Ngoại lực và nội lực ở Asian Cup nhìn từ đội tuyển Việt Nam
Trường hợp của đội tuyển Việt Nam và Indonesia ở Asian Cup 2023 buộc chúng ta phải nghĩ nhiều hơn về chiến lược nhập tịch, về nội lực và ngoại lực trong bóng đá.
Thành công của đội tuyển Indonesia ở Asian Cup 2023 dễ mang tới ấn tượng nhập tịch cầu thủ là yếu tố duy nhất dẫn tới chiến thắng của nền bóng đá này. Thực tế cho thấy trước Indonesia, Philippines là đội tuyển Đông Nam Á thường xuyên áp dụng chiến lược này nhất. Họ đã mang về nhiều cầu thủ nhập tịch chất lượng, nâng tầm đáng kể ĐTQG và thực tế đã có không ít thành tích.
Tuy nhiên, các kết quả ấy không phải dài hạn và thiếu bền vững. Sau thành tích bán kết AFF Cup 2018, bóng đá nam Philippines gần như không còn dấu ấn ở sân chơi khu vực.
Indonesia không giống như vậy. Kết quả của họ có tác động tích cực từ chính sách nhập tịch nhưng nó không phải mấu chốt.
Những người theo dõi bóng đá Indonesia lâu năm hẳn cũng nhận ra chính sách nhập tịch vốn đã được họ áp dụng từ nhiều năm qua, trước cả thời kỳ của Shin Tae Yong. Tuy nhiên, nó chưa từng mang tới thành công lớn, liên tục cho Indonesia như giai đoạn này.
Mấu chốt thành công của bóng đá Indonesia phải đến từ nội lực bên trong, cụ thể là từ bóng đá trẻ. Khởi đầu của ông Shin với bóng đá Indonesia phảng phất nhiều nét giống với năm đầu tiên của ông Philippe Troussier cùng bóng đá Việt Nam.
Đó là một triết lý huấn luyện hoàn toàn mới, một HLV đầy tranh cãi, những kết quả thiếu tích cực và đương nhiên là một thế hệ cầu thủ hoàn toàn mới. Ông Shin cũng từng bị chỉ trích khi đẩy hàng loạt cựu binh khỏi đội tuyển, trao cơ hội cho những ngôi sao vô danh, chấp nhận kết quả tiêu cực trong giai đoạn đầu.
Đổi lại, Indonesia lầm lì tiến lên. Nền tảng vững chắc ấy đã dẫn lứa U23/U22 của họ đến 3 vòng bán kết SEA Games liên tục trong đó tấm HCV tại Campuchia vừa qua là đỉnh cao. Ở cấp đội tuyển, ĐTQG của họ cũng vào bán kết 2 kỳ AFF Cup gần đây, trở lại Asian Cup đầu tiên kể từ năm 2007 và vừa đánh bại Việt Nam cách đây ít ngày.
Sức mạnh thực sự của bóng đá Indonesia vì thế nằm ở chiến lược đào tạo trẻ, thứ đã được họ kiên định thực hiện bất chấp vô số biến động vài năm qua. Đó mới là nội tại dài hạn mà một đội tuyển có thể dựa dẫm, là sức mạnh thực sự phản ánh sự phát triển của cả nền bóng đá. Những ngôi sao nhập tịch vì thế chỉ là viên ngọc tô điểm cho vương miện. Họ là điều kiện chứ không phải nền tảng thành công.
Dài dòng thế để thấy thất bại của đội tuyển Việt Nam ở Asian Cup 2023 vừa qua không tới từ việc thiếu vắng các cầu thủ nhập tịch hay Việt kiều. Thất bại ấy phản ánh trung thực sự đi xuống của đào tạo trẻ tại Việt Nam vài năm qua. Biểu hiện của nó đã xuất hiện hàng loạt từ SEA Games hay Asian Games hồi năm ngoái. Việc ông Troussier trọng dụng nhiều tài năng trẻ tại Asian Cup càng khiến sự đi xuống ấy hiện lên rõ ràng hơn.
HLV người Pháp phải chịu trách nhiệm đầu tiên cho thất bại ở Asian Cup, nhưng đó không phải toàn bộ trách nhiệm. VFF, các CLB V-League, hạng Nhất, các lò đào tạo phải tự hỏi chúng ta đã cung cấp nguồn lực thế nào, đã mang tới con người ra sao cho ĐTQG.
Bao nhiêu cầu thủ trẻ ở lứa U23 được trao cơ hội tại V-League? Chất lượng của họ ở mức nào so với các đàn anh? Bao nhiêu CLB V-League hiện có đủ đào tạo trẻ? Năng lực đào tạo của họ ở mức nào, triết lý họ theo đuổi là gì và chúng có phục vụ cho triết lý chung của đội tuyển không?
Thiếu những gốc rễ vững vàng ấy, ông Troussier hay bất kỳ HLV nào khác cũng chẳng thể giúp đội tuyển Việt Nam khá lên. Đó là điều HLV Park Hang Seo cũng đã thấy trong nhiệm kỳ của mình, bằng chứng là việc tận dụng tối đa nhóm tuyển thủ quá tuổi cho 2 chức vô địch SEA Games (thứ dễ tạo ảo giác về năng lực đào tạo trẻ của nền bóng đá).
Ngoại lực quan trọng, nhưng nội lực mới là yếu tố quyết định cho thành công của bóng đá Việt Nam, dù HLV trưởng là Troussier hay một ai đó khác.