Tròn 50 năm kiệt tác điện ảnh 'The Great Gatsby'
Suốt nửa thế kỷ qua, bộ phim The Great Gatsby (1974) của đạo diễn Jack Clayton đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả khắp thế giới.
Dựa trên tiểu thuyết cùng tên của F. Scott Fitzgerald, tác phẩm điện ảnh này đã trở thành một biểu tượng của jazz age (thời đại nhạc jazz) và vẫn tồn tại như một tác phẩm nghệ thuật vĩ đại, ngọt ngào sau 50 năm.
Trong lịch sử nghệ thuật, người xem thường so sánh nguyên tác văn học và chuyển thể điện ảnh, mà cán cân về sự hay hơn thường nghiêng về phía nguyên tác. Với The Great Gatsby (tiếng Việt có vài cách dịch: Gatsby vĩ đại, Đại gia Gatsby, Tay chơi Gatsby...) thì cán cân này khá cân đối, nguyên tác và phim (1974) được đánh giá ngang tầm vóc với nhau.
Tiểu thuyết vượt thời gian
Với câu chuyện lấy bối cảnh thời kỳ nhạc jazz và cấm rượu tại Mỹ, tác phẩm này không chỉ là một câu chuyện tình đẹp, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật đầy sắc màu và ý nghĩa sâu sắc.
Được xuất bản vào năm 1925 và đã bán được hơn 30 triệu bản trên toàn thế giới, The Great Gatsby trở thành một trong những tiểu thuyết không thể thiếu đối với những người yêu văn học trên khắp thế giới. Nó được coi là một trong những tác phẩm "phải đọc" và được đánh giá cao bởi nhiều nguồn trích dẫn uy tín.
Ví dụ, trong danh sách 100 tiểu thuyết hay nhất của thế kỷ 20 do Modern Library xếp hạng, The Great Gatsby đứng ở vị trí thứ hai. Tạp chí Time cũng vinh danh tác phẩm này là một trong 10 tác phẩm văn học vĩ đại nhất mọi thời đại.
Tiểu thuyết kể về cuộc sống của Nick Carraway và cuộc gặp gỡ đầy bí ẩn giữa anh với triệu phú Jay Gatsby, người luôn khao khát tái hợp với người tình xưa Daisy Buchanan. The Great Gatsby được lấy cảm hứng từ một tình yêu trẻ thơ của F. Scott Fitzgerald với xã hội quý tộc Ginevra King, cũng như những bữa tiệc huyền thoại mà anh tham dự tại bờ biển North Shore của Long Island vào năm 1922.
Với những chủ đề như giấc mơ Mỹ (American dream), tầng lớp xã hội, quan hệ giới tính, chủng tộc và môi trường, The Great Gatsby chứa đựng những thông điệp sâu sắc về xã hội và con người. Tiểu thuyết này đã khắc họa một hình ảnh đắng cay về giấc mơ Mỹ và văn hóa tiêu tiền, sự đánh đổi tình yêu thương và lòng trung thành.
Sức ảnh hưởng của tiểu thuyết The Great Gatsby đã vượt xa những gì tác giả từng tưởng tượng. Nó không chỉ làm cho công chúng hiểu rõ hơn về thời đại và xã hội, mà còn tạo ra những cú sốc trong văn học và nghệ thuật. Các bản chuyển thể thành phim, truyền hình và sân khấu đã giúp lan tỏa tầm vóc của tác phẩm này. Những bài phê bình và nghiên cứu sau đó đã làm tăng thêm sự chú ý và đánh giá cao hơn nữa.
Bản điện ảnh hoàn hảo
Năm 1926, cuốn tiểu thuyết được chuyển thể thành phim câm và một lần nữa trở lại màn ảnh vào năm 1949 khi ngành công nghiệp điện ảnh đã có âm thanh. Mãi cho đến 1974, The Great Gatsby mới gây tiếng vang lớn, khi được làm với công nghệ hiện đại lúc bấy giờ (đã có màu). Đến năm 2024, đánh dấu sự tồn tại nửa thế kỷ, phim này đã trở thành một chuẩn mực, một biểu tượng của văn hóa điện ảnh.
Phiên bản phim 1974 tái hiện chân thực thời đại nhạc jazz và sức hút của cuộc sống xa hoa, tiệc tùng rực rỡ trên đảo Long Island gần New York. Với sự tham gia của các diễn viên tài năng như Robert Redford, Mia Farrow, Bruce Dern, Sam Waterston và Karen Black, phim đã tạo nên những vai diễn đáng nhớ, mang lại những hiệu ứng hình ảnh tuyệt đẹp.
Dù nhận những ý kiến đánh giá khác nhau từ giới phê bình và khán giả, The Great Gatsby (1974) vẫn ghi điểm với khả năng tạo hình nhân vật tuyệt vời và hiệu ứng hình ảnh đẹp mắt. Phim đã giành 2 giải Oscar cho Thiết kế phục trang xuất sắc nhất và Nhạc phim xuất sắc nhất. Phim đã thu về doanh thu vượt trội 26,5 triệu USD so với ngân sách sản xuất 7 triệu USD, khẳng định sự thành công về mặt tài chính và sự quan tâm của khán giả.
Theo thời gian, The Great Gatsby (1974) đã trở thành một tác phẩm có tầm ảnh hưởng lớn đối với văn hóa và lịch sử điện ảnh. Bộ phim đã truyền cảm hứng và sự khám phá cho nhiều thế hệ khán giả, mở ra cánh cửa để tìm hiểu về tiểu thuyết gốc, cũng như các phong cách làm phim khác nhau.
Đạo diễn huyền thoại Francis Ford Coppola lúc trẻ là nhà biên kịch của The Great Gatsby (1974). Ông chia sẻ: "Tôi đã bất ngờ khi phát hiện ra rằng trong tiểu thuyết gần như không có đoạn hội thoại giữa Daisy và Gatsby, nên rất sợ khi nghĩ rằng mình phải tự viết ra tất cả" - ông kể tiếp - "Vì vậy, tôi nhanh chóng xem lại các truyện ngắn của Fitzgerald, vì nhiều trong số đó có cốt truyện tương tự như là một cậu bé nghèo và một cô gái giàu có, tôi đã sử dụng rất nhiều đoạn hội thoại chính thống của Fitzgerald từ những truyện ngắn đó để sáng tạo".
Phiên bản phim 2013 - chỉ dựa trên tác phẩm gốc - đã thu về hơn 353 triệu USD và 2 giải Oscar, cũng cho thấy đã chịu ảnh hưởng và lấy cảm hứng đáng kể từ phiên bản 1974. Điều này càng chứng tỏ vai trò quan trọng của The Great Gatsby (1974) trong lịch sử điện ảnh thế giới.
Nhạc kịch "The Great Gatsby" sẽ ra mắt Broadway
Vở nhạc kịch The Great Gatsby sẽ ra mắt trên sân khấu Broadway vào ngày 25/4/2024. Vở này đã từng trình diễn thành công tại nhà hát Off-Broadway Paper Mill Playhouse và đã trở thành vở kịch có doanh thu cao nhất trong lịch sử của nhà hát này.
Vở nhạc kịch trên Broadway sẽ mang đến một phiên bản sáng tạo và ấn tượng hơn dựa trên thành công của phiên bản đã trình diễn. Bên cạnh đó, trong cùng năm 2024, một vở nhạc kịch khác cũng dựa theo tiểu thuyết The Great Gatsby của F. Scott Fitzgerald sẽ ra mắt với sự tham gia của nữ ca sĩ Florence Welch.