những lợi thế đặc biệt cho một không gian đi bộ.

***

Từ sau sự xuất hiện của phố đi bộ Hồ Gươm năm 2016, không khó để nhận thấy: Nhiều quận tại Hà Nội cũng rất tích cực trong ý tưởng kiến tạo một không gian đi bộ của riêng mình. Và thực tế, Ba Đình cùng Đống Đa cũng là 2 quận nội thành cũ còn thiếu vắng mô hình này, nếu so với các quận Hai Bà Trưng và Hoàn Kiếm.

Nhưng ngoài không gian đi bộ quanh Hồ Gươm (và khu phố cổ) vốn là điểm du lịch lâu năm, trường hợp thành công nhất trong thời gian qua chính là phố đi bộ tại thành cổ Sơn Tây - khi theo thông tin tại địa phương, khu vực này luôn chật kín du khách vào mỗi cuối tuần và đang được đề xuất mở rộng. Còn lại, với những vấn đề khác nhau, các phố đi bộ tại Ngũ Xã, Trần Nhân Tông hay phố Trịnh Công Sơn vẫn đang phải nỗ lực rất lớn để khẳng định vai trò của mình.

Góc nhìn 365: Nào, cùng chờ phố đi bộ… - Ảnh 2.

Tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây thu hút hàng vạn lượt khách mỗi tối. Ảnh: TTXVN phát

Không có gì khó hiểu: Phố đi bộ tại thành cổ Sơn Tây nằm cách xa trung tâm, vốn là địa danh nổi tiếng của thị xã Sơn Tây nên đảm nhiệm rất tốt việc phục vụ nhu cầu của một cộng đồng bản địa. Trong khi đó, với bán kính cách nhau tầm 3- 5 km, những phố đi bộ khác tại Hà Nội vô tình tạo ra sự cạnh tranh, và đều phải tự giải những bài toán về nét độc đáo riêng để du khách ghé thăm.

Và chắc chắn, cả 3 phố đi bộ sắp thành lâp cũng đều có những khó khăn riêng: Văn Miếu  - Quốc Tử Giám có bề dày văn hóa nhưng lại chật hẹp và thiếu các tiện ích về bãi xe, khu vực Hoàng Cầu gần như chưa có công trình văn hóa - thương mại nào đáng kể, còn phần hồ Ngọc Khánh vẫn chưa có sự kết nối tốt với công viên Thủ Lệ và trung tâm thương mại Lotter Hà Nội - những điểm đến có khả năng hút khách.

Kể vậy không phải để bàn lùi mà chỉ muốn khẳng định một thực tế:Nếu coi sự xuất hiện của những tuyến phố đi bộ là nguyện vọng chính đáng để tạo nên sự đa dạng về cảnh quan, giá trị văn hóa - thương mại trong một đô thị thì ngược lại, chúng cũng rất cần được chuẩn bị đầy đủ về thiết kế, mô hình vận hành và khả năng huy động các nguồn lực xã hội hóa để có được thành công thật sự.

Trang Linh

Link gốc: TTVH