Nhà vệ sinh bên hồ Gươm cũng cần 'đẹp từng centimet'

Một sự trùng hợp thú vị: Cùng một lúc, trong năm 2023 này, 2 cuộc thi thiết kế liên quan tới nhà vệ sinh công cộng tại khu vực hồ Gươm đã được tổ chức.

 Và, dù là những đồ án từ sinh viên hay từ những kiến trúc sư chuyên nghiệp, những ý tưởng sáng tạo ở đó vẫn gặp nhau tại một điểm chung về giá trị "đánh thức" cộng đồng, trước một vấn đề tưởng tế nhị nhưng lại rất thiết thực trong đời sống hàng ngày.

"Mở ra rất nhiều suy ngẫm"

Giữa năm 2023, cuộc thi  PSP 01 2023: Không gian công cộng cho mọi người - cảnh quan & nhà vệ sinh phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm được quỹ Đổi mới sáng tạo Kiến trúc - AIF (Đại học Xây dựng Hà Nội) tổ chức và thu hút hơn 200 sinh viên từ các trường đại học trên toàn quốc.

Với đề bài này, Hội đồng giám khảo của cuộc thi đã đặt ra tới 11 tiêu chí khá chặt chẽ, trong đó có các yêu cầu về tính khả thi, hòa nhập bối cảnh, tính thẩm mỹ, tính đa chức năng, tính bình đẳng (cân nhắc những đối tượng cần ưu tiên và yếu thế), tính an toàn và riêng tư với phụ nữ hoặc trẻ em gái... Để rồi, trên thực tế, các đồ án đoạt giải tại cuộc thi này đều nhận về sự đánh giá khá tính cực theo các tiêu chí trên.

Đề cử Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 16 - 2023: Nhà vệ sinh bên hồ Gươm cũng cần 'đẹp từng centimet' - Ảnh 1.

Phối cảnh đồ án “V-Model Toilet Module”

Điển hình, với tên gọi The Extentision Of The Lake (sự mở rộng của hồ), đồ án giành giải Nhất tập trung vào bản chất của hồ Gươm - một hồ nước soi chiếu bối cảnh xung quanh - để bố trí một cụm 4 nhà vệ sinh đa năng hình tam giác, phân cách bởi các lối đi được tính toán rất kỹ về điểm nhìn và hướng tiếp cận. Đáng nói, các nhà vệ sinh này đều có bề mặt sáng, với kỳ vọng biến công trình trở thành một phần của mặt hồ, vừa phản chiếu dòng chảy đô thị sôi động xung quanh vừa soi chiếu lại chính mặt hồ Gươm.

Đề cử Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 16 - 2023: Nhà vệ sinh bên hồ Gươm cũng cần 'đẹp từng centimet' - Ảnh 2.

Phối cảnh đồ án “The extentision of the lake"

Ở giải Nhì, đồ án The Harmony Of Brick sử dụng chất liệu gạch truyền thống với thiết kế thông thoáng, nhiều khoảng hở để tạo cảm giác thân thiện gần gũi. Tại đây, hệ thống bồn rửa mặt được đưa ra ngoài, kết hợp cùng các ghế ngồi, lối đi rải sỏi… tạo thành một không gian chờ đặc biệt, vừa tăng kết nối cộng đồng vừa xóa bỏ tâm lý ngần ngại, e dè khi bước vào một nơi như nhà vệ sinh chung. Như nhận xét từ phía giám khảo, đồ án này có thiết kế khéo léo và hợp lý với bối cảnh xung quanh,từ đó tạo ra dòng chảy uyển chuyển trong một không gian đa hướng.

Đề cử Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 16 - 2023: Nhà vệ sinh bên hồ Gươm cũng cần 'đẹp từng centimet' - Ảnh 3.

Phối cảnh đồ án “The harmony of brick”

Rồi, đúng như tên gọi, đồ án Nón (giải Khuyến khích) chọn thiết kế cách điệu từ hình dạng của chiếc nón lá truyền thống, sử dụng các công nghệ và chất liệu hiện đại như đèn LED, bê tông sợi thủy tinh, kính thông minh… và dẫn lời của nguyên Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong trong thuyết minh: "Tình trạng nhà vệ sinh công cộng của đất nước là thước đo văn hóa của người dân"…

Đề cử Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 16 - 2023: Nhà vệ sinh bên hồ Gươm cũng cần 'đẹp từng centimet' - Ảnh 4.

Phối cảnh đồ án “Nón"

Có thể lấy nhận xét của Lê Hồng Sơn, tác giả đồ án giành giải Nhất, để khái quát về góc nhìn của các thí sinh dự thi: "Đề bài mở ra rất nhiều suy ngẫm khi đặt công trình công cộng trong một không gian mang tầng tầng lớp lớp những giá trị lịch sử văn hóa. Phải làm sao để công trình nổi bật và phản chiếu được chính những giá trị văn hóa ấy, lan tỏa tới mọi người mà vẫn đảm bảo chức năng của mình…".

Đề cử Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 16 - 2023: Nhà vệ sinh bên hồ Gươm cũng cần 'đẹp từng centimet' - Ảnh 5.

Chủ tịch Quỹ AIF - KTS Doãn Thế Trung trao giải Nhất cho thí sinh Lê Hồng Sơn (trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) trong cuộc thi do AIF tổ chức

Sáng tạo và thiết thực

Gần như song song với cuộc thi của quỹ AIF, một cuộc thi khác cũng được tổ chức: Nhánh đề bài Thiết kế nhà vệ sinh công cộng bên hồ Gươm trong lĩnh vực Thiết kế công cộng của cuộc thi Designed by VietNam, do dự án Hanoi Design City - Hà Nội đẹp từng centimet (Ashui.com phụ trách) phối hợp cùng UBND quận Hoàn Kiếm và Viglacera thực hiện trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế Việt Nam - VietNam Design Week 2023 (lần thứ tư).

Các đồ án dự thi được yêu cầu chọn 3 vị trí thiết kế nhà vệ sinh công cộng tại các điểm bãi đỗ xe Bờ Hồ (đối diện tòa nhà "Hàm cá mập"), đối diện ngã ba Hàng Trống - Lê Thái Tổ và đối diện Công ty Điện lực Hà Nội (gần cây lộc vừng). Thực tế, các vị trí này cũng gắn với 3/6 nhà vệ sinh công cộng đang hoạt động quanh khu vực hồ Gươm.

Đề cử Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 16 - 2023: Nhà vệ sinh bên hồ Gươm cũng cần 'đẹp từng centimet' - Ảnh 6.

Đồ án “Đi Hanoi Toilet đi”

Từ hàng chục đồ án dự thi, Hội đồng giám khảo đã chọn được 10 thiết kế vào chung khảo và trao 3 giải đồng hạng. Trong đó, đồ án đầu tiên có cái tên khá thú vị: Đi Hanoi Toilet đi. Từ việc phân tích vị trí của các nhà vệ sinh công cộng (phân bố khá đồng đều quanh không gian hồ Gươm, có nhiều cây xanh bao quanh), nhóm tác giả đặt ra vấn đề tận dụng nguồn năng lượng tự nhiên, đồng thời phần nào biến chúng thành các điểm nghỉ ngơi, tương tác và kết nối xã hội.

 Xuất phát từ đường cong của mặt hồ với tổ hợp nhiều hình thái kiến trúc đa dạng bao quanh (phố nhà ống ở phía Bắc, phố nhà Pháp ở phía Nam, nhà thờ đình, đền, chùa, miếu mạo…), đồ án sử dụng hình khối cơ bản đường tròn - ngôn ngữ phù hợp để hòa nhập với tổng thể, không bị xung đột lẫn nhau hoặc xung đột với các công trình lịch sử lâu đời. Các nhà vệ sinh có thiết kế hệ thống cột thép, sàn đá mài, rèm vải, sỏi lọc nước… với phần mái hiện mở rộng để che mưa và nghỉ ngơi, đồng thời tạo khoảng sân trong với các "bức bình phong mở".

Trong khi đó, đồ án V-Model Toilet Module lại chú ý tới sự phong phú trong không gian văn hóa của hồ Gươm với các sự kiện có quy mô và loại hình đa dạng, luôn thay đổi theo nhịp sống của cộng đồng. Do vậy, các nhà vệ sinh được đề cao tính linh hoạt và cơ động với số lượng biến thiên để thích nghi cùng tần suất sử dụng trong từng thời điểm.

Như tên gọi, đó là các module tam giác nhọn hình chữ V với góc cạnh được mềm mại hóa để tối ưu về mặt không gian, đề cao vẻ đẹp tối giản và hình thái hiện đại khi mở ra khả năng hợp khối để các cụm vệ sinh công cộng có thể sắp theo từng không gian thích hợp: Đặt rải rác, phân tán, theo cụm hoặc nối tiếp nhau.

Đề cử Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 16 - 2023: Nhà vệ sinh bên hồ Gươm cũng cần 'đẹp từng centimet' - Ảnh 7.

Phối cảnh đồ án “Nhà vệ sinh công cộng Hồ Gươm”

Riêng với đồ án Nhà vệ sinh công cộng hồ Gươm, tác giả Nguyễn Bích Phương nhìn ra một thực tế: Vị trí của nhà vệ sinh công công tại nút giao Lê Thái Tổ - Hàng Trống đang chắn hoàn toàn tầm nhìn từ trục đường này ra Tháp Rùa. Trong khi đó, ngược lại lịch sử, trong dịp tổ chức chợ phiên y tế tại đây vào tháng 2/1954, một cây cầu phao từng được dựng lên từ vị trí hiện trạng đi ra Tháp Rùa để tạo điểm nhấn cảnh quan thay thế cho cầu Thê Húc đang bị sập.

Từ đó, đồ án thiết kế này đặt một lối đi ở giữa công trình, mở góc nhìn ra Tháp Rùa mang ý nghĩa gợi nhớ về cây cầu đã từng tồn tại. Về mặt công năng, lối đi ở giữa này cũng tạo ra một không gian đệm, từ đó rẽ vào phòng vệ sinh khép kín bên trong. Thiết kế tạo không gian thoáng với hệ thống gạch kính và kính, có bổ sung thêm các tiện ích như máy bán nước tự động, giá để xe đạp…

"Trong đời sống hàng ngày, có những câu chuyện tưởngtế nhị nhưng lại vô cùng thiết thực. Và từ lâu, chúng ta đã nói với nhau về một bài toán không dễ giải quyết: Làm sao để những nhà vệ sinh công cộng tại hồ Gươm vừa có sự hợp lý để giải quyết một nhu cầu thiết yếu của con người, vừa phù hợp với cảnh quan nơi đây?" - nhà sử học Dương Trung Quốc, thành viên Ban giám khảo nhận xét - "Do vậy, tôi đánh giá rất cao 2 cuộc thi. Ở đó, các KTS đã cho thấy sự trân trọng, nhưng cũng rất thực tế, khi hướng về một không gian văn hóa của Hà Nội".

Công trình "phụ" mà "không phụ"

Như chia sẻ từ KTS Doãn Thế Trung (Chủ tịch AIF), nhà vệ sinh những năm qua vẫn gắn với quan niệm là "công trình phụ" và ít được quan tâm. Tuy nhiên, chất lượng của loại công trình này lại tác động rất trực tiếp tới sức khỏe và tâm lý người dùng, đặc biệt là trong ấn tượng của du khách khi tới thăm mỗi địa phương.

Điển hình, đầu 2023, trong một khảo sát về nhà vệ sinh công cộng tại 69 thành phố du lịch trên thế giới, báo Nikkei Asia (Nhật Bản) đã đặt 2 đô thị lớn tại Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM ở các vị trí 66 và 67 về chỉ số điều kiện sử dụng nhà vệ sinh công cộng cho khách du lịch quốc tế.

Cúc Đường

Link gốc: TTVH